Sinh viên đô thị hạnh phúc hơn sinh viên nông thôn

Minh Anh (thực hiện) Thứ hai, ngày 14/03/2016 17:20 PM (GMT+7)
"Khi nhìn nhận các dữ liệu dựa trên biến độc lập về nơi ở hiện nay, sinh viên ở đô thị thấy cuộc sống hạnh phúc hơn so với sinh viên từ vùng nông thôn đồng bằng và sinh viên nông thôn miền núi", TS Lưu Minh Văn chỉ ra.
Bình luận 0

TS Lưu Minh Văn là Phó Chủ nhiệm khoa Khoa học chính trị, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.Đại học quốc gia Hà Nội.Ông vừa hoàn tất chủ trì đề tài nghiên cứu cấp Đại học quốc gia liên quan đến vấn đề giá trị trong lối sống của sinh viên hiện nay.

Ông cho biết: Năm 2013, Đại học Quốc gia Hà Nội có giao cho trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai hướng nghiên cứu về giá trị trong lối sống của sinh viên hiện nay. Nghiên cứu này do tôi và một nhóm các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực tâm lý học, xã hội học, chính trị học, khoa học quản lý… triển khai thực hiện. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là điều tra, khảo cứu cơ bản về giá trị trong lối sống của sinh viên Việt Nam để đánh giá thực trạng, nhận diện xu hướng giá trị trong lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.

img

Ảnh minh họa

 Nghiên cứu được triển khai với các nhiệm vụ cụ thể như: Xác định cơ sở lý thuyết và bộ công cụ nghiên cứu về giá trị và định hướng giá trị trong lối sống; Khảo sát thực trạng giá trị và các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị trong lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội; Đánh giá thực trạng giá trị trong lối sống của sinh viên Việt Nam, dự báo xu hướng biến đổi và đề xuất một số kiến nghị. Nghiên cứu đã được thực hiện ở 18 trường đại học và cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, với 410 mẫu nghiên cứu khảo sát và thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu cá nhân.

Thưa Tiến sĩ, đây có phải là hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam không?

- TS. Lưu Minh Văn: Ở Việt Nam, nhu cầu nghiên cứu vấn đề lối sống được các ngành khoa học như triết học, tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội, chính trị học, nhân học, khoa học quản lý, văn hóa học … quan tâm nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt từ thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá và những năm đầu thế kỷ 21.

Trước những vấn đề phát triển của đời sống xã hội, giá trị sống cũng có nhiều thay đổi theo và giới trẻ được xem là đối tượng dễ bị ảnh hưởng, tác động và cũng là nhóm người nhanh tạo nên những hệ giá trị sống mới.Chủ đề nghiên cứu liên quan về lối sống của giới trẻ khá đa dạng, từ những nghiên cứu giá trị của gia đình, dòng họ, về văn hoá - chủ quyền dân tộc, về lý tưởng chính trị, về quan hệ bạn bè, về hôn nhân, nghề nghiệp, việc làm cũng như các chủ đề nghiên cứu về vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc thúc đẩy và định hướng giá trị của giá trị. Các chủ đề nghiên cứu khác nhau cũng tạo được các cách nhìn khác nhau về vấn đề đời sống văn hoá, giá trị, đạo đức của sinh viên, học sinh viên hiện nay.

Những nghiên cứu về lối sống của giới trẻ ở Việt Nam trong thời gian qua mới đề cập ở các khía cạnh cụ thể của đời sống xã hội một cách riêng lẻ, xuất phát từ phía cá nhân về định hướng giá trị nhiều hơn là tác động của hệ thống môi trường, điều kiện sống; thiếu các phương cách tiếp cận một cách toàn diện cũng như chưa đề cập những vấn đề định hướng giá trị trong quá trình toàn cầu hoá, trước quá trình hội nhập và sự đa dạng của đời sống văn hoá, sự lỏng lẻo của các thiết chế xã hội. Nghiên cứu này hướng đến nhìn nhận giá trị giới trẻ trong nhận thức chung của đời sống xã hội và trong những biểu hiện khác nhau của đời sống giới trẻ trong gia đình, nhà trường và xã hội từ chính quan điểm trải nghiệm của học sinh, sinh viên.

Vậy Tiến sĩ đánh giá thế nào về giá trị giới trẻ trong nhận thức chung của đời sống xã hội?

-  Nghiên cứu này triển khai ở một nội dung chính: Đánh giá chung về giá trị, lối sống; giá trị về tình bạn, tình yêu; quan hệ cá nhân và quan hệ gia đình; học tập và công việc; giới trẻ và cuộc sống cộng đồng; hoạt động giải trí; tôn giáo và định hướng chính trị. Thông qua các nội dung nghiên cứu có thể có một cách nhìn chung về ý nghĩa của định hướng giá trị trong đời sống của sinh viên hiện nay.

Qua việc chỉ ra một số giá trị có ý nghĩa trong cuộc sống, sinh viên đề cao ý nghĩa của gia đình, công việc, mối quan hệ bạn bè và đối lập lại là ý nghĩa của việc thể hiện trách nhiệm xã hội, tập thể, phục vụ người khác. Đây là một trong những phát hiện cho thấy xu hướng cá nhân hóa và tập trung vào cá nhân đang diễn ra trong định hướng về mặt giá trị của sinh viên.

Các đánh giá về mức độ ý nghĩa của các hoạt động liên quan đến giải trí, tôn giáo, định hướng chính trị cũng chỉ được sinh viên nhận diện ở mức dộ bình thường. Khi so sánh với các kết quả nghiên cứu về Giá trị sống năm 2001, 2006 ở Việt Nam, các kết quả này có tính thống nhất cao, và vẫn nằm trong xu thế như vậy về sự nhấn mạnh đến cuộc sống cá nhân, gia đình nhiều hơn đến trách nhiệm xã hội. Các ý kiến phản hồi của nữ sinh viên có xu hướng tích cực hơn so với những phản hồi của nam sinh viên ở trên tất cả các khía cạnh trên.

Qua việc nhìn nhận về sự khác biệt giữa nhóm sinh viên đang đi học và nhóm đã tốt nghiệp, các chỉ số thống kê từ nghiên cứu này cho thấy không có nhiều sự khác biệt quá lớn. Sinh viên tốt nghiệp có xu hướng đánh giá cao hơn về mức ý nghĩa của các giá trị gia đình, bạn bè, công việc, phục vụ người khác, trong khi nhóm sinh viên đang đi học lại có xu hướng đánh giá cao hơn ở các khía cạnh về tôn giáo, chính trị và thời gian rảnh rỗi.

Mặc dù có tính định hướng cá nhân như vậy, nhưng sinh viên vẫn đặt ý nghĩa cao của gia đình trong các quan điểm riêng của mình. Điều đó được khẳng định qua phát hiện từ nghiên cứu này: đa phần sinh viên đều trả lời cảm thấy cuộc sống khá hạnh phúc và tạm hài lòng với cuộc sống hiện tại của cá nhân và gia đình.

img

TS Lưu Minh Văn (bên phải) trao đổi đề tài với đồng nghiệp

Qua các phân tích tương quan giới tính, không có sự khác biệt giữa nam và nữ sinh viên khi phản hồi về chỉ báo này. Khi nhìn nhận các dữ liệu dựa trên biến độc lập về nơi ở hiện nay, sinh viên ở đô thị thấy cuộc sống hạnh phúc hơn so với sinh viên từ vùng nông thôn đồng bằng và sinh viên nông thôn miền núi. Còn ở góc độ năm học, nhóm sinh viên năm thứ nhất, và nhóm sinh viên tốt nghiệp/đang học sau đại học đánh giá cuộc sống hạnh phúc hơn các nhóm sinh viên còn lại. Đồng thời, sinh viên tốt nghiệp/nhóm trên 23 tuổi có xu hướng đánh giá mức độ hạnh phúc trong cuộc sống cao hơn trong nghiên cứu này.

 Theo Tiến sĩ, xu hướng biến đổi giá trị của giới trẻ trong những năm qua  như thế nào? và dự đoán của Tiến sĩ về những vấn đề đặt ra về định hướng giá trị của giới trẻ trong những năm tiếp theo?

- Để đánh giá được xu hướng biến đổi cần có nhiều nghiên cứu lặp và có hệ thống để có nhận diện tốt hơn về vấn đề nghiên cứu. Đây cũng là một trong những đề xuất của nhóm nghiên cứu về việc cần có chương trình nghiên cứu lặp về vấn đề này để nhận diện sự biến đổi qua đó có những phân tích, dự báo cho các vấn đề quản lý xã hội, cũng như phát huy sức mạnh của nhóm dân chúng này trong các hoạt động chung của xã hội.

Qua việc so sánh với các nghiên cứu liên quan, nghiên cứu có nhận định là xu hướng cá nhân hóa, hay gọi là tính cá nhân đang hiện ra trong định hướng giá trị và lối sống của giới trẻ, nhưng với sinh viên họ lại luôn đề cao ý nghĩa và vai trò của gia đình trong cuộc sống của mình. Đây là cách nhìn có xu hướng tích cực về định hướng giá trị của giới trẻ hiện nay.Giới trẻ luôn có tiềm ẩn những giá trị, trách nhiệm xã hội và cần có cơ hội, khả năng và có các hình thức khơi các giá trị này phù hợp về mặt bối cảnh.

 Điều quan trọng trong thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo là các nhà quản lý, các tổ chức đoàn thể cần biết khơi nguồn và tạo điều kiện để giới trẻ thể hiện trách nhiệm này ra trong thực tiễn cuộc sống của bản thân họ, cũng như mạnh dạn xác định vai trò của sinh viên, thanh niên rõ hơn trong cuộc sống hiện nay.

 Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem