Ông nhận định gì sau những vụ việc giáo viên bị chính phụ huynh, học sinh của mình ra tay, làm nhục?
- Hầu như những mâu thuẫn giữa giáo viên và phụ huynh đều bắt nguồn từ mâu thuẫn trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, việc giáo viên phải quỳ xin lỗi phụ huynh là chuyện xưa nay hiếm. Vụ việc này là bài học lớn cho cả giáo viên, lãnh đạo nhà trường và phụ huynh.
Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: T.L
Ở khía cạnh giáo viên, dù học sinh có vi phạm điều gì và bao nhiêu lần thì hình thức phạt học sinh quỳ hiện nay chắc chắn không có văn bản nào quy định. Đây là biện pháp nặng về hình phạt ít mang tính giáo dục của cô giáo. Hơn nữa, trong trường hợp này cô giáo trẻ đã thiếu kỹ năng xử lý tính huống để đến mức phải chấp nhận quỳ gối xin lỗi phụ huynh. Nghề trồng người bắt buộc thầy cô phải biết "hạ nhiệt" kịp thời.
Lãnh đạo trường có trách nhiệm gì khi để giáo viên của mình phải quỳ?
- Về khía cạnh nhà trường, sự việc diễn ra trong phòng và ở trong trường, có sự chứng kiến của hiệu trưởng. Chính vì vậy, hành động bỏ ra ngoài phòng của hiệu trưởng khi sự việc chưa kết thúc như một sự bỏ rơi cô giáo và đẩy cô giáo vào tình thế tự đối phó với những áp lực của phụ huynh. Nhìn một cách khách quan, trong vụ việc này, hiệu trưởng vẫn chưa làm đúng chức trách, cũng như thiếu đạo đức đối với giáo viên của trường trong khi một số giáo viên vẫn ở lại.
Còn đối với những phụ huynh, theo ông, những hành động ngang ngược của họ với giáo viên của con mình đã nói lên điều gì?
- Trước đây đã có những phụ huynh xông thẳng vào lớp tát cô giáo. Hành động tát mang tính vũ lực, nhưng hành động ép cô giáo phải quỳ là mang tính làm nhục người khác, mà đây lại là cô giáo dạy con mình. Việc này nằm ngoài phạm vi xử lý của nhà trường, nhưng trong chức trách của lãnh đạo UBND địa phương. Những phụ huynh ép cô giáo phải quỳ đã không còn trong mình chút nào truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Sau cái quỳ của cô giáo, phụ huynh sẽ thấy thỏa mãn, nhưng sự thỏa mãn đó đem lại lợi ích gì cho con cái họ khi các con sẽ vỗ ngực tự hào rằng, bố mẹ mình đã “trả thù” được cho mình? Chúng ta luôn nói đến vai trò của giáo viên trong đổi mới giáo dục nhưng không đổi mới phụ huynh thì giáo viên cũng chắc chắn không thể nào đủ tình yêu với nghề của mình và sự nghiệp giáo dục sẽ không thể thành công! Thế nhưng ai là người đổi mới phụ huynh? Chắc chắn ngành giáo dục khó làm nổi.
Theo ông, những vụ việc như thế này sẽ để lại hậu quả ra sao đối với nền giáo dục nước nhà?
- Giáo viên là nhân tố quyết định của chất lượng giáo dục nhưng hiện nay vị thế của họ không được coi trọng như vai trò mà họ đóng góp. Chưa nói đến vật chất, trước hết giáo viên rất cần đến tinh thần, tinh thần đó chính là truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Nhiều thế hệ các thầy cô trước đây dù đói ăn, thiếu mặc nhưng vẫn say mê với sự nghiệp trồng người là vì họ thực sự cảm nhận được sự thiêng liêng của “tôn sư, trọng đạo”.
Sau những vụ việc này, điều sợ nhất là tâm lý "co mình và buông lỏng giáo dục" của các thầy cô để "an toàn" cho bản thân, tránh những "va chạm" với học sinh, phụ huynh. Điều này đang xảy ra và chưa có hồi kết. Khi đó nghề dạy học chỉ còn là "cắn răng để kiếm tiền" nuôi con cái mà thôi.
Cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.