Nhà thơ Vi Thuỳ Linh (viết riêng cho Dân Việt)
Thứ ba, ngày 12/07/2022 16:04 PM (GMT+7)
Hôm nay 12.7, lễ tang cựu Thủ tướng Shinzo Abe diễn ra tại ngôi đền Zojo-ji, nơi mà đêm 11.7, vợ ông chủ trì lễ Tsuyal (Lễ thức canh) trong phạm vi gia đình để cầu nguyện cho ông. Cái chết của vị thủ tướng nổi tiếng nhất đất nước mặt trời mọc thật thảm khốc, nhưng khiến người ta nhận ra: S.Abe được quý trọng thế nào.
Chợt nhức lên câu của đạo diễn lớn A. Kurosawa (1910 - 1998), nổi tiếng với những phim về chiến binh Samurai: "Tất cả những bộ phim của tôi đều nói về một điều duy nhất, là tại sao người ta không tử tế với nhau hơn?"
Khi biết tin Đại sứ quán (ĐSQ Nhật Bản) tại Hà Nội mở cửa cho mọi người tới ghi sổ tang cho Cựu Thủ tướng (TT) Nhật Bản Shinzo Abe, tôi đã nhủ lòng: Nhất định phải tới! Hành trang của tôi là bài thơ viết tặng ngài Abe kính mến, cảm tác trong xung động chưa từng có về cái chết đột ngột của ngài.
Tôi in bài thơ viết dạng thức thư tự sự - đồng vọng đem đến ĐSQ Nhật Bản như tâm nhang thành kính. Tại cổng 27 phố Liễu Giai, quận Ba Đình, lác đác người tới dù đang giờ trưa. Chỉ cần trình căn cước, bằng lái xe hay giấy tờ tuỳ thân có ảnh, sẽ được cho vào, dù quốc tịch nào. "Hôm 9.7, tôi chuyển đường link bài thơ cho ông Hirotoshi - Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam) ở Nara - Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng (Nguyên Chủ tịch Hội LHVHNT tỉnh Phú Thọ, giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ) cho biết.
Hàng ngàn lần đi qua ĐSQ Nhật - khuôn viên rộng quay 3 mặt phố, mãi trưa 11.7.2022 tôi mới tới lần đầu. Cảm giác bước vào "vùng Nhật Bản" qua 2 lần cổng sắt, sân vắng lặng yên tĩnh. Gió lặng hay là cây cũng buồn mà rủ tán dưới vầng mây lúc nắng lúc tối như sắp mưa. Dàn hoa vàng 5 cánh buông như tay thõng chia ly. Căn phòng thẳng từ cổng vào có hai người Nhật bịt khẩu trang, tôi cúi chào. Nhân viên người Việt Nam mặc đồng phục, túc trực mở cửa. Nhìn qua tường kính, thấy không khí nghiêm trang.
Bước vào, phòng nhỏ lặng lẽ hai hàng người xếp hàng chờ đến bàn ghi sổ. Ảnh ngài Cựu TT hơi cười. Không nến và hương. Chỉ đầy hoa quanh bàn phủ khăn trắng. Đa số dáng vẻ khách viếng là nhân viên văn phòng, người đeo cặp, người cầm hoa. Hai ngày mở sổ tang 11 và 12.7 từ 9 – 16h không nghỉ trưa, nên chắc những người tiếc thương tranh thủ giữa ca mà tới. Ai cũng buồn, trầm, xa xót. Các nhân viên nam nữ phục vụ trong và ngoài căn phòng đều là người Việt Nam.
Ái nữ của công ty chocolate Morinaga nổi tiếng đất nước Nhật Bản lại không có hậu vận ngọt ngào. Không phải Shinkansen, bà Akie ngồi tàu hơn 400km đến Nara. Chuyến tàu mấy tiếng đi 400 km là chuyến đi chuyển dài nhất, não nề nhất của phu nhân Akie. Bà đến nơi vài phút thì phu quân từ trần. 6 giờ sáng 9.7, ông bà rời Nara trở về thủ đô. Không thể ngờ được chuyến đón chồng về tổ ấm lần này là ly biệt mãi, ngồi bên chồng trong chiếc ô tô dài theo hành trình thê lương chia cắt. Chuyến đi buồn nhất với cặp vợ chồng 35 năm gắn bó.
13 giờ 30, họ về tới nhà riêng ở quận Shibuya. Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đến tư gia bậc tiền nhiệm - Shinzo Abe đã ủng hộ ông mạnh mẽ.
Người Nhật yêu nước đặc biệt ấy đã ghi dấu muôn hình ảnh đẹp với thế giới, với đất nước mình. Những khoảnh khắc gia đình vô giá sẽ ko có ảnh đoàn tụ nữa. Mới tháng 6, Twitter đăng ảnh mừng sinh nhật mẹ ông tuổi 94. S.Abe chỉ theo dõi tài khoản Instagram của vợ. 15 vạn người xem qua FB và 8 vạn người quan tâm qua Instagram có khỏa nổi nỗi cô đơn mất mát chồng của bà Akie? Người con ưu tú nhất hai dòng tộc đi gặp tổ tiên trước mẹ già. Không con, S.Abe muốn nhận con nuôi nhưng vợ không đồng ý. Ông mới lắp cho vợ chiếc gõ cửa bằng gỗ, quà từ Canada. Mọi góc nhỏ trong ngôi nhà còn hơi ấm Abe, nhưng cái gõ cửa thì không bao giờ có bàn tay ông cầm vào nữa. Người quân tử, như tùng bách, như thông. Bất giác vẳng bài Haiku của M.Basho (1644 - 1694), thiền gia, thi sĩ lớn nhất thời Edo "Gió thổi qua rừng thông/ Những chiếc kim xanh rơi xuống/ Tiếng rơi nghe thật lạnh".
Không lạnh, căn phòng tưởng nhớ cựu TT S.Abe ở ĐSQ Nhật Bản nơi còn lưu dấu ông và phu nhân. Vòng, lẵng hoa, những dòng chữ trên băng hoa và sổ tang bằng 2 thứ tiếng Việt - Nhật, có nước mắt và tiếng khóc kìm nén, nao lòng quá. Qua cú sốc lớn này, không chỉ nước Nhật, mà thế giới nhận thức được nhiều điều, về an ninh, về tâm lý và tâm thế sống, về tình đời, sự cộng cảm trong lo âu và hy vọng.
Chưa khi nào, sự gắn kết của Việt Nam và Nhật Bản lại được siết chặt như lúc này, qua nhân vật làm nên lịch sử của tình ái hữu bền vững. Người Việt từng/ đang du học, du lịch, làm việc ở đất nước Phù Tang hay những người chưa từng đặt chân đến như tôi, bất giác thấy gần gũi, thân thương chính bởi qua một con người đôn hậu, trí tuệ, nhân văn tuyệt vời ấy. Mối bang giao gắn kết này đã được GS, TSKH Vũ Minh Giang viết trong tác phẩm nghiên cứu hay nhất về quan hệ hai nước mà tôi được biết. Hay, giá trị vì đầy thông tin, sử liệu độc đáo và cực bất ngờ khi ông dùng thuật ngữ Toán học "Đối xứng gương" để nhận định về đối tác hơn nghìn năm mà đọc xong, lòng thôi thúc muốn "Đông du" lập tức.
"Ít ai ngờ rằng hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản xa nhau tới hơn 3.600 km, cách trở biển khơi lại có quan hệ từ hơn 1.000 năm trước.
Lịch sử quan hệ Việt - Nhật lại mở ra những trang đẹp vào đầu thế kỷ 16.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Nhật Bản luôn dành cho Việt Nam sự giúp đỡ mạnh mẽ và hiệu quả trên hầu hết các lĩnh vực.
Tất cả những điều trên đây là những hiển thị chỉ báo sự phát triển ngày càng tốt đẹp của quan hệ hai nước. Điều gắn chặt hai dân tộc lại với nhau, từ một góc nhìn sâu xa hơn, có lẽ lại là văn hóa, là địa-văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà từ quá khứ cách xa hàng nhiều thế kỷ, hai nước đã tìm đến nhau thông qua sự hiện diện tưởng như ngẫu nhiên qua các thời kỳ lịch sử. Nhìn từ góc độ văn hóa nhiều người có nhận xét Việt Nam và Nhật Bản rất giống nhau. Nếu nghiên cứu sâu hơn thì đấy là sự giống nhau như hai bàn tay của một con người, nghĩa là sự tương đồng, nói theo ngôn ngữ toán học, là đối xứng gương, là bù trừ cho nhau. Nhận xét này của tôi khi trình bày ở Tokyo đã được nhiều học giả Nhật Bản đồng tình.
Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Nhìn lại quá khứ, xem xét hiện tại có thể nhìn thấy tương lai quan hệ ấy đang trở nên vô cùng tươi sáng".
Chiều 11.7, tại nhà riêng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch chia sẻ với tôi kỉ niệm mấy lần được diện kiến ngài Abe. Ông nhớ nhất chuyến thăm Nhật theo lời mời của người đồng cấp Onodera Itsunori. Sau cuộc gặp tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Đại tướng được Thủ tướng S.Abe tiếp chiều 10/4/2018. Cuộc gặp ấm áp vì đó là năm kỉ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao hai nước, kí Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo. Ngài S.Abe tỏ rõ lòng quan tâm, quý trọng Việt Nam và hai bên cùng hợp tác về an ninh quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân.
Trong trí nhớ những ai gặp S.Abe, ông dung dị, gần gũi, quan tâm đến mọi người. Không chỉ người Việt mà bất cứ quốc tịch nào trên đất Nhật đều chịu ơn ông qua trợ giúp Covid, ông đã hỗ trợ 100.000 yen và ban hành chính sách giúp đỡ tối đa cho họ.
Các nhân viên ĐSQ Nhật tại Hà Nội đều nhớ đến ông với tình cảm trìu mến. Chị Phan Phương Hoa (Phòng Kinh tế) nói: "Mỗi lần ông sang, chúng tôi ra khách sạn Nikko nơi ông lưu trú, phục vụ. Ông hiền lắm". Anh Đỗ Trọng Hùng (Phòng Hành chính) có 2 lần vinh dự được chở ông và phu nhân. Lần đầu năm 2010, đưa vợ chồng ngài từ khách sạn Nikko về nhà riêng đại sứ Tanizaki ăn tối (nhà sau văn phòng ĐSQ). Lần sau, 11/ 2017 khi ngài sang dự Hội nghị Apec: "Tôi vinh dự được lái xe đưa ông đi Hạ Long. Vì không được chụp ảnh không được nói chuyện nên chỉ chào xã giao và cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười, nhưng thấy ông vô cùng đáng mến".
S.Abe đã làm nên kỳ tích Nhật Bản, ở chính sách kinh tế Abenomics, tăng vọt chỉ số Nikkei, mà cả ở tôn chỉ hiến dâng: "Sức mạnh kinh tế là nguồn sức mạnh quốc gia của Nhật Bản". Đặc biệt coi trọng đối ngoại, dành nhiều ưu đãi cho Việt Nam, S.Abe đã nâng uy tín lớn cho siêu cường Nhật Bản và tăng thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp, hình ảnh thu hút của quốc gia anh đào trước thế giới.
Trên bàn ghi sổ tang, có để sẵn bút phục vụ. Nhưng tôi muốn viết bằng cây bút tôi được tặng từ một sử gia hàng đầu Việt Nam hiện nay. Ông là GS duy nhất từ Hà Nội được mời sang dạy tại ĐH Tokyo cả năm trời, từ 1995, khi trường này được xếp hạng thứ 25 toàn cầu. Bởi qua một sử gia uyên tuệ, hiếm biệt tư duy ấy, một thành viên có công sáng lập và xây dựng Đại học Việt Nhật thuộc ĐHQG mà ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, tôi không chỉ hiểu thêm Nhật Bản hiện tại, mà còn được du hành về hơn nghìn năm trước và đi tới tương lai.
Nhớ người Nhật tầm cỡ ấy, tôi coi việc đến núi Phú Sĩ và thăm cựu Thủ tướng S.Abe là dự định khả thi vào mùa anh đào năm tới.
Thưa Ngài Shinzo Abe!
Thật không ngờ, lần đầu tôi đến Đại sứ quán Nhật Bản, lại là để tưởng nhớ ngài.
Tôi không muốn nói lời vĩnh biệt. Không bao giờ nói câu đó với ngài - Một người Nhật đáng quý và vĩ đại, bình dị và yêu mến nhất của thời đại, trong trí nhớ tôi.
Xin chia buồn sâu sắc nỗi đau mất mát này với đất nước Nhật Bản, với người thân của ngài, có phần chung cảm của nhân dân Việt Nam.
Ngài là một thiên thần. Ngài sẽ phiêu diêu an lạc nơi Thiên đàng nhé!
Thi sĩ Việt Nam - Vi Thuỳ Linh ghi trong sổ tang.
Chùm ảnh tại ĐSQ Nhật Bản 11.7.2022 do Đỗ Trọng Hùng và Phan Phương Hoa chụp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.