Không sợ khó, không sợ khổ
Từ khi khánh thành đến nay, Khu liên hợp thể thao Sports Hub là niềm tự hào của đất nước Singapore. Bản thân chúng tôi, khi được thực mục sở thị Sports Hub cũng đôi phần choáng ngợp trước sự hoành tráng, lộng lẫy của khu liên hợp thể thao này. Nhưng không phải ngẫu nhiên Sports Hub lại có được sự bóng bẩy đến thế, lại được truyền thông các nước Đông Nam Á trầm trồ khen ngợi đến thế.
Các công nhân Singapore tích cực làm việc giữa tiết trời nắng nóng. Ảnh: Long Nguyên
Trưa 31.5, khi thời gian diễn ra lễ khai mạc đã cận kề, chúng tôi tới Trung tâm Báo chí nằm trong sân vận động quốc gia (là một trong những công trình thuộc Sports Hub) để thu thập thông tin, sẵn sàng cho ngày hội lớn nhất thế thao khu vực. Quãng đường từ khách sạn Home Suite 6 trên đường Geylang đến sân không dài (khoảng 20 phút đi bộ), nhưng tiết trời oi ả khiến đường đi như dài ra. Nhưng trên đường, chúng tôi vẫn thấy nhiều công nhân miệt mài thực hiện công việc vệ sinh các biển bảng, pa nô, cắt tỉa cây cối với tất cả sự tỉ mỉ, nhiệt tình.
Khi chúng tôi dừng lại chụp ảnh một tốp công nhân, họ quay lại nhoẻn nụ cười và gật đầu chào rất thân thiện. Lại gần trò chuyện, anh Kannan (26 tuổi) cho biết: “Đây là công việc mà chúng tôi thực hiện hàng ngày từ cách đây hơn 1 tháng. Thời tiết ở Singapore hiện rất nóng bức, nhưng chúng tôi cũng quen và biết cách vượt qua thách thức này”. Hỏi thêm thì chúng tôi mới biết, “cách vượt qua thách thức” của Kannan và các đồng nghiệp là tập trung tối đa vào công việc, coi chuyện khó khăn, khổ ải chỉ là bình thường. Tất nhiên, nói là một chuyện, còn nghĩ và làm được như thế không đơn giản chút nào.
Vui theo cách riêng
Bị cuốn vào câu chuyện của Kannan, chúng tôi quyết định dành thêm thời gian “buôn chuyện” với nhóm bạn của Kannan. Nhận được câu hỏi: “Với công việc này, mức lương của các anh nhận được liệu có tương xứng với công sức bỏ ra?”- anh Kumar cho biết: “Lương của chúng tôi chỉ 800 đôla Singapore (khoảng 13 triệu đồng) một tháng. Hơn nữa đây chỉ là công việc mang tính thời vụ. Với mức lương này, việc chi trả cho cuộc sống bình thường ở Singapore rất eo hẹp”.
Như cảm nhận thấy sự thắc mắc của chúng tôi: “Khó khăn thế mà sao các anh vẫn chọn công việc này thay vì tìm việc khác nhẹ nhàng hơn?”, Kumar nói luôn: “Thực ra trước đó, tôi đang làm việc của một quán ăn với mức lương cao hơn. Nhưng khi biết Ban tổ chức SEA Games tuyển công nhân làm công việc này, tôi đã đăng ký và được nhận vào làm”.
Lương ít đi, công việc cực nhọc hơn giữa thời tiết có phần khắc nghiệt, nhưng Kumar và cả Kannan đều khẳng định: Họ không hề “lăn tăn” bởi với họ, đó là cách để thể hiện niềm tự hào dân tộc khi được đóng góp một phần nhỏ sức lực vào quá trình chuẩn bị cho SEA Games 28. Với họ, sự so đo thiệt hơn không tồn tại. Và nói như Aide Mustafic - một công nhân khác thì: “Chúng tôi biết cách cảm nhận niềm vui, sự đóng góp theo cách của riêng mình. Và đây chính là động lực để chúng tôi coi mọi khó khăn trở nên nhẹ nhàng hơn”.
Chia tay nhóm công nhân của Kannan, chúng tôi lại thấy họ cần mẫn với công việc của mình. Dọc chặng đường đến sân vận động quốc gia, có ít nhất 8 tốp công nhân đang thực hiện công việc với tất cả sự nghiêm túc. Khi ấy, đồng hồ đã chỉ 12 giờ 15 phút, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, nhưng sự mệt mỏi dường như không tồn tại trên gương mặt của những công nhân này. Có lẽ đơn giản là họ đang tự tận hưởng niềm vui theo cách của riêng mình.
Sau khi SEA Games 28 kết thúc, Kannan và các bạn sẽ lại tìm những công việc khác phù hợp với khả năng của họ. “Với bất cứ lý do nào, đây cũng là một kỷ niệm đẹp và niềm tự hào của cá nhân tôi khi đã được đóng góp sức mình cho đất nước tại Đại hội thể thao khu vực lần này” - Kannan chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.