Sẽ là “cuộc cách mạng” trên đồng ruộng

Thứ tư, ngày 07/05/2014 07:13 AM (GMT+7)
Thực hiện Quyết định 580 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ chuyển đổi 112.000ha đất lúa sang cây màu, hôm qua (6.5) tại tỉnh Tiền Giang, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang ngô, đậu tương… cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bình luận 0
Trọng tâm là cây ngô

Năm 2013, diện tích cách tác lúa ở ĐBSCL đã lên đến 4,33 triệu ha với tổng sản lượng 25,13 triệu tấn (chiếm tới trên 56% tổng sản lượng lúa cả nước). Sự gia tăng về diện tích (do tăng vụ) và sản lượng (từ tăng năng suất) đã kéo theo áp lực về nguồn cung lúa lên khu vực này rất lớn, trong khi thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp, khiến giá lúa ngày càng xuống thấp. Chính vì thế, nhu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tức từ cây lúa sang các loại cây màu, đang là vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết.

Đây là năm đầu tiên ông Lê Hoàng Quốc (ở ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang)  chuyển đổi 3ha đất lúa sang trồng ngô.
Đây là năm đầu tiên ông Lê Hoàng Quốc (ở ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) chuyển đổi 3ha đất lúa sang trồng ngô.

Ông Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Việc chuyển đổi đất lúa ở ĐBSCL sang trồng ngô, đậu tương và các cây rau màu khác rất thuận lợi do điều kiện đất đai, khí hậu, nước tưới của vùng thuận lợi cho các cây trồng này. Đặc biệt, các cây màu đang có thị trường tiêu thụ tốt”.

Hiện hầu hết các tỉnh ở ĐBSCL đang tập trung xây dựng các mô hình chuyển đổi đất lúa với quy mô lên tới hàng chục nghìn ha. Ông Cao Văn Hóa- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tiền Giang đang có kế hoạch giảm diện tích đất lúa xuống còn 78.000ha để chuyển 6.000ha đất sang trồng ngô, điều này có lợi là giảm bớt được lượng lúa hè thu- vốn hay xảy ra dư thừa”. So với Tiền Giang, tỉnh Kiên Giang còn có kế hoạch chuyển đổi tới 10.000ha đất lúa. “Hàng năm, Kiên Giang sản xuất tới 500.000ha lúa 3 vụ, nên lượng lúa dư thừa khá lớn. Do vậy, việc chuyển đổi sẽ giúp làm giảm áp lực trong khâu tiêu thụ lúa, nhất là ở vụ hè thu” - ông Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang cho biết.

TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: “Khác với các kế hoạch chuyển đổi trước đây, có thể coi việc chuyển đổi lần này là cuộc cách mạng trên đồng ruộng, bởi chúng ta chủ trương chuyển đổi một cách chủ động, chứ không phải bị động. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi 150.000-200.000ha đất lúa đến năm 2020, chúng ta cần có quy hoạch để nông dân biết vùng nào có thể trồng được, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng vào đó”.

Trồng ngô lãi hơn lúa 40-80%

Nói đến chủ trương chuyển đổi lần này, hầu hết các ý kiến đều nhận định, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp trong việc xây dựng mô hình. Ông Trần Trương Tấn Tài- Giám đốc Kinh doanh miền Nam, Công ty TNHH Dekalb Việt Nam cho biết: “Trong suốt những năm qua, Dekalb đã là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng ở ĐBSCL. Sau khi thực hiện chuyển đổi trong các vụ xuân hè, hè thu và thu đông 2013, có thể khẳng định vùng ĐBSCL có ưu thế nhất về canh tác ngô lai với năng suất luôn ổn định ở mức 9-11 tấn/ha (hạt khô), tiềm năng có thể đạt 12-13 tấn/ha, gấp đôi năng suất trung bình cả nước”. Theo tính toán, với việc chuyển sang trồng ngô, bà con có thể thu lãi cao hơn trồng lúa 40-80%.

Thay đổi tư duy, nhận thức về
làm chuyển đổi

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định, chủ trương chuyển đổi đất lúa lần này nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập, giảm bớt khó khăn trong tiêu thụ lúa hè thu. Đây không phải là giải pháp tình huống, mà là kế hoạch bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này, từng cán bộ trong hệ thống nông nghiệp các địa phương cho đến bà con nông dân cần thay đổi tư duy nhận thức, bởi tâm lý chung của chúng ta bấy lâu nay là vẫn quen độc canh với cây lúa. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đồng ý sẽ thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi đất lúa cho vùng ĐBSCL...

Hải Hà

Hai vấn đề lớn nhất mà các địa phương quan tâm hiện nay, đó là cần có giải pháp về cơ giới hóa trong canh tác, thu hoạch ngô để giảm nhân công lao động và tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Cao Văn Hóa, khó khăn nhất khi chuyển đổi hiện nay là chúng ta còn yếu trong khâu cơ giới hóa, chẳng hạn như khâu tra hạt tốn rất nhiều chi phí và nhân công, trong khi nhân công ở khu vực ĐBSCL đang thiếu trầm trọng. Một số địa phương khác cũng lo ngại khâu tiêu thụ sản phẩm, bởi đã có nhiều bài học về chuyển đổi trồng- chặt ở ĐBSCL, nên kiến nghị cần có sự liên kết theo chuỗi giữa người nông dân và nhà doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Phan Huy Thông cho rằng, việc thực hiện được chuyển đổi hay không là do địa phương. Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chế biến thực hiện khâu tiêu thụ. Về phía khuyến nông, chúng tôi sẽ tổ chức ở mỗi tỉnh 1 lớp tập huấn cho nông dân về chuyển đổi.

Ngọc Lê- Thuận Hải (Ngọc Lê- Thuận Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem