Shinzo Abe - hành trình của vị thủ tướng tại vị lâu nhất Nhật Bản

Lê Phương (Reuters) Thứ sáu, ngày 08/07/2022 16:22 PM (GMT+7)
Shinzo Abe, vị thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, đã đưa ra các chính sách nhằm đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng giảm phát, tăng cường quân đội Nhật Bản và tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lịch sử hai nhiệm kỳ.
Bình luận 0
Shinzo Abe - hành trình của vị thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản - Ảnh 1.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Ông Shinzo Abe từng đột ngột từ chức thủ tướng năm 2007 sau một năm tại vị, quay trở lại nhiệm kỳ thứ hai hiếm hoi vào năm 2012, cam kết phục hồi nền kinh tế trì trệ, nới lỏng các giới hạn của hiến pháp hòa bình thời hậu Thế chiến thứ hai và khôi phục các giá trị truyền thống.

Ông cũng là người có công trong việc giành quyền tổ chức Thế vận hội 2020 cho Tokyo, thậm chí xuất hiện với tư cách nhân vật Mario trong trò chơi điện tử Nintendo thời điểm bàn giao Olympic năm 2016.

Shinzo Abe trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản vào tháng 11/2019, nhưng đến mùa hè năm 2020, sự ủng hộ của công chúng đối với ông đã giảm sút do cách xử lý đại dịch Covid-19 cũng như một loạt bê bối bao gồm cả vụ bắt giữ cựu bộ trưởng tư pháp của ông. Ông đã từ chức mà không chủ trì Thế vận hội ( Olympic bị hoãn đến năm 2021 do Covid-19).

Ông lần đầu tiên nhậm chức vào năm 2006 với tư cách là thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai. Sau một năm bị cản trở bởi các vụ bê bối chính trị, sự phẫn nộ của cử tri về vấn đề lương hưu bị mất và cuộc bầu cử đang diễn ra căng thẳng cho đảng cầm quyền của mình, Abe đã từ chức với lý do sức khỏe kém.

"Điều khiến tôi lo lắng nhất bây giờ là khi tôi từ chức, những lý tưởng bảo thủ mà chính quyền Abe nêu ra sẽ phai nhạt", ông Abe sau đó viết trên tạp chí Bungei Shunju. "Kể từ bây giờ, tôi muốn hy sinh bản thân mình với tư cách là một nhà lập pháp để làm cho chủ nghĩa bảo thủ thực sự bắt rễ ở Nhật Bản".

Năm năm sau khi từ chức, Abe đã lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bảo thủ của mình trở lại nắm quyền.

Sau đó, ông đưa ra chiến lược "Abenomics" ba mũi nhọn nhằm đánh bại giảm phát dai dẳng và phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tiền tệ và chi tiêu tài khóa siêu dễ dàng, cùng với cải cách cơ cấu để đối phó với tình trạng dân số ngày càng già đi nhanh chóng.

Tuy nhiên, tình trạng giảm phát tỏ ra khó khăn và chiến lược tăng trưởng của ông đã bị ảnh hưởng vào năm 2019 do việc tăng thuế bán hàng và chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Sự bùng phát Covid-19 vào năm sau đã gây ra cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất từ trước đến nay của Nhật Bản.

Vào thời điểm đại dịch bùng phát, ông Abe đã chậm trễ trong việc đóng cửa biên giới Nhật Bản và thực hiện tình trạng khẩn cấp kêu gọi mọi người ở nhà. Các nhà phê bình cho rằng phản ứng này là vụng về và sau đó quy kết Abe là thiếu khả năng lãnh đạo.

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của Nhật Bản vẫn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia phát triển khác.

Tư tưởng của ông Abe

Abe Shinzo sinh tại Tokyo trong một gia đình có ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn ở Nhật Bản cả trước và sau chiến tranh. Gia đình ông vốn từ Tỉnh Yamaguchi, và địa chỉ thường trú của Abe (honseki chi) là Nagato, Yamaguchi, nơi ông ngoại ông sinh ra. Cha ông từng là ngoại trưởng và người chú ruột từng là thủ tướng. Nhưng khi nói đến các chính sách, ông nội của ông, cố thủ tướng Nobusuke Kishi, dường như là người có ảnh hưởng lớn nhất.

Ông Kishi là một bộ trưởng nội các thời chiến bị bỏ tù nhưng chưa bao giờ bị xét xử như một tội phạm chiến tranh sau Thế chiến thứ hai. Ông giữ chức thủ tướng từ năm 1957 đến năm 1960, từ chức do dư luận phẫn nộ về hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật được đàm phán lại.

Mặc dù không thành công, ông Kishi đã cố gắng trong việc sửa đổi hiến pháp năm 1947 do Mỹ soạn thảo để trở thành một đối tác an ninh bình đẳng với Washington và áp dụng một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn - những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của Abe.

Ông Abe tăng cường chi tiêu quốc phòng và tiếp cận với các nước châu Á khác để chống lại Trung Quốc. Ông thúc đẩy việc thông qua luật cho phép Nhật Bản thực hiện quyền "tự vệ tập thể", hoặc hỗ trợ quân sự cho một đồng minh đang bị tấn công.

Chương trình nghị sự cơ bản của Abe nhằm thoát khỏi cái mà ông gọi là chế độ hậu chiến, di sản của sự chiếm đóng của Mỹ mà những người theo phe bảo thủ cho rằng đã tước đi niềm tự hào dân tộc của Nhật Bản. Cải cách hệ thống giáo dục để khôi phục lại truyền thống là một trong những mục tiêu khác của ông.

Lập trường cứng rắn

Lần đầu tiên được bầu vào quốc hội vào năm 1993 sau cái chết của cha mình, Abe đã trở nên nổi tiếng trên toàn quốc bằng cách áp dụng lập trường cứng rắn đối với nước láng giềng Triều Tiên.

Mặc dù Abe cũng tìm cách cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc, ông đã khiến cả hai nước này phật ý vào năm 2013 bằng cách đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, được Bắc Kinh và Seoul coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật Bản.

Trong những năm sau đó, ông hạn chế đến thăm trực tiếp và thay vào đó gửi đồ cúng lễ.

Ở bên kia Thái Bình Dương, ông Abe củng cố mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cả hai chơi golf và thường xuyên tham gia các cuộc họp cũng như điện thoại.

Ông đã được bầu lại làm chủ tịch LDP trong nhiệm kỳ ba năm thứ ba liên tiếp vào năm 2018 sau khi thay đổi quy tắc của đảng, cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, một số người trong LDP đã xem xét thay đổi quy tắc để cho phép ông thêm nhiệm kỳ thứ tư.

Vào khoảng 11 giờ 25 phút (giờ Nhật Bản) ngày 8 tháng 7 năm 2022, cựu thủ tướng Abe Shinzo bị bắn vào ngực ở trước ga Kintetsu Yamato-Saidaiji, thành phố Nara, khi ông đang thực hiện một chuyến công du.

Đến khoảng 17 giờ 50 phút (giờ Nhật Bản) ngày 8 tháng 7 năm 2022, ông được xác nhận là đã qua đời.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem