Tối 19.3, người dân trên toàn thế giới sẽ có dịp chứng kiến một Mặt trăng lớn và sáng nhất trong gần 2 thập kỷ qua. Các nhà chiêm tinh gọi đây là hiện tượng "siêu Mặt trăng", vì vệ tinh tự nhiên này sẽ di chuyển cách Trái đất của chúng ta vào khoảng 221,567 dặm (tương đương 356.578km, trong khi trung bình khoảng cách từ Mặt trăng đến Trái đất là hơn 384.400km). Đây là khoảng cách gần nhất giữa Mặt trăng và Trái đất kể từ năm 1992 tới nay.
|
Mặt trăng sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% vào tối 19.3. |
Ngập tràn tin đồn về ngày tận thế
Từ lâu, giới thiên văn học và cả những nhà chiêm tinh nghiệp dư đều biết rằng hiện tượng trên liên quan đến điểm "cận địa" của Mặt trăng. Có nghĩa là Mặt trăng không quay xung quanh địa cầu theo quỹ đạo hình tròn mà là hình bầu dục.
Khi nó đến điểm cận địa (điểm gần Trái đất nhất), bề mặt "chị Hằng" có thể trông to hơn gấp 14% và sáng hơn 30% so với những dịp rằm khác. Khi tới điểm "viễn địa" (điểm xa nhất), Mặt trăng mờ nhạt và có vẻ nhỏ hơn so với bình thường.
Nếu cứ suy luận theo cách của những người tung tin đồn thất thiệt thì bất cứ thiên tai nào cũng có thể liên hệ với những sự kiện trên trời cao, từ sự di chuyển của sao chổi, hành tinh đến Mặt trời.
David Reneke - Nhà thiên văn học người Australia
Cứ mỗi một tháng hiện tượng cận địa sẽ xuất hiện một lần. Tuy nhiên, lần này (19.3) thì khác. Điểm cận địa trong tuần tới sẽ trùng hợp với đêm trăng tròn - một sự kết hợp hiếm khi xảy ra.
Một số nhà khoa học theo chủ nghĩa hoài nghi và những người tôn thờ thuyết Khải huyền (đề cập tới những hiện tượng, sự vật siêu nhiên và huyền bí) lo ngại rằng, Mặt trăng áp sát Trái đất là một dấu hiệu cảnh báo về một năm xảy ra các đại thảm họa như động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, hạn hán, lũ lụt khắc nghiệt...
Thực tế cho thấy, điều trùng hợp giữa thiên tai và hiện tượng Mặt trăng tiến sát Trái đất đã xảy ra vào các năm 1955, 1974, 1992 và 2005, khi địa cầu đã phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết xấu. Chẳng hạn như, chỉ 2 tuần trước khi Mặt trăng tiến gần Trái đất nhất vào đầu năm 2005, sóng thần cực lớn đã xảy ra vào tháng 12.2004 ở Ấn Độ Dương khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Năm 1974, siêu bão Tracy đã bất ngờ tàn phá hoàn toàn một khu vực ở TP.Darwin, (Australia) khiến nhiều người chết và bị thương. Và lần này, chỉ trước khi Mặt trăng áp sát Trái đất hơn một tuần, trận siêu động đất mạnh 8,9 độ richter đã xảy ra và tàn phá Nhật Bản...
Vì vậy, từ vài tuần trước khi các nhà khoa học thông báo về sự kiện Mặt trăng tiến sát Trái đất nhất trong gần 20 năm qua, trên mạng Internet đã ngập tràn thông tin về ngày tận thế gần kề. Trên nhiều diễn đàn, giới bloggers (cộng đồng mạng) bàn tán xôn xao rằng Mặt trăng khi tiến sát địa cầu sẽ tạo một sức mạnh bí ẩn đánh thức nhiều thảm họa thiên nhiên ghê gớm.
Nhà thiên văn người Mỹ Richard Nolle - người tự nhận đã tạo ra thuật ngữ "siêu Mặt trăng" và từng tuyên bố rằng ông ta biết trước về vụ tấn công khủng bố nhằm vào tháp đôi ở New York năm 2001, cảnh báo Trái đất sẽ phải chứng kiến "cơn ác mộng" về khí tượng trong 2 ngày cuối tuần này, bao gồm thủy triều dâng cao, động đất mạnh 5 độ richter và hàng chục cơn bão lớn.
Trong khi đó, một số người khác lại đem gán hiện tượng cận địa lần này với lời tiên tri của người Maya cổ xưa, về một siêu thảm họa tàn phá Trái đất vào năm 2012.
Giới khoa học vào cuộc
Trong câu mở đầu cho bài viết trên một tờ tạp chí thiên văn học được xuất bản đầu tháng 3.2011, TS Kevin Horsburgh thuộc Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Liverpool (Anh) nhấn mạnh: "Tôi không hề thuộc thế giới blog đang hoang mang kia. Không biết họ lấy thông tin ở đâu, nhưng tôi thấy chẳng có gì phải làm ầm ĩ lên".
Theo TS Horsburgh, khi tới điểm cận địa, Mặt trăng sẽ tạo ra lực hấp dẫn khiến thủy triều trên Trái đất cao hơn và mạnh hơn từ 10-15% và số liệu này không thể gây ra bất cứ sự hoảng loạn nào về khả năng xuất hiện sóng thần hay các hiện tượng thiên nhiên cực đoan nào.
Trong khi đó, ông Pete Wheeler thuộc Trung tâm Thiên văn học Quốc tế khẳng định, những cảnh báo của các nhà khoa học theo chủ nghĩa hoài nghi hoàn toàn không có cơ sở và cho rằng những sự kiện xảy ra ở trên chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên: “Mặt trăng tiến gần Trái đất không hề liên quan tới động đất hay núi lửa phun trào. Hiện tượng Mặt trăng tiến gần chúng ta chỉ khiến thuỷ triều trên Trái đất biến động mạnh hơn mà thôi”.
TS David Harland - khoa học gia về vũ trụ của Anh, thì cho rằng tối 19.3.2011 là thời điểm tốt để giới thiên văn có được những bức hình tuyệt đẹp của "chị Hằng". Nhà khoa học này cho rằng vị trí hết sức gần với Trái đất của Mặt trăng như lần này chẳng gây ảnh hưởng gì cho người dân trên hành tinh xanh.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.