Số hoá tài nguyên, kết nối phát triển du lịch ASEAN
Số hoá tài nguyên, kết nối phát triển du lịch ASEAN
P.V
Thứ hai, ngày 07/12/2020 08:54 AM (GMT+7)
ASEAN là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất châu Á và Thái Bình Dương khi các nước thành viên đều coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, Việt Nam đảm nhận vai trò đầu mối, chủ trì đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển du lịch ASEAN.
Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019 khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ASEAN đón gần 21 triệu lượt khách, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Việt Nam, ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng nhất của của ngành du lịch. Trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2019 bao gồm: Malaysia (đạt 606.206 lượt, chiếm 3,4% tổng lượng khách), Thái Lan (đạt 509.802 lượt, chiếm 2,8% tổng lượng khách), Singapore (đạt 308.969 lượt, chiếm 1,7% tổng lượng khách), Campuchia (đạt 227.910 lượt, chiếm 1,3% tổng lượng khách).
Nếu tính cả các nước đối tác chính (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga) thì thị trường nguồn ASEAN và các nước đối tác chính chiếm khoảng 77,5% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam năm 2019 (Bảng 2).
Chính vì vậy, hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN đóng vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế về du lịch của Việt Nam. Những năm qua Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác du lịch song phương với tất cả các nước thành viên ASEAN. Nhiều chương trình hợp tác ngắn hạn, cụ thể đã được ký và thực hiện hiệu quả; một số chương trình hợp tác dài hạn như hợp tác trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với Thái Lan, Campuchia, Lào, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển với Singapore và Philippines, sản phẩm du lịch đường sông với Campuchia và Lào,... đã được hình thành.
Theo ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch, trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Tổng cục Du lịch là đầu mối xây dựng Tuyên bố chung về Du lịch số ASEAN, đã được các nhà Lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 ngày 12/11 vừa qua.
Trước đó, Việt Nam đã đăng cai nhiều phiên họp, sự kiện du lịch lớn trong ASEAN, tiêu biểu là Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 tại Hạ Long, Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia (tháng 7/2017 tại Vĩnh Phúc), các Phiên họp Ủy ban hợp tác du lịch (tháng 4/2016 tại Hạ Long).
Cũng theo phân công, thời gian qua, Việt Nam đã đảm nhận vai trò đầu mối, chủ trì một số nội dung quan trọng như Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Quảng bá Du lịch ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá, Giám sát và Nguồn lực du lịch ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban phát triển du lịch bền vững và bao trùm ASEAN; đầu mối xây dựng sản phẩm du lịch đường sông ASEAN, có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về lao động du lịch. Hiện nay, Việt Nam đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (2020-2021)….
Kết nối, tạo hành lang an toàn để phục hồi sau dịch Covid - 19
Mặc dù là thị trường tiềm năng, tuy nhiên ngành du lịch Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN cũng không nằm ngoài sự biến động và ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh Covid – 19 từ cuối năm 2019 đến nay. Tại Việt Nam, từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế và khu vực, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Theo thống kê, tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỷ đồng. Các nước khác trong khu vực ASEAN cũng gặp những khó khăn tương tự.
Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 diễn ra vào tháng 11, ngành du lịch Việt Nam đã đưa ra 4 nhóm giải pháp nhằm phục hồi ngành du lịch hậu Covid – 19. Trong đó, nhấn mạnh về giải pháp chuyển đối số tài nguyên du lịch. Giải pháp này cũng hướng ứng tuyên bố chung về "Du lịch số ASEAN".
Tuy nhiên, theo ông Siêu, việc chuyển đổi số hoá là quá trình lâu dài và tốn kém. Cụ thể, từng chủ thể tham gia thị trường du lịch từ các danh lam thắng cảnh tới doanh nghiệp tour, khách du lịch… phải tự số hóa về thông tin, hình ảnh chuyển thành dữ liệu của mình; sau đó mở khóa chia sẻ vào dòng chảy chung dữ liệu du lịch của quốc gia và hội nhập.
"Với Tuyên bố du lịch số ASEAN, sau khi đã hình thành số hóa tài nguyên du lịch quốc gia, mỗi thành viên có thể mở cửa dữ liệu trong tiều vùng hay cả khối trên cơ sở tự nguyện và theo quy chế chung. Đây cũng chính là xu hướng du lịch kết nối và du lịch số trong bối cảnh hiện nay", ông Siêu nói.
Ở thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh Covid – 19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực, theo lãnh đạo ngành du lịch Việt nam, các nước trong khu vực ASEAN cần xây dựng hành lang du lịch kết nối an toàn. Bên cạnh việc xác định những điểm đến, thị trường an toàn và có kiểm soát riêng từ hệ thống vận tại đến khu nghỉ dưỡng… có giải pháp xử lý trong trường hợp phát sinh các ca bệnh. Cũng theo ông Siêu, việc thực hiện những giải pháp này còn phụ thuộc vào bối cảnh xã hội, chính trị và sự ưu tiên của mỗi nước khác nhau trong khu vực.
Trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2019 bao gồm: Malaysia (đạt 606.206 lượt, chiếm 3,4% tổng lượng khách), Thái Lan (đạt 509.802 lượt, chiếm 2,8% tổng lượng khách), Singapore (đạt 308.969 lượt, chiếm 1,7% tổng lượng khách), Campuchia (đạt 227.910 lượt, chiếm 1,3% tổng lượng khách).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.