Sở Y tế TP.HCM nói gì trước thông tin bệnh viện thiếu dịch lọc thận nhân tạo?

Bạch Dương Thứ ba, ngày 04/04/2023 12:20 PM (GMT+7)
Trước thông tin Bệnh viện TP.Thủ Đức phải vất vả mua dịch lọc thận theo tuần khiến bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị gián đoạn, Sở Y tế TP.HCM đã có thông tin chính thức và khẳng định, hiện tượng này chỉ xảy ra tại 1 bệnh viện, không phải tình trạng phổ biến ở các bệnh viện có chạy thận.
Bình luận 0
Sở Y tế TP.HCM nói gì trước thông tin bệnh viện thiếu dịch lọc thận nhân tạo? - Ảnh 1.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: B.D

Theo đó, Sở Y tế đã làm việc với lãnh đạo Bệnh viện TP.Thủ Đức và tìm ra nguyên nhân do bệnh viện không lựa chọn được nhà thầu đối với mặt hàng dịch lọc thận trong gói thầu mua sắm vật tư y tế năm 2022 qua hình thức đấu thầu rộng rãi vì xây dựng giá kế hoạch thấp.

Bệnh viện đã tự xử lý tình huống bằng cách thực hiện các gói thầu quy mô nhỏ để đảm bảo có đủ dịch lọc thận trong khi chờ thực hiện các thủ tục mua sắm theo quy định cho gói thầu quy mô lớn với hình thức đấu thầu rộng rãi trở lại.

Sau khi làm việc, trong thời gian chờ kết quả đấu thầu rộng rãi (dự kiến tháng 8/2023), Sở Y tế đã hướng dẫn bệnh viện thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp từ kết quả trúng thầu ở các bệnh viện bạn để đáp ứng một số lượng dịch thận lớn hơn và không phải mất nhiều thời gian, công sức để tổ chức các gói thầu mua sắm nhỏ lẻ.

Theo Sở Y tế, hàng tuần, sở đều tổ chức họp trực tuyến với tất cả các bệnh viện trực thuộc để nắm bắt tình hình cũng như có hướng dẫn ngay cho các bệnh viện trong việc mua sắm để luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

"Qua báo cáo trong giao ban hàng tuần với các bệnh viện trực thuộc, mặc dù số bệnh nhân đang điều trị lọc thận quá tải, đa số các bệnh viện phải tổ chức nhiều ca chạy trong ngày nhưng vẫn đảm bảo không để thiếu các vật tư, dịch lọc trong hoạt động thận nhân tạo tại các bệnh viện", Sở Y tế cho hay và nhấn mạnh trường hợp tại Bệnh viện TP.Thủ Đức là tình huống riêng lẻ, không phổ biến tại các bệnh viện trên địa bàn.

Sở Y tế cho biết hiện trên địa bàn TP có tổng cộng 39 cơ sở y tế trực thuộc sở và 8 đơn vị trực thuộc bộ, ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo.

Theo báo cáo từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người (tăng rõ so với cách đây 5 năm, thời điểm lúc bấy giờ chỉ hơn 3.000 người), điều đáng lưu ý là người bệnh có địa chỉ ngoài TP.HCM chiếm tỷ lệ gần 20%.

Qua buổi làm việc, các chuyên gia dự báo nếu số bệnh viện có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi thì nguy cơ quá tải chạy thận tại các bệnh viện là khó tránh khỏi.

Các chuyên gia kiến nghị sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận. Trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các bệnh viện) giúp tất cả các bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh cư ngụ trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem