Siêu cầu thủ trên dãy Trường Sơn

Thứ ba, ngày 13/02/2024 17:10 PM (GMT+7)
Các xã Ga Ri, Chơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam từng nổi tiếng về sự khắc nghiệt, sáng lạnh 10 độ C, nằm ở độ cao hơn 1.700 mét so với mực nước biển. Mùa xuân về, khi có đủ đường, điện… thì đây lại trở thành một nơi đáng khám phá và lũ trẻ có niềm vui bất tận với những trái bóng tròn.
Bình luận 0

Đá bóng cả ngày

Không khí xuân đang tràn về trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, ở vùng cao xã Ga Ri và Ch’ơm, huyện Tây Giang bắt đầu có những trận mưa. Cả không gian ầm ĩ tiếng mưa, suối tuôn chảy và rừng đêm sôi sục nước từ thượng nguồn. Phụp…phụp, 2 cậu nhóc người dân tộc Cơ Tu đang chơi quả bóng nhựa trên cái sân lèn đất sét với đôi chân trần ở giữa thôn Rú vào buổi sáng sớm.

Siêu cầu thủ trên dãy Trường Sơn- Ảnh 1.

TaNgon Lý (bên trái) và ALăng Vũ Văn Y đều ước mơ trở thành siêu cầu thủ Ảnh: Văn Chương

Ở vùng núi cao này, các cậu nhóc ra sân đá bóng, đánh bóng vào bất kể giờ nào. Có khi sáng sớm, giữa trưa, chiều hôm đã có thể í ới gọi nhau để tổ chức một trận bóng đá tưng bừng. Mỗi khi trên đỉnh núi Ta Pra có đám mây đen sà xuống làng và có khi mây trùm luôn trên các tuyến đường đi thì trận bóng mới kết thúc.

TaNgon Lý và ALăng Vũ Văn Y vừa trải qua kỳ thi học kỳ 1 và không khí đón xuân bắt đầu như lộc non trên triền núi. Ngày nghỉ ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Giang, hai cậu học sinh lớp 8 lại vui chơi thỏa thích. Buổi sáng, Lý nhìn lên dãy núi trước nhà để nghe văng vẳng tiếng chim hót rồi nhìn ra sau nhà, nơi có một bình nguyên rộng khoảng 3 km2, giống như một lòng chảo và phía bên kia là những dãy núi có đỉnh nhọn hoắt, nơi cắm những cột mốc phân định ranh giới Việt Nam - Lào. “Dưới đó có những tổ ong, còn trên này có táo mèo”, Lý nói về những tài nguyên của núi rừng khá hấp dẫn.

“Cháu thích nhất cầu thủ nào?”, tôi hỏi hai đứa. “Cháu hâm mộ Lima. Dạ… cháu cũng thế!”. Lima chính là Ronaldo – Rô béo, cầu thủ huyền thoại người Brazil.

Siêu cầu thủ trên dãy Trường Sơn- Ảnh 2.

Các cô bé, cậu bé trên dãy Trường Sơn vui nhất là khi được tặng bóng đá. Ảnh: Văn Chương

Lý là cậu nhóc có mái tóc cắt trông rất buồn cười, cậu khoe có thành tích sút 21 quả thủng lưới, còn Y thì khoe thành tích khủng, đã sút thủng lưới tới 73 bàn thắng. Lý giải về mái tóc lạ trông giống một số cầu thủ người Brazil đến từ những miền quê nghèo, cậu nói: “Y hớt tóc cho cháu, rồi cháu hớt tóc lại cho Y, cháu dùng kéo cắt…cắt vòng tròn quanh đầu, đầu tóc giống Brazil để sau này đá bóng giỏi”.

Leo, chui, vác

Vùng cao nhất của tỉnh Quảng Nam là hai xã Ga Ri và Ch’ơm. Ký ức nghèo đói đang lùi lại rất nhanh. Nhiều người vài năm trở lại vùng cao này đều bất ngờ vì sự đổi thay. Toàn bộ các thôn đều có đường bê tông dẫn vào tận nơi, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ như: xây dựng nhà, giống cây trồng đã giúp vùng cao lột xác. Táo mèo là loại cây được phát miễn phí cho người dân trồng, tới giờ này bắt đầu đến thời kỳ thu hoạch để có tiền chi tiêu hàng ngày.

Trước nhà 2 cậu bé là những cây táo mèo nằm cheo leo và rải rác khắp đỉnh núi. Táo mèo khô được bán với giá hơn 100.000 đồng/kg, táo mèo tươi được bán với giá 30.000 đồng. Cây táo mèo cao trên 10 mét và ra quả chi chít. Các hộ gia đình nhìn lên cây táo mèo và đều buột miệng nói “chờ con về hái quả”. Phần lớn trẻ em vùng cao đều là những tay leo trèo giỏi từ lúc 5-7 tuổi. Cái dáng nhỏ nhắn của các cậu bé mới có thể đánh đu khắp các nhành cây và vặt trụi quả táo mèo, còn cha mẹ đứng dưới ngửa mặt lên để nhặt quả rơi vãi.

Lý nặng 30 kg, Y nặng 36 kg, nhưng có thể vác được chiếc gùi măng nặng tới 40 kg và đi hàng chục km. Khi tôi mới hỏi “cháu có thể hái cho chú vài quả táo mèo được không”, hai cậu nhóc lập tức phóng lên cây với tốc độ còn nhanh hơn chú mèo trèo cây cau. Y ngồi trên chạc ba cây và cười khanh khách, còn Lý thì thể hiện sự thiện xạ của đứa trẻ leo cây bằng cách trườn ra nhánh cây ngoài xa và bứt ngay một nắm quả, rồi nở nụ cười như con khỉ nhỏ.

Siêu cầu thủ trên dãy Trường Sơn- Ảnh 3.

Những ngôi làng có nhiều điều đáng khám phá nằm trên dãy Trường Sơn Ảnh: Văn Chương

Đi khắp các thôn bản, cuối cùng mới hiểu được “công việc” của những cậu nhóc như Lý và Y trong những ngày nghỉ ở vùng cao này, đó là phụ giúp gia đình leo trèo và thu hái táo mèo, thời gian còn lại thì đi giúp một số gia đình hái thuê. Có người dân cho biết, giá leo cây táo mèo là 50.000 đồng/buổi. Nhưng cũng có người cho biết, có gia đình trồng quá nhiều táo mèo, nhưng con đi học xa nên phải thuê lại những cậu nhóc như Lý và Y trèo hái táo mèo và trả tiền công 150.000 đồng/ngày.

Ngồi trên cây, Lý kể về những kỷ niệm leo trèo từ lúc 10 tuổi. Cậu nói về việc lúc nhỏ được cha dẫn lên sườn núi để bắt tổ ong. Do ham gỡ bánh mật nên cậu bị ong chích tới 34 vết. Cậu nói rằng, khi ong chích thì cậu quạt tay liên tục rồi cũng bắt được một tổ ong lấy được 5 lít mật. Cơn đau cũng chỉ một lát rồi hết, nhưng số mật trên bán ra được cả triệu đồng.

Ước mơ Brazil

Những đứa trẻ ở thành phố, thị xã, phần lớn cứ suốt ngày chúi vào màn hình điện thoại smartphone và thiếu rất nhiều trải nghiệm. Có em nghỉ hè được vài ngày đã bắt đầu cắp sách đi học thêm, tuổi thơ bị đánh mất. Còn ở vùng đại ngàn, mùa hè của lũ trẻ thực sự là những kỷ niệm đầy ấn tượng. Ở vùng cao Ga Ri và Ch’ơm, cuối năm là cao điểm đi hái măng, táo mèo, đào sâm, nấm ngọc cẩu…Chiều hoặc giữa trưa thì lao ra sân và bắt đầu một trận đá bóng, đánh bóng trên nền đất. Cứ như vậy, lũ trẻ có được niềm vui bất tận.

Khi rời vùng cao Ga Ri và đi qua khu nhà của 2 cậu nhóc Y và Lý, tôi giật mình vì từ xa đã thấy thấp thoáng dáng chạy trên con đường thôn của TaNgon Lý. Lý chạy rất đều và bước chân nhanh nhẹn. Khuôn mặt đen thui và mái tóc lạ khiến cậu có vẻ hơi giống vận động viên vô địch marathon thế giới là Eliud Kipchoge, người Kenya.

Đi khắp các thôn bản ở vùng đại ngàn, nơi đâu cũng nghe đám trẻ nói về niềm đam mê bóng đá. Thỉnh thoảng vẫn có những đứa bé nhắc đến ước mơ trở thành siêu cầu thủ như Lima-Rô béo. Người dân ở vùng cao này không sống rải rác, mà quần tụ về từng làng hình bán nguyệt, chính giữa là ngôi nhà truyền thống để tổ chức hội họp. 

Mỗi khi ném trái bóng ra sân, tiếng phụp…phụp đã nhanh chóng thu hút lũ trẻ ùa tới và sẵn sàng cho một trận đấu và hô hét hết cỡ. Tôi mang vài quả bóng đá tặng cho các cô cậu, chị Nguyễn Trang Phương Dung ở thành phố Hồ Chí Minh cũng nhờ mua bóng đá để tặng, lũ trẻ cả xóm ồn ào cả ngày vì món quà đúng sở thích.

Câu chuyện về 2 cậu bé Lý và Y cũng là phiên bản của nhiều đứa trẻ vùng cao ở khu vực Tây Trường Sơn- mỗi khi rảnh rỗi thì lại quần trên sân với trái bóng và niềm đam mê trở thành cầu thủ, rồi ước mơ trở thành siêu cầu thủ Lima.



Lê Văn Chương (Theo Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem