“Siêu trăng” là lúc trăng tròn và sáng ở vị trí lân cận với cận điểm trên quỹ đạo e-líp khi nó xoay quanh Trái đất. (Ảnh minh họa: Stefano Sciarpetti)
Như nhiều đêm trăng rằm khác, đêm nay (19/2, rằm tháng Giêng), Mặt trăng sẽ lại tròn và sáng rực trên bầu trời. Tuy nhiên, với khoảng cách gần Trái đất hơn bao giờ hết trong năm 2019, trăng tròn đêm 19/2 được gọi là “siêu trăng” của năm.
Về hiện tượng này, anh Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) giải thích, Mặt trăng xoay quanh Trái đất theo hình e-líp nên sẽ có lúc ở khoảng cách xa Trái đất và cũng có lúc gần Trái đất hơn. Vị trí Mặt trăng xa Trái đất nhất gọi là viễn điểm, còn gần nhất gọi là cận điểm.
Con số “trăng sáng hơn 30% và lớn hơn 14%” là so sánh trăng sáng tròn khi ở vị trí cận điểm và viễn điểm. (Ảnh minh họa: NASA/JPL-Caltech)
“”Siêu trăng” (trăng tròn cận điểm) là Mặt trăng tại thời điểm trăng tròn và sáng ở vị trí lân cận với cận điểm của quỹ đạo quay quanh Trái đất. Do Mặt trăng ở gần Trái đất hơn nên chắc chắn sẽ lớn hơn và sáng hơn so với trăng ở thời điểm bình thường”, anh Duy nói.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM khẳng định, dù trong đêm 19/2 Mặt trăng có to và sáng hơn thông thường nhưng không thể đạt con số 30% sáng hơn và 14% lớn hơn. Mắt thường rất khó phân biệt sự to hơn và sáng hơn này.
“Khoảng cách trung bình từ Mặt trăng tới Trái đất là khoảng 384.000, khoảng cách gần nhất có thể đạt được là đâu đó hơn 350.000km (như “siêu trăng” đêm 19/2 là 356.761km), khoảng cách xa nhất đâu đó trên 400.000km. Con số so sánh trăng sáng hơn 30% và lớn hơn 14% là so sánh ở khoảng cách gần nhất và xa nhất, chứ không phải so với trăng tròn bình thường”, anh Duy giải thích.
Thời điểm Mặt trăng gần Trái đất nhất trong năm 2019 (khoanh đỏ) và thời điểm Mặt trăng tròn trong cùng tháng (khoanh xanh). (Cách tính giờ Việt Nam: +7 giờ)
Ngoài ra, theo số liệu tính toán của chuyên trang thiên văn fourmilab.ch, trăng tròn đợt này sẽ tròn nhất vào lúc 22h54 tối 19/2 (giờ Việt Nam), trong khi trước đó Mặt trăng đã đạt khoảng cách gần Trái đất nhất là vào lúc 16h7 chiều 19/2 (giờ Việt Nam). Sự chênh lệch giữa thời điểm trăng tròn nhất và trăng gần Trái đất nhất là một yếu tố ảnh hưởng tới mức độ “siêu trăng” - sự chênh lệch càng cao mức độ càng giảm.
Theo anh Duy, “siêu trăng” không phải hiếm gặp. Một năm có đến vài lần trăng tròn gọi là “siêu trăng”. Chẳng hạn trong năm 2019, theo tính toán của giới thiên văn thì có 2 lần “siêu trăng”, vào ngày 21/1 và 19/2. Còn sang năm 2020, “siêu trăng” sẽ xảy ra vào đêm 7/4 - rạng sáng 8/4 ở khoảng cách 456.908km.
Thời tiết không mưa, ít mây sẽ là điều kiện thuận lợi để nhiều vùng trên cả nước quan sát siêu trăng đêm rằm tháng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.