|
Giải ngân nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên tại xã Sào Báy (Kim Bôi, Hoà Bình). |
Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học đại học, cao đẳng và học nghề là chính sách có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế và xã hội; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là khu vực nông thôn, vùng khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, học phí đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng thì mức cho vay đối với học sinh, sinh viên cũng nên tăng, quan điểm của Ngân hàng Chính sách xã hội về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Chính phủ đã duyệt tăng học phí dựa trên từng ngành đào tạo đến năm 2015 theo Nghị định 49/NĐ-CP ban hành ngày 14-5 vừa qua. Trong bối cảnh giá tăng, học phí tăng, lương tăng thì quan điểm của Ngân hàng Chính sách xã hội là cần xem xét tăng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên.
Cụ thể mức tăng là bao nhiêu?
- Việc tăng mức cho vay phải trên nguyên tắc, mang tính hỗ trợ chứ không phải là thoả mãn toàn bộ nhu cầu chi phí học tập của học sinh, sinh viên. Mức tăng cụ thể như thế nào sẽ dựa vào 2 yếu tố, đó là mức tăng thu nhập bình quân chung của xã hội và kế hoạch bố trí nguồn vốn, huy động vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tính toán phương án tăng mức cho vay cụ thể để đề xuất với các bộ, ngành xem xét và trình Chính phủ quyết định.
Sau 3 năm Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về “Tín dụng đối với học sinh, sinh viên”, doanh số cho vay đạt hơn 23.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu đối tượng được thụ hưởng, học sinh, sinh viên là con em hộ nghèo chiếm 26,7%, hộ cận nghèo 39,2%; hộ khó khăn đột xuất 33,9%...
Vốn cho vay học sinh, sinh viên rất lớn, luôn là áp lực đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo ông, nếu mức cho vay tăng, chương trình tín dụng này gặp khó khăn gì?
- Cho vay học sinh, sinh viên là chương trình có khối lượng tín dụng lớn, tăng trưởng nhanh, có thời hạn vay vốn dài, thu nợ quay vòng chưa đáng kể. Việc triển khai bố trí vốn trong thời gian qua còn bị động là do nguồn vốn không ổn định và không rõ ràng. Lâu nay, nguồn vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc huy động ngoài thị trường chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong khi các chương trình tín dụng trong đó có cho vay học sinh, sinh viên lại là trung và dài hạn.
Hiện tại, với mức cho vay 860.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên, Chính phủ đã đáp ứng đủ và trong tương lai Chính phủ cũng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh, sinh viên đúng đối tượng.
Ngân hàng Chính sách xã hội có giải pháp gì để bổ sung đảm bảo đủ vốn cấp cho chương trình tín dụng này?
- Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi đã triển khai một số giải pháp, như: Khai thác các nguồn tài chính không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp, tranh thủ nguồn tài trợ nhân đạo trong và ngoài nước; tích cực thu hồi nợ đến hạn; huy động vốn trên thị trường, vốn thông qua phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của Chính phủ và các nguồn vốn khác của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2009, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu, những tháng đầu năm 2010 phát hành thành công thêm 8.000 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn học sinh, sinh viên..
Công tác thu hồi nợ đến hạn của nguồn vốn cho vay học tập đã được Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ra sao, thưa ông?
- Với chương trình tín dụng cho vay học sinh, sinh viên, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thu hồi được gần 600 tỷ đồng nợ đến hạn. Với mô hình tổ chức, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, công tác thu hồi nợ đến hạn chắc chắn sẽ diễn ra thuận lợi và đạt kết quả khả quan. Việc thu hồi nợ tốt thì nguồn vốn của quỹ cho vay học tập sẽ ổn định, bền vững đảm bảo cùng một đồng vốn nhưng có nhiều thế hệ học sinh, sinh viên được thụ hưởng như Chính phủ đã chỉ đạo.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Công (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.