Siết quản lý việc nhập cư

Thứ tư, ngày 23/03/2011 10:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 22.3, trước khi bước vào phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô, quan điểm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra là Hà Nội cần có cơ chế, chính sách đặc thù để có thể khai thác hiện quả tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm xây dựng, quản lý và phát triển thủ đô xứng đáng là bộ mặt của đất nước.
Bình luận 0

Tăng tiêu chuẩn đăng ký thường trú

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do quy định của Luật Cư trú về điều kiện đăng ký thường trú khá “mở”, nên tốc độ phát triển dân cư trên địa bàn Hà Nội thời gian qua rất nhanh, số dân nhập cư vào khu vực nội thành ngày càng gia tăng với tỷ suất nhập cư là 65,3% trong giai đoạn 5 năm 2005-2009.

img
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 22.3.

Sức ép về dân số đang thực sự là thách thức đối với chính quyền thủ đô, Hà Nội đang phải đối mặt với sự quá tải về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tình trạng ô nhiễm môi trường…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội như quy định hiện hành của Luật Cư trú.

Theo đó, để được đăng ký hộ khẩu thường trú vào nội thành Hà Nội, người nhập cư phải đáp ứng đủ các điều kiện bao gồm: Có việc làm hợp pháp, ổn định ở Hà Nội; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà ở; đã tạm trú liên tục ít nhất là 2 năm...

Tán thành quan điểm này, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng, quy định về “có việc làm hợp pháp” như trong dự thảo luật không rõ ràng, khó thực thi.

Theo đại biểu này, lượng người về Hà Nội làm việc rất lớn, họ làm việc lâu dài thì có được coi là việc làm hợp pháp? Nếu không hợp pháp thì tại sao chúng ta vẫn để như vậy, còn nếu hợp pháp thì họ có nhà, có đăng ký tạm trú thì có được nhập khẩu hay không?

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng quy định hạn chế nhập cư như dự thảo luật sẽ giải quyết được vấn đề vì sức ép dân số lên cơ sở hạ tầng ngày càng tăng... Lập tức đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phản ứng: Quy định hộ khẩu cũng không làm giảm được sức ép dân số, bởi người lao động vào Hà Nội đâu cần hộ khẩu. Mở rộng đô thị với đầy đủ cơ sở hạ tầng mới là điều cần làm.

"Con cháu người mua đồng nát mai này có thể thành các nhà khoa học, nghệ sĩ... nên không thể bỏ mặc họ được” - ông Thuyết nói.

Áp dụng mức phạt cao

Về cơ chế, chính sách để bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Hà Nội cần phải có chế tài xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc hơn để bảo đảm trật tự quản lý hành chính.

img Phải đưa ra được giải pháp tổng thể, mở rộng đô thị để kéo giãn dân cư. Ngoài ra, có thể thu các loại phí như: Phí giao thông, phí môi trường đối với người tạm trú từ 3 tháng trở lên… Như vậy, người ngoại tỉnh không đáp ứng được, họ sẽ chuyển đi nới khác. img

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng việc áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính cao đối với các hành vi vi phạm tại nội thành Hà Nội là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng được một số nước áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đồng ý về việc xây dựng cơ chế đặc thù về trật tự an ninh cho thủ đô. “Tuy nhiên quy định về cơ chế này tại điều 23 trong dự thảo luật mới chỉ tập trung vào việc tăng mức phạt tiền mà không có thêm cơ chế nào khác. Nếu như vậy thì các đô thị khác cũng có thể áp dụng để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc đảm bảo an ninh trật tự, chứ không riêng gì Hà Nội” - ông Thuyết băn khoăn.

Với giọng khá gay gắt, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K'sor Phước cho hay dự án Luật Thủ đô hiện động chạm tới trên dưới 12 luật đã được ban hành. "Tôi không rõ những bộ luật đó được áp dụng ở thủ đô ra sao? Có hiệu quả hay phải sửa đổi? Đề nghị ban soạn thảo rà soát, nếu có xung đột với các luật thì phải lấy ý kiến đại biểu. Đừng biến thủ đô thành khu tự trị" - ông Phước nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem