Tại hội nghị, nhiều vấn đề “nóng” được phân tích, mổ xẻ chung quanh chương trình, sách giáo khoa hiện nay cũng như định hướng đổi mới sau 2015.
Sách giáo khoa nặng và thừa
Theo Chủ nhiêm Ủy ban Đào Trọng Thi, chương trình, SGK rất quan trọng. Thiết kế được một chương trình, bộ SGK tốt là việc bảo đảm thành công trong việc phát triển giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, chương trình, khối lượng kiến thức trong SGK hiện hành còn nặng so với khả năng tiếp thu của đông đảo học sinh, nặng lý thuyết, không sát thực tiễn. Trong khi đó, phương pháp dạy còn nặng về truyền thụ kiến thức mà chưa quan tâm nhiều đến rèn luyện kỹ năng, nhân cách học sinh. Chương trình chưa phù hợp với cả cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ giáo viên.
Cũng theo ông Thi, bên cạnh xây dựng chương trình, SGK tốt cũng phải quan tâm đến các điều kiện khác như cơ sở vậ chất, đội ngũ giáo viên để có thể thực hiện tốt nhất mục tiêu đề ra.
“Có thể chương trình tiên tiến nhưng đội ngũ chưa dạy được, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được thì cuối cùng cái mà học trò nhận được vẫn chưa phải những kỹ năng, năng lực mong muốn. Vì vậy đợt đổi mới chương trình, SGK tới cần làm một cách toàn diện, hệ thống gồm tất cả các yếu tố để bảo đảm chất lượng”, ông Thi nói.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội) thì nêu ví dụ: “Đơn cử trong môn Toán ở bậc phổ thông, nếu không là giáo viên dạy toán thì không cần đến kiến thức về Số phức. Tuy nhiên, kiến thức trên vẫn phải dạy, học, thậm chí năm nào cũng có trong đề thi tốt nghiệp THPT. Có thể nói rằng một phần ba kiến thức môn Toán ở bậc THPT là vô bổ đối với học sinh khi học xong bậc học này”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư Phạm Hà Nội, lại cho rằng, chương trình không quá tải nhưng có cái quá sâu không thiết thực cho người học.
“Nếu đánh giá quá tải có thể do phương pháp của giáo viên, áp lực của thi cử. Tích hợp là tăng tải cái thiết thực và nhất là phải tăng cái chịu tải của học trò, hứng thú của học trò trong đổi mới sắp tới. Hiện, chưa có chuyên gia về xây dựng chương trình, SGK tích hợp nên còn lúng túng về vấn đề này”, ông Báo nói.
Đổi mới toàn diện, đồng bộ
Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay, phần lớn các trường phổ thông không đủ điều kiện thực hiện giáo dục toàn diện.
“Cứ nói tăng cường thực hành trong khi nhà trường phổ thông nghèo nàn thì lấy gì để các cháu thực hành. Theo tôi, cần khảo sát xem bao nhiêu trường phổ thông đủ điều kiện để giáo dục toàn diện. Sau đó, Chính phủ cần có chỉ đạo UBND các cấp xây dựng cơ sở vật chất cho đổi mới chương trình, sgk như thế nào?”, bà Đan đề xuất.
Bà Đan cho rằng, trình độ nhà khoa học Việt Nam đủ sức khắc phục được những hạn chế hiện nay. Điều quan trọng là phải giải quyết toàn diện.
“Bộ GD – ĐT phải giải thích tại sao đổi mới được 10 năm mà sau 2015 lại đổi mới. Đổi mới lần này nên khắc phục chỉ đạo đơn điệu chỉ đổi mới chương trình, SGK. Cần có cả đổi mới cơ sở vật chất, đổi đào tạo sư phạm. Nếu làm đơn lẻ đổi mới chương SGK sẽ khó thành công”, bà Đan phân tích.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, sắp tới phải thống nhất được các cách nhìn, hiểu sao cho đồng nhất về chương trình, SGK. “Trong CT, SGK sắp tới phải tổ chức biên soạn SGK, kiểm định như thế nào để bảo đảm tính đồng bộ từ quản lý đến chuyên môn; đồng bộ từ lớp 1 đến 12. Không thể ban hành chương trình chính thức trước SGK”
“Chương trình phải đồng bộ mục tiêu, nội dung,, phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá… Làm chương trình coi trọng cách dạy hơn là truyền đạt nội dung. Coi trọng dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp…”,
Ông Nguyễn Vinh Hiển
Hà An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.