Sở GD&ĐT Thanh Hóa mở 3 gói thầu: Một nhà thầu liên quan án gây thất thoát ngân sách dự thầu
Sở GD&ĐT Thanh Hóa mở 3 gói thầu: Một nhà thầu “quen mặt” liên quan án gây thất thoát tài sản Nhà nước dự thầu
Đức Bảo
Thứ ba, ngày 25/10/2022 07:00 AM (GMT+7)
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa đã mở 3 gói thầu mua sắm đồ dùng học tập năm học 2021 – 2022. Trong đó, các đơn vị dự thầu đa phần “quen mặt”, đáng chú ý, một doanh nghiệp đang liên quan tới vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Liên danh "quen mặt", từng liên quan vụ án gây "hậu quả nghiêm trọng"
Ngày 12/9 vừa qua, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Tạ Hồng Lựu đã ký Quyết định số 1171/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt E-HSMT 3 gói thầu số 04, 05, 06: Mua đồ dùng dạy học tối thiểu lớp 6 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2021-2022.
Đơn vị được chủ đầu tư giao nhiệm vụ đăng tải Thông báo mời thầu cho 3 gói thầu này là công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Sake (đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu). Cả ba gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng với phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Kết quả mở thầu cho thấy, gói thầu số 04 có 2 nhà thầu tham gia dự thầu gồm: liên danh Thiên Kim – Thanh Hoa – Tân Nam (công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Thanh Hoa, công ty TNHH Thương mại dịch vụ thiết bị trường học Thiên Kim, công ty Cổ phần Tân Nam JSC) và công ty TNHH Á Châu Thanh Hoa.
Gói thầu số 05 có 1 nhà thầu tham dự là liên danh: công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất bản Giáo dục, công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại Đại Phát, công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Sơn.
Gói thầu số 06 có 2 nhà thầu tham dự là liên danh công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Giáo dục TSV Việt Nam và công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Gia Khang và liên danh Hương Sơn – Sun EDU (công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Sun EDU, công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Sơn).
Trong đó, công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Sun EDU có địa chỉ giao dịch và trụ sở tại Lô 01-05 Lạc Long Quân (phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hoá, Thanh Hoá). Người đại diện pháp luật là Phạm Văn Mạnh.
Theo thông tin trên mạng đấu thầu tư nhân DauThau.Net, công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Sun EDU có tên hồ sơ doanh nghiệp là công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Nam Hoa, người đại diện là Đinh Thị Thiện. Mã số doanh nghiệp và địa chỉ đăng ký kinh doanh trùng với công ty Sun EDU là 2800552606 và địa chỉ giao dịch và trụ sở tại Lô 01-05 Lạc Long Quân (phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hoá, Thanh Hoá).
Điều đáng nói, Công ty Nam Hoa đã từng trúng gói thầu liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ngay tại sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa mà cơ quan CSĐT bộ Công an khởi tố vào tháng 8/2021.
Cụ thể, gói thầu "Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2020 - 2021, vận chuyển, lắp đặt thiết bị" được phê duyệt theo Quyết định số 1709/QĐ-SGDĐT ngày 13/10/2020 do bà Phạm Thị Hằng – khi đó làm Giám đốc (đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án nói trên – PV) ký phê duyệt.
Đơn vị trúng thầu là liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa (bao gồm các công ty: Công ty Cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Đạo; Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu An Khang; Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Nam Hoa; Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục và khoa học kỹ thuật Long Thành.
Tổng kinh phí cho gói thầu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt là hơn 89 tỉ đồng. Trong đó, 612 bộ thiết bị cấp cho 512 trường tiểu học trên địa bàn với hơn 88 tỉ đồng.
Chi phí tư vấn đầu tư gần 658 triệu đồng và chi phí vận chuyển, lắp đặt 512 triệu đồng. Số tiền nêu trên được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp GDĐT trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2020.
Ngay sau khi gói thầu này được công bố, đã có nhiều ý kiến về việc việc các gói thầu của Sở GD&ĐT Thanh Hóa có nhiều doanh nghiệp quen tên đã liên tiếp trúng hàng loạt gói thầu bạc tỷ với tỉ lệ tiết kiệm mang tính "tượng trưng".
Trước những nghi vấn trên, ngày 15/4/2021, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố Quyết định thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND tỉnh Thanh Hóa. Thời kỳ thanh tra, từ tháng 1/2019 – 12/2020.
Đến ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định: Bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng với nhà thầu và công ty thẩm định giá vi phạm Luật Đấu thầu gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 45/CSKT- P9 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015) xảy ra tại Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa và các công ty, đơn vị có liên quan.
Nhà thầu có tỉ lệ tiết kiệm "tượng trưng", gói thầu còn nhiều khúc mắc
Theo thông tin trên mạng đấu thầu Quốc gia, trong số 23 gói thầu mà công ty Sun EDU đã trúng, có 21 gói với vai trò nhà thầu độc lập, 2 gói vai trò liên danh phụ. Trong đó, tỉ lệ tiết kiệm đa số gói thầu công ty Sun EDU đã trúng là rất thấp (chỉ có 3/20 gói thầu đạt tỉ lệ tiết kiệm 3-4,5%), 15 gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm dưới 1%.
Đặc biệt, 4 gói thầu của đơn vị này có tỉ lệ tiết kiệm bằng 0 đồng, tức là sau đấu thầu, đơn vị chủ đầu tư (sở Tài chính Thanh Hóa và sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách). Trung bình tỉ lệ tiết kiệm tính trên 20 gói thầu này chỉ đạt mức 0,3%.
Đáng chú ý, ở nhiều gói thầu, công ty Sun EDU "một mình một ngựa" khi là nhà thầu duy nhất tham dự thầu và trúng thầu. Ví dụ, gói số 4: Mua sắm tập trung máy vi tính để bàn, máy photocopy và máy chiếu đợt 2 năm 2020, tỉnh Thanh Hóa và Gói thầu số 1: Mua sắm tập trung máy vi tính để bàn và máy in (khu vực đồng bằng) đợt 1 năm 2020, tỉnh Thanh Hóa (tại sở Tài chính Thanh Hóa); gói thầu Cung cấp và lắp đặt thiết bị giáo dục tại ban Quản lý dự án đầu tư xây dung quận Hoàng Mai (Hà Nội);…
Trở lại gói thầu số 04, 05 và 06 kể trên, theo phản ánh của một số nhà thầu, có nhiều điểm bất thường cần được làm rõ. Điển hình, trong E-HSMT mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật tại Chương III Tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT, bên mời thầu yêu cầu để nhà thầu đáp ứng tiêu chí đạt và không đạt:
"Có Giấy phép bán hàng hoặc Giấy chứng nhận là nhà phân phối hoặc đại lý sản phẩm của nhà sản xuất, hoặc thư hỗ trợ của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối hoặc đại lý sản phẩm của nhà sản xuất đối với hàng hóa có tính chất đặc thù như là cảm biến lực, cảm biến nhiệt độ, bộ thu nhận số liệu. Tất cả các thiết bị trên phải có catalogue của nhà sản xuất".
Nhiều nhà thầu cho rằng, những hàng hóa này thông dụng trên thị trường không phải loại đặc thù. Do đó, việc áp dụng tiêu chí đánh giá đạt và không đạt là hạn chế nhà thầu và không đúng với mục a, Điều 5, phần I của Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Một điểm nữa, trong E-HSMT mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật tại Chương III Tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT "Thuyết minh chi tiết đặc tính kỹ thuật và khả năng nâng cấp của thiết bị (bằng tiếng Việt). Khả năng nâng cao của thiết bị là thế nào trong khi đó tất cả thiết bị đều là Đồ dùng dạy học tối thiểu?
Theo phản ánh của các nhà thầu, thông qua văn bản, công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Sake đã phản hồi những vấn đề nói trên. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc áp dụng tiêu chí vào một gói thầu cần có sự xem xét cẩn trọng, nếu các bên phát hiện dấu hiệu bất thường có thể dừng tổ chức đấu thầu.
Luật sư Nguyễn Cao Đạt, Giám đốc công ty luật Nguyên Khang và Cộng sự nhận xét, để đảm bảo công bằng, đơn vị mở thầu cần đảm bảo các tiêu chí tránh việc hạn chế nhà thầu tham dự.
"Việc áp dụng sai lệch các tiêu chí, hạn chế nhà thầu tham gia vào quá trình đấu thầu sẽ dẫn đến việc không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu, ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn nhà thầu", Luật sư Đạt chia sẻ
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện thuộc ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu quan điểm hoạt động đấu thầu phải tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật, nếu làm sai, việc đấu thầu sẽ được coi là không hợp lệ. Bên cạnh đó, cần dựa trên các quy định của pháp luật để xem xét tư cách nhà thầu tham gia dự thầu.
"Trong quá trình tổ chức đấu thầu, nếu các nhà thầu hoặc các bên quan tâm phát hiện ra vấn đề bất thường, có kiến nghị thì đơn vị chủ đầu tư cần dừng việc tổ chức đấu thầu, giải quyết kiến nghị một cách triệt để, thì mới tiến hành tiếp. Vì nếu để đấu thầu xong giải quyết hậu quả rất khó hoặc là không triệt để. Dừng lại xem xét để xác minh, công khai thông tin minh bạch rõ ràng thì mới tiếp tục thực hiện gói thầu, đây cũng là cách tốt nhất phòng ngừa các sai phạm về sau", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.