Số trẻ được nhận làm con nuôi tăng 400%

Thứ sáu, ngày 29/03/2013 18:45 PM (GMT+7)
Dân Việt - Có hay không tình trạng trục lợi từ các cơ sở bảo trợ trẻ em? Vấn đề hoạt động thanh tra, giám sát liệu có đạt yêu cầu?
Bình luận 0

 

Những vấn đề “nóng” này được đặt ra tại Hội thảo chia sẻ “Dự thảo báo cáo nghiên cứu nguyên nhân gốc rễ bỏ rơi và từ bỏ trẻ em tại Việt Nam” do Bộ LĐTBXH cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (Unicef) tổ chức ngày 29.3

 

Gia tăng tình trạng trẻ em bị bỏ rơi

Nghiên cứu từ Bộ LĐTBXH trong 7 năm (từ 2004-2012) cho thấy Việt Nam có 176.000 trẻ em bị bỏ rơi, trong đó có khoảng 14.000 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi trong các cơ sở bảo trợ. Đáng chú ý có 80-90% trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài được cho là “bị bỏ rơi”. Số trẻ em “bị bỏ rơi” được nhận làm con nuôi tăng 400% lần lượt qua các năm.

img
Nhiều trẻ em nghèo vẫn chưa được trợ cấp.

Tỷ lệ trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi gia tăng nhưng hệ thống trợ giúp, hỗ trợ cho trẻ em lại chưa hoàn thiện. Mức chuẩn trợ cấp thấp, tối thiểu đạt 180 nghìn đồng/1 tháng, tối đa là 360 nghìn đồng /1 tháng (bằng 20% thời điểm năm 2011). Mức trợ cấp này thấp hơn nhiều lần so với chuẩn nghèo hiện tại của cả nông thôn (thấp hơn là 45%) và thành thị. Mức độ bao phủ về trợ cấp chính sách chỉ được 2,2% thấp hơn so với độ bao phủ chung về chính sách của cả nước là 3%. Hiện nay, chỉ có khoảng 300.000 trẻ em mồ côi và trẻ bị bỏ rơi (được trợ giúp theo nghị định 67 của Chính phủ. Trong khi đó, thực tế Việt Nam có khoảng 4,2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp.

Bà Lê Thị Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em Unicef cho rằng việc cho con nuôi để lại những nỗi đau rất lâu dài. Nghĩa vụ của Nhà nước cần phải có những giải pháp, trợ giúp phù hợp cho trẻ ngay tại gia đình khi gia đình gặp khó khăn có ý định cho con.

“Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng trẻ em bị bỏ rơi không phải là do đói nghèo. Đa phần nguy cơ trẻ em bị bỏ rơi đều ở đối tượng các bà mẹ ở tuổi vị thành viên, sinh viên mang thai ngoài ý muốn, công nhân trẻ ở các khu công nghiệp, phụ nữ có bệnh mạn tính, bà mẹ đơn thân hoàn, hoặc trẻ mồ côi, khuyết tật… vì thiếu các dịch vụ hỗ trợ nên gặp khó khăn trong việc chăm sóc nuôi dưỡng, nên muốn bỏ con" – Bà Loan cho hay.

Hệ thống thanh tra, giám sát còn quá yếu

Thời gian vừa qua nổi nên một số vụ việc được cho là cho, nhận con nuôi không đúng quy định như ở chùa Bồ Đề (Hà Nội); thậm chí có trường hợp trục lợi, các cơ quan chức năng có hành động gì? Thừa nhận thực tế, ông Nguyễn Hải Hữu – Cục trưởng Cục Chăm sóc Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Nhìn nhận dưới góc độ tôn giáo, đạo đức và phát luật quốc tế thì vấn đề trợ giúp bằng cách cho con nuôi là góc độ trợ giúp cuối cùng. Khi tiếp cận vấn đề cần nhìn nhận dưới cả góc độ luật pháp và tình cảm. Từ đó xác định xem việc nên hay không nên khuyến khích quyền cho nuôi trẻ em? Nếu chúng ta không khuyến khích thì phải có những giải pháp trợ giúp, nếu khuyến khích thì không nên lên án”.

img
 

“Thực lực về kinh tế ít, đội ngũ cán bộ cộng tác chuyên trách còn ít, công tác về bảo vệ chăm sóc trẻ em còn quá yếu. Mặc dù Bộ cũng đã có ban hành tiêu chuẩn về việc chăm sóc cho trẻ em đối với cả các cơ sở chăm sóc trẻ em, nhưng việc thanh, kiểm tra vẫn được xem là những thách thức lớn” – ông Hữu thừa nhận.

Nhận định về vụ việc ở chùa Bồ Đề như một ví đụ điển hình, bà Loan bày tỏ: “Nếu đây là một việc có thật thì điều này đã vi phạm Luật Nuôi con nuôi. Việc cho và nhận con nuôi không được liên quan tới vấn đề kinh tế. Luật có quy định có phí khi xin con nuôi, nhưng mức phí này do chính quyền quản lý. Bản thân các cơ sở chăm sóc không được trực tiếp thu tiền, chỉ được tiếp nhận nguồn tài trợ xã hội nói chung”.

Luật con nuôi thì có quy định, trong 3 năm thì các tổ chức nhận nuôi con phải cung cấp cho sở tư pháp nơi đưa trẻ đi về thông tin của trẻ. Các bà mẹ có thể liên hệ với sở tư pháp để nhận thông tin của con. “Tuy nhiên, các bà mẹ cũng cần phải xác định tâm lý. Việc chấp nhận cho con đi có nghĩa là người mẹ đó phải cắt dứt hoàn toàn mối ràng buộc với con…” – Bà Loan lưu ý.

“Hiện nay trong cả nước có 400 cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Trong đó có 100 cơ sở ngoài công lập. Mỗi năm ngân sách Nhà nước đầu tư khoảng 150-200 triệu đồng cho hoạt động thanh, kiểm tra. Ngân sách có hạn, nhân lực ít nên mỗi năm Cục cũng chỉ tiến hàng thanh tra được vài chục cơ sở. Thường thì chỉ khi có ý kiến của dư luận thì Cục mới tiến hành đoàn thanh tra đột xuất để kiểm tra”.

Ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTBXH)

“Chúng tôi nghèo, tại thời điểm đó (1995) thật khó để tìm một công việc làm công ăn lương ở nông thôn. Mọi người đến để nói chuyện với tôi về Trung tâm (Trung tâm bảo trợ xã hội). Chúng tôi không chắc là có thể nuôi con và cho chúng đi học. Ở nông thôn chúng tôi bị đói, tôi nghĩ rằng nếu tôi gửi các con đi, chúng sẽ được hạnh phúc mặc dù chúng tôi biết chúng tôi sẽ rất nhớ chúng”.

Chị Nguyễn Thị Q, Ba Vì, Hà Nội - một bà mẹ từng cho con vào trung tâm bảo trợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem