Sở hữu chung cư có thời hạn: Bộ Xây dựng chưa tính đến quyền lợi người dân

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 04/06/2022 08:07 AM (GMT+7)
Với dự thảo sở hữu chung cư có thời hạn từ 50 - 70 năm đang không nhận được ý kiến đồng thuận của người dân, chuyên gia. Nguyên do dự thảo này chưa tính đến phương án đảm bảo quyền lợi của người dân đang sở hữu chung cư.
Bình luận 0

Sở hữu chung cư có thời hạn từ 50-70 năm: Người dân không thuận

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, lấy ý kiến có đưa ra phương án chung cư sở hữu có thời hạn theo thời hạn sử dụng của công trình. Theo đó, giấy chứng nhận cấp cho khách hàng mua căn hộ chung cư sẽ có thời hạn 50, 70 năm thay vì được sở hữu, sử dụng lâu dài như hiện nay.

Cụ thể, nếu được cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài thì đất đó vẫn của người mua kể cả trường hợp niên hạn công trình bị hết. Còn nếu thời hạn sở hữu chỉ từ 50 - 70 năm, hết thời gian đó, nhà nước được quyền thu hồi toàn bộ bao gồm đất.

Bộ Xây dựng cho rằng trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ vừa qua cho thấy sự khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi, di dời. Việc phá dỡ nhà chung cư bị kéo dài, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng lớn tới công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Căn cứ tình hình thực tế hiện nay cho thấy, trong thời gian tới cũng cần phải quan tâm đến các chung cư được xây dựng từ khi có Luật Nhà ở 2005 trở lại đây để có các quy định phù hợp, để tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước thực hiện việc thu hồi, phá dỡ, xây dựng lại chung cư, tránh tình trạng lặp lại các tồn tại trong thời gian vừa qua như đối với loại hình chung cư cũ.

Không đồng tình với đề xuất này, anh Minh Trí (Long Biên, Hà Nội) băn khoăn nếu áp dụng phương án sở hữu chung cư có thời hạn từ 50-70 năm thì sau khi hết thời hạn người dân bị đuổi ra khỏi nhà?

"So với những người mua đất thì có khi 50-70 năm sau nếu may mắn họ có thể lãi được khoản tiền khổng lồ để cho con cháu. Còn nếu mua chung cư sở hữu có thời hạn như vậy thì con cháu của những người này coi như tay trắng", anh Trí nhấn mạnh.

Nhiều người dân không đồng tình với phương án nhà chung cư có thời hạn 50 năm đến 70 năm (Ảnh: TH)

Nhiều người dân không đồng tình với phương án sở hữu nhà chung cư có thời hạn 50 năm đến 70 năm (Ảnh: TH)

Đồng tình với anh Trí, chị Tuyết Mai (Long Biên, Hà Nội) lo lắng những người ở chung cư liệu có bị áp dụng thời hạn như vậy không.

"Như vợ chồng tôi hiện đang ở chung cư thì liệu áp dụng thời hạn như vậy thì số tiền chúng tôi tích cóp mua nhà khoảng vài chục năm nữa coi như mất trắng. Như vậy số tiền đó để đi thuê nhà còn hợp lý hơn", chị Mai chia sẻ.

Sửa luật này lại mâu thuẫn với luật kia

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, dự thảo đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư của Bộ Xây dựng là không phù hợp đối với trường hợp nhà chung cư được xây dựng trên đất ở ổn định lâu dài. Các chủ sở hữu nhà chung cư có quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài đối với diện tích đất xây dựng khu chung cư theo quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, nếu đề xuất này được thông qua sẽ gây ra những bất cập và mâu thuẫn với Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân đang ở chung cư và cả thị trường kinh doanh chung cư.

Bỏ tiền tỷ mua nhà chung cư, 50 năm sau người dân có mất trắng? - Ảnh 3.

Sửa luật cần phải có sự đồng tình của người dân (Ảnh: TN)

Luật sư Nguyễn Phương Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng bất kể một dự luật nào muốn sửa đổi cần phải được sự đồng tình của người dân, được trình ra Quốc hội để thảo luận trước khi bấm nút thông qua. Do đó, về quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng cần thực hiện đúng quy trình.

"Theo tôi quy định này khó nhận được sự hưởng ứng của người dân vì ai cũng muốn lưu giữ tài sản của mình truyền sang đời sau. Quy định này cũng cần làm rõ việc khi hết thời hạn người dân có được hỗ trợ đến nơi ở mới không hay là mất trắng tài sản", bà Nam nhấn mạnh.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định đây là phương án tiến bộ giống như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên về mặt xã hội, với một quốc gia như Việt Nam có phù hợp hay không thì cần phải lấy ý kiến rộng rãi.

"Cần phải xác định rõ khi hết thời hạn thì tài sản của người dân được tính toán ra sao. Việc này cần phải nêu rõ như vậy mới đảm bảo quyền lợi của người dân. Còn thời hạn 50 năm đến 70 năm cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng sao cho nhận được sự đồng thuận của người dân", ông Võ nhấn mạnh.

Dân số Việt Nam đang gia tăng dẫn đến áp lực về đất đai, nhà ở. Căn hộ chung cư trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân, bởi họ khó có thể vừa mua đất nền vừa xây dựng nhà ở với giá bằng một căn hộ chung cư. Cho nên, dù xây dựng nhà trên đất nền hay căn hộ chung cư thì cũng đều là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người dân, cần được pháp luật bảo vệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem