Anh Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) cho biết, siêu trăng là hiện tượng trăng tròn trùng với thời điểm Mặt trăng lại gần Trái đất nhất trên quỹ đạo. Siêu trăng sẽ lớn hơn khoảng 7-8% so với trăng rằm hằng tháng.
“Siêu trăng lần này diễn ra vào đêm 29.7, trùng với thời điểm diễn ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Sự chênh lệch này là rất nhỏ nên bằng mắt thường khó có thể nhận biết rõ. Nếu có điều kiện thì những người quan tâm có thể quan sát qua kính thiên văn để thấy rõ hơn hiện tượng này”, anh Lâm nói.
Hiện tượng siêu trăng xuất hiện, Mặt trăng hình bên phải lớn hơn so với trăng rằm hằng tháng từ 7-8%. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh Lâm cho hay, hiện tượng siêu trăng có thể quan sát được ở bất kỳ đâu nếu Mặt trăng không bị che khuất bởi thời tiết hay nhà cao tầng. Tại Việt Nam, trong điều kiện thời tiết tốt, người dân có thể quan sát được siêu trăng qua kính thiên văn. Người dân tại Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, Tây Á, khu vực phía đông Thái Bình Dương dễ dàng hơn chiêm ngưỡng khoảnh khắc đặc biệt trên.
Theo anh Lâm, vào khoảng 20h tối 27.9, một số thành viên của hội sẽ tổ chức quan sát hiện tượng siêu trăng tại khu vực đài phun nước Đại học Quốc gia Hà Nội. Người dân muốn quan sát hiện tượng trên, nhìn theo hướng Đông, cần lựa chọn khu vực rộng rãi và không bị nhà cao tầng cản trở, nơi có không khí trong lành và tránh ánh sáng đèn.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, siêu trăng kết hợp nguyệt thực toàn phần là hiện tượng rất đặc biệt và không xảy ra thường xuyên. Kể từ năm 1900, hiện tượng trên mới chỉ xuất hiện 5 lần (vào các năm 1910, 1928, 1946, 1964, 1982).
Trong khi đó, nguyệt thực phổ biến hơn rất nhiều, bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất cũng có thể trông thấy nguyệt thực toàn phần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.