Nhiều làng quê Việt Nam vẫn giữ được cái lệ là khi có hội thì các dòng họ chọn ra những thức ăn hay sản vật ngon nhất, lạ nhất để mọi người cùng thưởng thức. Đó là nét hay nhưng không phải lúc nào cũng mang ra áp dụng.
SEA Games vốn được cho là "hội làng" trong khu vực. Ở cuộc họp của Hội đồng SEA Games mới đây, sau cuộc "đấu trí" trên bàn hội nghị, thể thao Việt Nam cũng đạt được một số thỏa thuận đáng mừng, cụ thể là nhiều nội dung mà thể thao Việt Nam có khả năng đoạt vàng đã được đưa vào thi đấu.
Thế nhưng, chất "hội làng" vẫn còn khi nước chủ nhà cố gắng đưa những nội dung "lạ" vào thi đấu. Chuyện thường ngày ở huyện khi có “lạ” thì chủ nhà mới có nhiều cơ hội lấy HCV và để được chấp nhận những cái lạ ấy, chủ nhà cũng phải đồng ý đưa những "sản vật lạ" vào chương trình thi đấu. Chẳng hạn như môn Vovinam của Việt Nam lần đầu có trong chương trình thi đấu SEA Games, một số nước (như Philippines) phản đối vì họ không biết "Vovinam" là gì? Cũng chẳng lạ khi cách đây hai chục năm, môn Silat rất "lạ" để rồi Việt Nam du nhập và biến nó thành mỏ vàng để khai thác.
SEA Games 22 năm 2003, môn đá cầu trinh (vốn chỉ được biết ở Việt Nam và Trung Quốc) cũng có trong chương trình thi đấu khi mà Việt Nam phải cử chuyên gia sang Lào, Campuchia dạy cầu trinh để đủ số quốc gia. Năm 2005, Philippines đưa võ gậy - môn võ dân tộc của họ vào thì đã có rất nhiều VĐV Việt Nam phải học và tập võ gậy chỉ để phục vụ duy nhất một kỳ SEA Games.
Vovinam vào SEA Games thì cũng vui và có thêm nhiều cơ hội để "tấn công" SEA Games cũng tốt. Nhưng đối với người hâm mộ Việt Nam, SEA Games dù có nhiều HCV đi chăng nữa mà thiếu 2 "món chính" là bóng đá nam - nữ thì cũng coi như hỏng.
Bóng đá nữ đã bị loại một cách đáng ngạc nhiên, trong khi bóng đá nam không phải dễ lấy HCV -chiếc huy chương còn thiếu của bóng đá nam Việt Nam ở khu vực.
Sản vật lạ có khi chỉ để hội thêm rôm rả, nhưng để thật vui thì vẫn phải những món quen mà mọi người cùng thích, như bóng đá nam.
Vi Thành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.