Quyết định trên mới được tỉnh Thái Nguyên đưa ra sau khi kiểm điểm tiến độ 2 năm triển khai Dự án xây dựng khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (của tỷ phú Nguyễn Văn Trường) làm chủ đầu tư với số vốn dự kiến kỷ lục là 15.000 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chưa cân đối được vốn ngân sách cho siêu dự án
Đến nay, sau 2 năm triển khai, một số dự án thành phần đã được nhà đầu tư khởi động, triển khai ngoài thực địa, nhất là các dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) gồm: Đường Bắc Sơn kéo dài; đường trục nối đường tỉnh ĐT 261 với Hồ Núi Cốc; tuyến đường ven Hồ Núi Cốc và các dự án đầu tư ngoài ngân sách do doanh nghiệp đầu tư như khu du lịch tâm linh, khu dịch vụ đón tiếp, khu làng văn hóa dân tộc và hai cổng vào khu du lịch Hồ Núi Cốc...
Theo thống kê, khoảng gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách đã được chi cho công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, đến nay, "siêu dự án" nhóm A này vẫn còn hàng loạt khó khăn như việc duy trì cao độ mực nước Hồ Núi Cốc cũng như ảnh hưởng đến 16 dự án đã được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đó.
Để các mục tiêu của dự án phù hợp với thực tế, tháng 10.2017, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh giảm quy mô, nguồn vốn xây dựng của dự án từ 9.980 tỷ đồng xuống còn 6.838,3 tỷ đồng, trong đó đề xuất vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, còn lại là ngân sách địa phương; chuyển 3 hạng mục dự án ra khỏi danh mục đầu tư của dự án; đồng thời nhất trí chủ trương đầu tư các hạng mục này theo hình thức PPP - Hợp đồng BT.
Theo Bộ KH&ĐT, Dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư rất lớn, việc cân đối vốn cho dự án chỉ được thực hiện khi có nguồn bổ sung đầu tư phát triển kế hoạch trung hạn và phải được Quốc hội và Chính phủ xem xét.
Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách tỉnh Thái Nguyên cũng đã được HĐND tỉnh thông qua và chưa cân đối được vốn cho Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo xin ý kiến và ngày 15.1.2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Văn bản số 246-KL/TU cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020.
Siêu dự án có gì đặc biệt?
Hiện dư luận đang rất quan tâm các thông tin về dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc của tỷ phú Xuân Trường tại Thái Nguyên. Vậy siêu dự án 15.000 tỷ này có gì đặc biệt?
Trước đó, tháng 2.2016 tỉnh Thái Nguyên và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã tổ chức lễ động thổ dự án trên địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương: TP Thái Nguyên, TX Phổ Yên và huyện Đại Từ với diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940ha (trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500ha). Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2035.
Dự án có các phân khu chính: Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc,...
Siêu dự án 15.000 tỷ đồng của tỷ phú Xuân Trường đã bị dừng lại (Ảnh: IT)
Được biết, chùa Tháp Phật giáo là một phần quan trọng trong dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Theo thiết kế, Chùa Tháp có chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5.000-10.000 người trong cùng một thời điểm. Đây sẽ là một trong những Tháp phật giáo lớn nhất thế giới.
Chùa Tháp được thiết kế bằng cách đổ bê tông phần thô do thợ Việt Nam đảm nhiệm, còn toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp gồm 12 nghìn bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật,... do các nghệ nhân, thợ của Indonesia và Ấn Độ chế tác tại các nước này. Sau khi hoàn thiện xong tượng phật, 12 nghìn bức tranh đá tại Indonesia và Ấn Độ sẽ được đưa về nước lắp đặt. Riêng phần móng của Tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.
Dự kiến, phần móng sẽ được lặp đặt trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái phật và hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026)...
Ngoài ra, dự án này còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch: vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch; vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với Tỉnh lộ 261.
Mục tiêu của nhà đầu tư là xây dựng đồng bộ Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc kết nối với các khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Tân Trào (Tuyên Quang), khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn) tạo thành quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.
Tham vọng của nhà đầu tư là phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc sẽ đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia; đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực...
Dự án Hồ Núi Cốc phấn đấu đến năm 2025 đón được khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú là 10.000 lượt; năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 20.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 860 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nguyễn Ngân (tổng hợp (Theo Lao Động và Vietnamnet0)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.