Singapore là nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Theo SCMP, Singapore là quốc gia có các tòa nhà chọc trời thống trị cảnh quan thành phố. Các công ty công nghệ hàng đầu ở Mỹ đều đặt văn phòng, cửa hàng ở nơi giàu có nhất tại Singapore.
Nhưng người dân Singapore đang có lý do để cảm thấy lo ngại, theo một cuộc khảo sát có 4.015 người ở độ tuổi 18 trở lên tham gia, diễn ra từ tháng 8.2018-1.2019 bởi một tổ chức nghiên cứu do chính phủ tài trợ.
Trả lời câu hỏi của Viện nghiên cứu chính sách tại Đại học Quốc gia Singapore về tình hình tài chính của mình trong một thập kỷ tới, hơn một nửa nói rằng số tiền họ nhận được sẽ không có sự khác biệt đáng kể và 1/10 lo ngại rằng tài sản của họ sẽ suy giảm.
Sự bi quan này vẫn tồn tại ở các cấp giáo dục. Chỉ có 44% số người có bằng cấp hi vọng có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong 10 năm. Con số này giảm còn 40,6% với những người Singapore được đào tạo nghề. Với những người lao động phố thông, chỉ 23,8% tin rằng họ sẽ kiếm được nhiều hơn trong tương lai.
Nghiên cứu được công bố cuối tháng trước. 4 trong số 5 người Singapore nói trên SCMP rằng họ bi quan vì mức lương không đáp ứng được chi phí, có cảm giác không khả quan mấy về tiền lương.
Alroy Ho, 32 tuổi, không học hết trung học. Anh làm nghề giao hàng bằng xe máy điện, kiếm được 2.000-3.000 SGD mỗi tháng, tùy vào số đơn hàng giao được. Chính quyền Singapore mới đây đã cấm xe điện đi vào đường dành cho người đi bộ. Ho chỉ có lựa chọn đi xe đạp hoặc học lấy bằng xe máy. Điều này càng khiến ngân sách hàng tháng giảm đi trong khi Ho phải nuôi vợ và con nhỏ 5 tuổi. Gia đình có kế hoạch mua căn hộ 3 phòng vào năm tới.
“Tôi không biết chuyện gì xảy ra trong 10 năm tới. Chỉ 2 năm tới thôi, tôi đã không biết phải sống ra sao”, Ho nói. “Singapore giàu có nhưng không phải ai cũng theo kịp được”.
Người trẻ ở Singapore ngày nay không còn nhận được ưu đãi lớn như thế hệ cha mẹ.
Beatrice B, 24 tuổi, là một người có bằng cấp. Cô làm việc cho một tạp chí, kiếm được dưới 3.000 SGD/tháng, phải trả 28.700 SGD tiền học thời sinh viên. Cô cố gắng suy nghĩ tích cực, nhưng chi phí sống đắt đỏ khiến cô lo lắng.
Beatrice vẫn sống cùng cha mẹ trong căn hộ 4 phòng. Cô luôn ước mình được trả lương nhiều hơn vì phải làm quá nhiều việc.
Khi được hỏi về việc vì sao ngày càng có nhiều người Singapore lo lắng về tương lai, học giả Irene Ng đến từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói đây là điều tất yếu của một nền kinh tế đã trưởng thành.
“Giai đoạn phát triển thần kỳ đã qua, các chính sách phổ biến rộng rãi về nhà ở và giáo dục trong quá khứ đã nhường chỗ cho sự phân chia tầng lớp lớn hơn”, Irene nói.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi tháng 10 từng thừa nhận rằng đà phát triển đã giảm đáng kể. Đối với những người Singapore có tuổi, họ đã trải qua một giai đoạn phát triển thần kỳ.
Cha của Tan Teng Nging là một người như vậy. Người đàn ông này bước ra từ một ngôi làng vào những năm 1970 với hai bàn tay trắng. Được trợ cấp đi học đại học, chuyển đến sống ở căn hộ có 5 phòng, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng.
“Đến thời tôi, tôi không biết làm sao để có thể làm được như cha mẹ”, Tan, 43 tuổi, nói.
Nhà xã hội học Tan Ern Ser nói những năm 1970-1980 là giai đoạn nhiều người Singapore được nâng lên tầng lớp trung lưu. Đến nay, mọi chuyện đã khác.
“Không ngạc nhiên khi mọi người lo lắng về tương lai dù họ không khó khăn như trong quá khứ. Đó là vấn đề mà chính phủ cần giải quyết”, Tan Ern Ser nói.
“Những người thành công cố gắng giúp đỡ con cái họ, những người không có may mắn như vậy càng cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn”, Bộ trưởng Singapore Tharman Shanmugaratnam nói hồi năm ngoái.
Chính phủ Singapore coi việc giải quyết sự mất cân bằng xã hội là ưu tiên hàng đầu, nhưng chưa có phương án hiệu quả. “Sự dịch chuyển xã hội giống như một thang cuốn. Khi nó dừng lại, vấn đề bất công và mất cân bằng xã hội càng trở nên rõ ràng hơn”, Tharman nói.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang thu hút được nhiều sự chú ý sau khi một trang blog địa phương so sánh mức lương của...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.