Sở hữu quỹ đất vàng, vì sao bầu Hiển muốn “thoái vốn” khỏi Bệnh viện Giao thông Vận tải?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 31/05/2019 13:45 PM (GMT+7)
Với mong muốn trở thành cổ đông chi phối, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T của bầu Hiển đã thực hiện mua cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải, đơn vị sở hữu quỹ đất vàng ngay giữa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, sự bất ổn trong phương án cổ phần hóa của bệnh viện này đang là nguyên nhân khiến cho T&T phải rút lui một cách bất đắc dĩ.
Bình luận 0

Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương là bệnh viện công lập đầu tiên được thí điểm cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm giữ 30% vốn điều lệ tương ứng 5,04 triệu cổ phần; 10,52% vốn điều lệ sẽ bán ưu đãi cho người lao động; 29,48% vốn điều lệ tương ứng 4,952 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai ra công chúng.

Với mong muốn trở thành cổ đông chi phối, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T) của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã tham gia đấu giá công khai mua 4,952 triệu cổ phần, tương ứng 29,48% vốn điều lệ Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT vào cuối tháng 10/2015.

Thâu tóm Bệnh viện GTVT, sở hữu quỹ đất vàng.

Cụ thể, tại cuộc đấu giá này, T&T của bầu Hiển và 1 nhà đầu tư khác đã mua toàn bộ lô cổ phiếu này với giá bình quân 23.597 đồng/cổ phần, cao gấp 2,4 lần giá khởi điểm. Trước đó, hơn 5,04 triệu cổ phần, tương ứng 30% vốn điều lệ đã được Bộ GTVT bán cho T&T trong vai trò là nhà đầu tư chiến lược. Giao dịch này chính thức được hoàn tất vào ngày 6/10/2015. Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển đã được bầu vào HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải.

img

Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển)

Vào thời điểm đó, đây được xem là một thương vụ khá hời của T&T và cũng như những đích nhắm khác mà T&T hướng tới, Bệnh viện GTVT có nhiều lợi thế về quỹ đất. Nhờ thương vụ này, T&T đã sở hữu được quỹ đất rộng tới hơn 21.200m2 ngay tại trung tâm Hà Nội cùng cơ sở vật chất trị giá hàng triệu USD của bệnh viện này.

Ngay sau khi hoàn tất quá trình thâu tóm, bầu Hiển đã giữ đúng cam kết trước cổ phần hóa khi mời đối tác Elizabeth (Singapore) tư vấn cho Bệnh viện GTVT tái cấu trúc thành bệnh viện đa khoa hàng đầu trong nước và khu vực.

Tính tới cuối năm 2018, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển vẫn đang nắm 51,43% vốn điều lệ Bệnh viện, 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ; phần còn lại được nắm giữ bởi một số cổ đông nhỏ lẻ và cán bộ công nhân viên.

Phương án cổ phần hóa thay đổi, Bầu Hiển quyết thoái vốn

Từng được đánh giá là thương vụ “hôn nhân” rất đẹp giữa Bệnh viện GTVT và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T) của bầu Hiển song từ tháng 4/2018 cuộc “hôn nhân” này bắt đầu rơi vào bất ổn khi T&T của bầu Hiển phát văn bản đề nghị Bộ trưởng các bộ GTVT, Tài chính, Y tế cho phép nhà đầu tư này thoái toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào HĐQT, Ban Kiểm soát trong tư cách là cổ đông chiến lược tại Công ty CP Bệnh viện GTVT.

img

Bệnh viện Giao thông Vận tải

Cụ thể, theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải sẽ tăng từ 168 tỷ đồng hiện nay lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12%.

Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30%”.

Tuy nhiên, tại Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 của Văn phòng Chính phủ quyết định về việc Bộ GTVT ngừng thoái vốn và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu sau khi tăng vốn điều lệ tương ứng giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, dẫn đến Nhà nước sẽ nắm giữ trên 71% vốn điều lệ thay vì 30% như tại Quyết định 1129/QĐ-TTg cũng như thông tin cáo bạch đã công bố cho nhà đầu tư khi chào bán cổ phần phổ thông trên sàn giao dịch chứng khoán đã đưa ra trước đó.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T sau khi Bệnh viện Giao thông Vận tải tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống 28,88%. Với tỷ lệ sở hữu này, nhà đầu tư chiến lược không có quyền phủ quyết và tiếng nói không có nhiều trọng lượng trong điều hành Công ty. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến T&T quyết định sẽ thoái vốn.

Liên quan đến vấn đề này, bầu Hiển từng cho biết: "Mong muốn cao nhất của chúng tôi là đầu tư xứng tầm, để tạo ra một cơ sở khám chữa bệnh chất lượng quốc tế, phần nào tạo thuận lợi cho người bệnh có thể điều trị ngay trong nước, không phải vất vả, tốn kém khi ra nước ngoài.

Vậy nhưng, với chủ trương không giảm vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT thì cơ cấu cổ đông của Bệnh viện là hơn 70% vốn nhà nước, gần 30% vốn của nhà đầu tư chiến lược, sẽ rất khó cho chúng tôi trong việc tham gia đầu tư thêm, tham gia quản trị Bệnh viện.

Tôi từng có niềm tin mãnh liệt là khi mọi khó khăn đã được tháo gỡ, có cơ chế phân cấp, phân quyền, cơ chế thu nhập, cơ chế chuyên môn làm rõ, chắc chắn Bệnh viện sẽ thành công, nhưng cơ cấu sở hữu 70:30 không cho phép thực hiện được những điều đó.

Cũng sẽ rất khó cho Bệnh viện vì việc cổ phần hóa như vậy đồng nghĩa với mỗi năm Bệnh viện sẽ bị cắt hàng chục tỷ đồng kinh phí hỗ trợ hoạt động. Bởi vậy, dù rất trăn trở nhưng chúng tôi đã phải quyết định đề xuất với Chính phủ cho thoái vốn tại đây".

Tuy nhiên, do không đạt được kỳ vọng như ban đầu, T&T tiếp tục bảo lưu quan điểm rút vốn đầu tư và xin thôi không nhận thù lao đối với Chủ tịch HĐQT và 2 thành viên HĐQT kể từ ngày 1/4/2019. Điều này tiếp tục đẩy Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT lún sâu vào cuộc khủng hoảng về nhân sự, tổ chức.

img

Báo cáo tài chính sau kiểm toán của Bệnh viện GTVT

Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian bất ổn, hoạt động kinh doanh của Bệnh viện GTVT rơi vào tình trạng hết sức bi đát. Tính đến cuối năm 2018, bệnh viện GTVT tiếp tục ghi nhận khoản lỗ trên 33 tỷ đồng, tăng khoản 2 tỷ so với con số lỗ của cùng kỳ năm liền trước. Với kết quả này, lỗ lũy kế của bệnh viện lên tới 91 tỷ đồng, trong khi đó vốn góp chủ sở hữu của Bệnh viện là 168 tỷ đồng. Nếu so với năm 2017, số lỗ lũy kế của GTVT đã tăng gần 60%.

Đến thời điểm hiện tại, chưa biết T&T có được thoái vốn hay không và thoái vốn theo cách nào bởi theo quy định của Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP thì nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày CTCP được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần trước thời hạn trên thì phải được đại hội đồng cổ đông chấp nhận.

Còn trong trường hợp, Nhà nước chấp thuận mua lại lô cổ phần T&T, phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sẽ lên tới gần 95% nhưng do vẫn còn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nên bệnh viện GTVT vẫn sẽ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ 25 tỷ đồng/năm từng nhận được từ ngân sách nhà nước trong vai trò là cơ sở y tế công lập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem