Sinh viên gian lận nhưng nếu đủ điểm vẫn được học tiếp

Việt Phương Thứ bảy, ngày 20/04/2019 06:18 AM (GMT+7)
Trong các thí sinh được nâng điểm do hành vi gian lận, vẫn có một số em được tiếp tục theo học tại các trường ĐH đã đăng ký mà không bị buộc thôi học.
Bình luận 0

Trong các thí sinh được nâng điểm do hành vi gian lận, vẫn có một số em được tiếp tục theo học tại các trường ĐH đã đăng ký mà không bị buộc thôi học.

Có tổng số 222 thí sinh được tác động về mặt điểm số, trong đó có 114 thí sinh từ Hà Giang, 44 thí sinh Sơn La và 64 thí sinh đến từ Hòa Bình. 114 thí sinh Hà Giang đã bị trả về điểm số thực trước kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ 2018 diễn ra.

img

Trong 44 thí sinh Sơn La được nâng điểm, có 26 trường hợp đã bị buộc thôi học hoặc tự nguyện thôi học. Trong đó có 16 sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân, 7 sinh viên Học viên An ninh nhân dân, 1 sinh viên Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy và 1 sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội. Có 1 sinh việc vẫn được tiếp tục theo học tại ĐH Sư phạm Hà Nội. Số thí sinh chưa xác định là 17.

Trong 64 thí sinh quê Hòa Bình, có 37 trường hợp bị buộc thôi học hoặc tự thôi học sau khi chấm thẩm định bài thi THPT quốc gia 2018. Trong đó có 17 trường hợp là sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân, 9 sinh viên của Học viện An ninh nhân dân; Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương có 2 sinh viên/trường; Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Điện lực, Học viện Tài chính, ĐH Thương mại mỗi trường có 1 sinh viên. Có 7 sinh viên vẫn được tiếp tục theo học tại trường đã đăng ký. Số thí sinh chưa xác định là 20 thí sinh.

Về lý do các thí sinh vẫn tiếp tục được tham gia học tại trường đã đăng ký cho dù điểm số đã bị tác động, đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo cho biết có 4 trường hợp sinh viên đến từ Hòa Bình có điểm số bị tác động. "Mặc dù vậy, trong số 4 em này, chỉ có 2 em có số điểm sau khi bị điều chỉnh là không đủ điểm đỗ, dĩ nhiên 2 em này sẽ bị xóa tên khỏi danh sách sinh viên của nhà trường. 2 trường hợp sau khi thay đổi điểm số vẫn đủ điểm trúng tuyển nên sẽ tiếp tục được theo học tại khoa đã đăng ký" – ông Triệu cho biết.

Về điều này, TS Lê Viết Khuyến cho biết, với cơ sở hiện tại, các trường không đủ cơ sở để có thể cho thôi học các thí sinh đủ điểm xét tuyển cho dù đã chấm thẩm định và bị giảm điểm. Theo ông Khuyến, có 3 nhóm đối tượng tham gia vào việc gian lận điểm thi, thứ nhất là đối tượng trực tiếp sửa điểm là các cán bộ ngành giáo dục, công an. Thứ hai là các phụ huynh hoặc đối tượng môi giới để kết nối với đối tượng nhóm một nhằm sửa điểm. Thứ ba chính là các thí sinh, người thụ hưởng lợi ích từ việc sửa điểm.

“Hiện tại, cơ quan điều tra chỉ mới làm rõ được vai trò của đối tượng trực tiếp sửa điểm trong vụ việc gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Vì vậy, chưa đủ chứng cớ về mặt hình sự để có thể có chế tài xử lý đối với các sinh viên bị sửa điểm. Nếu điểm số sau khi chấm thẩm định thấp hơn điểm xét tuyển của trường thì xử lý dễ dàng là buộc thôi học, thế nhưng điểm bằng hoặc cao hơn thì lại chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý. Các thí sinh này vẫn có quyền được tiếp tục học tập tại nơi mình đăng ký học.

“Vì vậy, việc làm rõ vai trò của phụ huynh học sinh trong việc gian lận thi cử là vô cùng cần thiết để xác định rằng các thí sinh trên có biết được việc mình được chạy điểm hay không, từ đó mới có thể xác định được tội trạng theo luật” – TS Lê Viết Khuyến làm rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem