Số người chết, mất tích vì lũ tăng lên 28, Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo

Đình Thắng Thứ ba, ngày 26/06/2018 11:22 AM (GMT+7)
Theo số liệu theo báo cáo mới nhất của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 9 giờ ngày 26.6, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 28 người chết, mất tích. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Bình luận 0

Theo số liệu theo báo cáo mới nhất của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 9 giờ ngày 26.6, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 28 người chết, mất tích.

img

Tính đến 9 giờ ngày 26.6, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 28 người chết, mất tích. Ảnh: IT

Cụ thể, Hà Giang: 5 người chết do sập nhà; Lai Châu: 12 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập.

Mưa lũ, sạt lở đất cũng khiến 11 người bị mất tích ở Lai Châu (trong đó, Than Uyên: 01 người, Tam Đường: 01 người, Nậm Nhùn: 01 người, Mường Tè: 01 người do lũ cuối trôi; Sìn Hồ: 07 người do sạt lở đất); 7 người ở Lai Châu bị thương.

83 nhà bị đổ, cuốn trôi (Hà Giang: 26 nhà; Lai Châu: 26 nhà; Thái Nguyên: 24 nhà; Điện Biên: 7 nhà); 508 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp và 962 nhà bị ngập nước.

Hơn 1.200ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 97 con gia súc, 5.400 con gia cầm bị chết và 46ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

img

Các lực lượng chức năng của huyện Tam Đường, Lai Châu đang khẩn truong khắc phục hậu quả do mua lũ gây ra. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Về giao thông, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Đến sáng 26.6 về cơ bản các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đã được khắc phục tạm thời để thông xe. Hiện còn tuyến QL 279 từ Km145+450-Km155+850 sạt ta luy âm và đoạn Km155+900 bị đứt đường hơn 10m, dự kiến đến 12h/26/6 mới thông xe; Tuyến QL12 tại Km10, Km56, Km63 hiện vẫn bị ách tắc do đá rơi, sạt trượt; QL4H tại cầu Hua Bum Km303+60 bị đứt đường dẫn, dự kiến đến 27/6 mới thông xe.

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 141 tỷ đồng (Hà Giang: 25 tỷ đồng, Lai Châu: 95 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,32 tỷ đồng, Lào Cai: 6,3 tỷ đồng, Cao Bằng 0,16 tỷ đồng, Điện Biên: 2 tỷ đồng, Tuyên Quang: 10 tỷ đồng).

Hiện mực nước trên sông Lô tại Hà Giang đang xuống nhanh. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đã đạt đỉnh ở mức 30,66m (dưới BĐ2: 0,34m vào 15h/25/6) và đang xuống chậm. Trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Lai Châu đã đạt đỉnh ở mức 9.360m3/s và đang giảm. Lưu lượng đến hồ Sơn La duy trì ở mức cao.

Dự báo mực nước trên sông Lô tại Hà Giang, sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống; Lưu lượng đến hồ Lai Châu giảm, lưu lượng đến hồ Sơn La duy trì ở mức cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Nhà máy thủy điện Lai Châu đã tiến hành mở các cửa xả từ 14h00 ngày 25/6. Hiện Nhà máy thủy điện Lai Châu đang duy trì 05 cửa xả mặt (đã đóng 01 cửa xả sâu vào lúc 05h/26/6).

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam, từ 26.6 đến sáng 27.6 ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông trên diện rộng, riêng Đông Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (tập trung vào đêm và sáng); trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Trong sáng sớm nay 26.6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (thứ 4 từ phải sang) và Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ. 

img

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, động viên người dân người dân xã Sơn Bình, huyện Tâm Đường, tỉnh Lai Châu bị thiệt hại do mưa lũ. 

Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất trong những ngày tiếp theo, UBND các tỉnh và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, tràn, nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018.

Rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở; tăng cường cập nhật, quan trắc mưa lũ lớn ở ngoài biên giới để chủ động ứng phó.

Các địa phương khẩn trương tổng hợp thiệt hại, chủ động huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả, trường hợp vượt quá khả năng báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ cho các tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem