“Sò tặc” ngang nhiên cướp phá trên vùng biển Cà Mau

NGỌC HIỂN - ĐỨC KHÁNH Thứ hai, ngày 11/07/2016 06:30 AM (GMT+7)
Thời gian qua, tại miền Tây, đã có không ít những cuộc chiến giữa người nuôi sò, nghêu với “sò tặc”, “nghêu tặc”. Thậm chí, máu của người nuôi cũng đã đổ. Vụ việc đang diễn ra tại bãi nuôi sò huyết tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau là một ví dụ điển hình.
Bình luận 0

Cướp trắng như chốn không người

Trong đơn cầu cứu gởi cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tấn Vĩnh đại diện cho 6 hộ dân góp vốn nuôi sò huyết tại xã Lâm Hải cho biết: Đầu năm 2016, ông ký hợp đồng phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thuê 100ha (diện tích mặt nước) để nuôi sò huyết giống và sò thương phẩm.

img

Người lao động được các hộ dân thuê vớt số sò huyết giống ít ỏi còn sót lại. Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo hợp đồng ký kết, vườn quốc gia có trách nhiệm thành lập và quản lý tổ bảo vệ để hỗ trợ cho các hộ dân trong công tác bảo vệ tài sản của mình, đồng thời được hưởng 5% tổng sản lượng sò huyết sau thu hoạch.

Sáu hộ dân vay tiền ngân hàng, mượn thêm bên ngoài góp hơn 5 tỷ đồng mua sò huyết giống thả nuôi từ đầu tháng 3.2016. Tính đến thời điểm hiện tại, sò huyết có độ tuổi gần 4 tháng, với trọng lượng từ 500 – 1.200 con/kg. “Khi chúng tôi đang thuê nhân công kéo sò giống thả ra khu vực nuôi thương phẩm thì bị cướp trắng trợn. Đã nhiều lần trình báo cơ quan chức năng địa phương và vườn quốc gia nhưng không mang đến kết quả. Hết cách chúng tôi mới cầu cứu đến Chủ tịch UBND và Công an tỉnh Cà Mau” -  ông Nguyễn Minh Có, hộ dân đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng nói trong tức tưởi.

Theo trình bày của hộ nuôi, từ đầu tháng 7 đến nay, hàng đêm (từ 9 giờ đến hơn 11 giờ) có hơn 40 người vào khu vực nuôi sò huyết giống để khai thác. Họ mang theo mã tấu, chĩa nhọn và sẵn sàng tấn công lại lực lượng bảo vệ nên người nuôi chỉ biết đứng nhìn tài sản của mình bị mang đi.

Không chỉ vào tìm kiếm khu vực vèo sò, nhóm đối tượng còn manh động đến mức khống chế luôn bảo vệ, ép nhân viên dẫn ra khu vực có sò huyết giống. “Tối 3.7, khi tôi và một đồng nghiệp đang ngủ trên chòi canh, thì xuất hiện 4 thanh niên đi trên vỏ máy. Họ cầm mã tấu áp sát định lên chòi khống chế chúng tôi, không cho gọi điện thông báo với chủ nuôi” – anh Nguyễn Minh Tùng, bảo vệ khu vực nuôi sò kể trong lo sợ.

Bà Quách Thị Thêu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu:
Nên tuyên truyền để ngư dân vào hợp tác xã

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng từng xảy ra vụ cướp nghêu táo tợn vào năm 2015. Thực tế, khu vực nuôi nghêu, sò ở các bãi bồi dọc bờ biển trước đây là khu vực tự nhiên nhưng sau đó được địa phương giao lại cho các hợp tác xã quản lý. Nhiều xã viên là ngư dân từng khai thác nghêu, sò đã tham gia vào hợp tác xã. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ không chịu tham gia vào hợp tác xã vì họ đã quen khai thác tự do và vẫn nghĩ khu vực trên vẫn “thuộc của mình”. Do hiểu biết như vậy nên nhiều người đã tụ tập vào khai thác, thậm chí hành hung nhân viên bảo vệ và vô tình vi phạm pháp luật. Kinh nghiệm của chúng tôi là, với vai trò của mình, Hội Nông dân tăng cường tuyên truyền, rà soát lại danh sách các hộ nghèo, nghề nghiệp không ổn định để có chính sách hỗ trợ những hộ này tìm sinh kế mới hoặc vận động bà con vào hợp tác xã sản xuất nghêu, sò.
 

Chúc Ly (ghi)

Tuy nhiên, nhóm đối tượng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của hai nhân viên bảo vệ nên không lên được chòi. Không dừng lại, nhóm này huy động thêm lực lượng tới trấn áp. Theo lời anh Tùng, chỉ vài phút sau có hơn 10 vỏ máy chở theo nhiều người đến dọa dùng bom xăng đốt chòi, ép anh Tùng dẫn ra khu vực vèo sò. Trước tình thế không thể làm khác, anh Tùng đành phải dẫn đám “sò tặc” ra vèo sò.

Thiệt hại hàng tỷ đồng

Theo các hộ dân, tổng số sò huyết giống bị cướp trong 7 ngày liên tiếp ước gần 16 tấn (tương đương 3 tỷ đồng). “Thấy họ manh động quá, chúng tôi yêu cầu các bảo vệ không lại gần họ nhằm bảo toàn tính mạng, chúng tôi chỉ biết đứng nhìn mồ hôi, công sức, tài sản của chúng tôi bị cướp đi”- ông Lê Văn Tươi, 1 trong 6 hộ nuôi ngậm ngùi.

Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, do vùng nuôi rộng vắng vẻ, lại xa đất liền nên nhóm người khai thác trái phép có thể dễ dàng cướp sò. Họ trang bị đèn pin, vợt xúc, máy hút, rồi chia thành nhiều nhóm đi trên vỏ máy đến khai thác bất chấp sự ngăn cản của chủ nuôi.

Trước việc hộ nuôi bức xúc vì sự “lơ là” của lãnh đạo vườn quốc gia trong công tác phối hợp, ông Lý Hồng Thao – Phó Giám đốc vườn quốc gia phân trần, do khu vực nuôi quá lớn, trong khi lực lượng bảo vệ ít nên rất khó quản lý.

Đại tá Phạm Thành Sỹ - Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết: Chúng tôi đã mời các hộ dân có đơn lên ghi nhận lời khai ban đầu. Chúng tôi chỉ đạo Công an huyện Năm Căn cử lực lượng nghiệp vụ, có giải pháp ngăn chặn tình trạng manh động này. Chúng tôi sẽ củng cố chứng cứ, hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Những vụ cướp nghêu gây xôn xao dư luận


Ngày 22.8.2011, khoảng 1.000 xuồng máy chở theo gần 6.000 người đã dùng máy bơm hút cào nghêu, xâm phạm nghiêm trọng vùng nuôi nghêu bãi Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Ngày 26.5.2014, tại khu vực bãi nghêu Cồn Chày Mười (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre), khoảng 400 – 500 người tụ tập tại khu vực bãi nghêu của Hợp tác xã Rạng Đông để cào trộm.

Giữa tháng 7.2014, mỗi ngày có từ 3.000 - 5.000 người từ một số tỉnh thành đổ về bãi nghêu của Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm ở huyện Bình Đại, Bến Tre để cướp gần hết số nghêu giống và nghêu thịt, gây thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.

Ngày 9.8.2015, gần 300 người ở xã Long Điền Đông và xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) tràn vào khu bãi bồi nuôi nghêu rộng chừng 60ha của ông Lê Minh Phát để khai thác nghêu, ước tính thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

THANH TRÚC (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem