Sở hữu vũ khí phát "tia tử thần", Nhật Bản sẽ thay đổi kết cục Thế chiến II?

Duy Sơn Thứ hai, ngày 12/08/2024 20:30 PM (GMT+7)
Nhật Bản từng bí mật nghiên cứu máy phát tia tử thần mang tên Ku-Go để chiếm lợi thế trước Mỹ trong Thế chiến II.
Bình luận 0

Tham vọng sở hữu vũ khí phát "tia tử thần" của Nhật trong Thế chiến II 

Theo War History, "Tia tử thần" là vũ khí hủy diệt thường xuất hiện trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng. Nhiều quốc gia từng ấp ủ tham vọng chế tạo loại vũ khí này thời Thế chiến II, trong đó Nhật Bản dường như tiến gần tới mục tiêu nhất với việc phát triển hệ thống vũ khí "Ku-Go".

img

Một đài radar cảnh giới trong Thế chiến II. (Ảnh: Wikipedia).

Cuối thập niên 1930, đô đốc Isoroku Yamamoto, người sau đó trở thành tư lệnh hải quân Nhật Bản, yêu cầu nhà vật lý Yoji Ito thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ Hải quân nghiên cứu ý tưởng siêu vũ khí Teleforce của nhà khoa học Mỹ Nikola Tesla, nhằm tạo ra loại khí tài có sức mạnh tuyệt đối giúp Tokyo giành ưu thế trước Washington.

Trên lý thuyết, siêu vũ khí Teleforce của Tesla có thể phát ra tia tử thần tiêu diệt 10.000 máy bay và một triệu lính bộ binh từ khoảng cách hàng trăm km. Sau khi đánh giá thiết kế của Tesla, Ito và hai nhà vật lý khác kết luận không máy phát điện nào đủ tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ cho vũ khí này. Do đó, các nhà khoa học Nhật chuyển sang nghiên cứu vũ khí vi sóng.

Năm 1940, Nhật Bản đang trong quá trình phát triển ống chân không năng lượng cao (magnetron), nhằm chế tạo radar cảnh giới tầm xa. Ito quyết định chế tạo ống magnetron lớn và mạnh hơn nhiều để biến nó thành vũ khí.

Ống magnetron này sẽ phát ra chùm sóng vô tuyến năng lượng cao với bước sóng ngắn, đủ gây ra vấn đề về tâm sinh lý cho đối phương, thậm chí khiến họ tử vong. Ito tin rằng vũ khí này cũng khiến động cơ của các phương tiện cơ giới ngừng hoạt động.

Các quan chức Nhật Bản quyết định đầu tư 2 tỷ yen, tương đương 500.000 USD, vì nhận định dự án này rất hứa hẹn. Toàn bộ chương trình được đặt tên mã "Ku-Go", do tướng Sueyoshi Kusaba, người đứng đầu Phòng nghiên cứu số 9 của quân đội Nhật Bản, phụ trách.

Trong hơn 5 năm, Nhật đã thử nghiệm vũ khí này trên động vật cũng như động cơ ôtô và máy bay. Kết quả thí nghiệm trên chuột, thỏ, nhím và khỉ năm 1943 cho thấy vũ khí vi sóng với các bước sóng khác nhau có thể gây xuất huyết phổi, thậm chí là phá hủy tế bào não động vật. Các nhà khoa học Nhật tin rằng chúng có tác dụng tương tự với con người.

img

Một ống magnetron được Nhật chế tạo hồi năm 1939. (Ảnh: Wikipedia).

Tuy nhiên, thử nghiệm về tác động của vũ khí này với động cơ đốt trong không thành công. Năm 1943, nhóm của Ito dùng vũ khí vi sóng tắt được động cơ ôtô khi nó nằm lộ thiên, nhưng thất bại khi đặt nó vào khung xe bình thường. Cuộc thử nghiệm với máy bay năm 1944 cho thấy vi sóng suy yếu đi nhiều với những động cơ máy bay được bao bọc tốt.

Đợt thử nghiệm lớn nhất được tiến hành năm 1944 khi nguyên mẫu Ku-Go đầu tiên được công ty Vô tuyến Nhật Bản chế tạo. Một ống magnetron dài 80 cm, công suất 30 kW, được nối với ăng ten lưỡng cực, sau đó lắp bên dưới tấm gương hội tụ rộng một mét. Đây là thiết bị tạo dao động bước sóng ngắn nhất Nhật Bản có thể chế tạo vào thời điểm đó.

Trong lần thử nghiệm này, Ku-Go ngắm bắn một con thỏ ở khoảng cách 30 m. Mục tiêu chết sau khi bị chiếu tia vi sóng trong vòng 10 phút, nhưng các nhà nghiên cứu mất tới 20 phút để giết một con nhím.

Năm 1945, Nhật Bản dự kiến chế tạo tổ hợp vũ khí gồm 4 ống magnetron công suất 250-300 kW với một ăng ten lưỡng cực và gương hội tụ rộng 10 m. Các nhà vật lý tính toán rằng vũ khí này có thể giết chết con thỏ ở khoảng cách một km trong vòng 10 phút.

Tuy nhiên, lúc đó Nhật Bản liên tiếp thất bại trên mặt trận Thái Bình Dương, phải đầu hàng vô điều kiện và chấp nhận ngừng mọi dự án nghiên cứu vũ khí. Dự án Ku-Go cũng bị chấm dứt trước khi cho ra đời sản phẩm hoàn thiện, nhưng nó vẫn là vũ khí tia tử thần gần thực tế nhất từng được phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem