Số người tử vong do tai nạn lao động chưa thống nhất

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 15/04/2019 06:12 AM (GMT+7)
Nếu theo thống kê từ ngành y tế và cơ quan thống kê sinh – tử tại địa phương thì số người tử vong vì TNLĐ là hơn 2.000 người chứ không phải 1.000 người như các địa phương báo cáo mà Sở LĐTBXH các tỉnh gửi lên.
Bình luận 0

Tai nạn lao động vẫn nghiêm trọng

Ông Hà Tất Thắng -  Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) nhận định, tai nạn lao động (TNLĐ) ở một số ngành nghề vẫn còn cao. Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim. 

Dẫn đầu là ngành xây dựng, chiếm 15,79% tổng số vụ tai nạn và hơn 15% số người chết. Tiếp theo đó là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm hơn 10% tổng số vụ và hơn 10% số người chết. Xếp thứ 3 là lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm hơn 9% tổng số vụ...

img

img

Nhiều lao động tự do, làm việc thời vụ không được tập huấn về an toàn lao động. (Ảnh: Nguyệt Tạ)

Vào ngày 4.5 lễ phát động Tháng hành động về an toàn lao động năm 2019 tại Quảng Nam. Tại đây sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ đối thoại về an toàn lao động, vệ sinh lao động giữa các đơn vị doanh nghiệp, tập đoàn, người lao động; trong khuôn khổ của lễ phát động còn tổ chức thăm các gia đình có người bị tai nạn lao động; thực hiện thanh kiểm tra 27 doanh nghiệp và 30 hộ gia đình trong khu vực không có hợp đồng lao động trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh.

Tính trên cả nước, năm 2018, số người chết vì TNLĐ: 1.039 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 622 người (giảm 6,6% so với năm 2017); khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động có 417 người (tăng 59,16% so với năm 2017).

Ông Thắng nhận định: “Ngoài những nguyên nhân như chủ sử dụng không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm hơn 24%); máy móc không đảm bảo an toàn… thì có một nguyên nhân chính tạo nên TNLĐ là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động, nhất là với những lao động thời vụ”.

Theo ông Thắng, các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, tới hơn 60 - 80% công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm lao động.

Cũng vì vậy, rất nhiều người lao động chưa được tập huấn theo quy định, không nắm bắt nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, một số qua đào tạo nhưng chưa hiểu rõ về công tác an toàn vệ sinh lao động nên việc phòng ngừa TNLĐ chưa được quan tâm.

Số người tử vong do TNLĐ chưa thống nhất

Ông Hà Tất Thắng cho biết kể từ khi có văn bản yêu cầu thực hiện thống kê, khai báo TNLĐ, tình hình thống kê TNLĐ đã tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay việc thống kê mới dừng lại TNLĐ gây chết người, còn nhiều vụ TNLĐ có người bị thương nhưng chưa được thống kê đầy đủ.

Trách nhiệm thống kê thuộc cấp xã nhưng không phải xã nào cũng làm tốt công việc này. Theo báo cáo, năm 2017 chỉ có 41 tỉnh thống kê TNLĐ, năm 2018 đã có 52 tỉnh thống kê về các vụ TNLĐ trong đó có cả thống kê số vụ TNLĐ trong khu vực sản xuất phi chính thức.

Theo ông Thắng, số TNLĐ ở lĩnh vực không có quan hệ lao động (khu vực phi chính thức) năm nay cũng “nhảy vọt” phần nào là do công tác thống kê ở lĩnh vực này tốt hơn.

“Việc tăng số vụ TNLĐ ở khu vực không có quan hệ lao động không nằm ngoài dự báo của chúng tôi. Đây là cơ sở tốt để đơn vị quản lý Nhà nước hoạch định chính sách, nhằm can thiệp, giảm thiểu TNLĐ trong khu vực này” – ông Thắng nói.

Ngoài những con số thống kê từ chính quyền cấp xã, qua Sở LĐTBXH, Cục An toàn lao động còn thống kê các con số TNLĐ qua bệnh viện, báo cáo tử tuất… Thực tế con số thống kê từ ngành y tế lại cho thấy có sự chênh lệch lớn. Nếu theo thống kê từ ngành y tế và cơ quan thống kê sinh – tử tại địa phương thì số người tử vong vì TNLĐ là hơn 2.000 người chứ không phải 1.000 người như các địa phương báo cáo mà Sở LĐTBXH các tỉnh gửi lên.

Đại diện Cục An toàn lao động cũng cho biết, hiện nay khó khăn là người lao động ở khu vực ngoài quan hệ lao động không được hỗ trợ đóng BHXH. Kể cả có đóng BHXH tự nguyện thì cũng không được hỗ trợ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Vì vậy, khi tai nạn lao động xảy ra họ đã bị bỏ mặc.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem