Liên tiếp thiệt hại do thiên tai
Công ty Cổ phần Đức Thắng (Quảng Bình) là một doanh nghiệp chuyên về nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Công ty được thành lập từ năm 2005, là một trong những doanh nghiệp nuôi tôm hàng đầu và có thâm niên lâu năm nhất ở tỉnh Quảng Bình. Từ năm 2005, khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mới bắt đầu sơ khai, Công ty Cổ phần Đức Thắng đã đầu tư được 2 dự án nuôi tôm trên cát với tổng diện tích 65ha, với tổng giá trị đầu tư trên 90 tỷ đồng.
Nuôi tôm bằng công nghệ siêu thâm canh trong nhà kính được chuyển giao từ Mỹ ở Công ty Đức Thắng (Quảng Bình). Ảnh: Phan Phươg
Những năm từ 2006 đến 2012, công ty luôn làm ăn có hiệu quả, hàng năm giải quyết công ăn việc làm cho hơn 200 lao động có thu nhập cao và ổn định. Thế nhưng, năm 2013 cơn bão số 10 +11 với sức gió cấp 12, giật trên cấp 15, kèm theo mưa to gió lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho các dự án nuôi tôm của công ty. Toàn bộ tôm nuôi bị chết, hệ thống nhà ở, điện nước phụ vụ cho nuôi tôm bị hư hỏng nặng, hồ nuôi bị nước lũ phá hỏng…Tổng thiệt hại trên 100 tỷ đồng.
Thiệt hại do thiên tai gây ra khá nặng nề, thế nhưng đầu năm 2014, Công ty Đức Thắng đã huy động vốn từ cổ đông và vay ngoài để đầu tư khắc phục hậu quả của bão lụt. Cụ thể, công ty đã khắc phục, nâng cấp dự án số 2 trên diện tích 35ha với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Trong 2 năm liên tiếp, kết quả kinh doanh của công ty đều đạt kết quả khả quan với sản lượng tôm nuôi đạt 400 đến 450 tấn/năm; doanh thu 40 đến 50 tỷ đồng, lợn nhuận 5 đến 7 tỷ đồng/năm; giải quyết công ăn việc làm công ăn việc làm cho khoảng 150 lao động thường xuyên có thu nhập cao, ổn định.
Công nhân đang thi công tiếp dự án nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính ở Công ty Đức Thắng. Ảnh: Phan Phương
Tuy nhiên, đến tháng 4.2016, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm ô nhiễm môi trường nước, làm tôm nuôi của Công ty bị chết, môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước không đảm bảo để tiếp tục nuôi trồng; một lần nữa đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho công ty…
Không làm sao vay được vốn
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Công ty Cổ phần Đức Thắng cho biết, đầu cuối năm 2016, sau khi nước biển ở Quảng Bình được xác nhận đã an toàn để nuôi trồng thủy sản, công ty đã quyết định từ đây đến năm 2020 sẽ đầu tư 3 dự án nuôi tôm sạch công nghệ cao với tổng điện tích 100ha, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Công nghệ được công ty áp dụng là công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính được chuyển giao từ Mỹ. Với công nghệ này, tôm nuôi được bố trí hoàn toàn trong nhà kính (công trình có khả năng chống chọi với bão cấp 12, giật trên cấp 15). Đây được xem là phương pháp nuôi tôm hiện đại nhất hiện nay, hoàn toàn khép kín; vì vậy có thể hạn chế tác động xấu của môi trường, dễ kiểm soát, chăm sóc quản lý thuận tiện và cho năng suất cao.
“Sau khi hoàn thành 3 dự án, dự tính sản lượng tôm nuôi hàng năm của công ty sẽ đạt 2.500 đến 3000 tấn; doanh thu 400 đến 500 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 50 đến 60 tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 600 lao động” – ông Sỹ cho biết.
Nhiều hồ tôm ở Công ty Đức Thắng đang phải bỏ hoang vì công ty không tiếp cận được vốn vay. Ảnh : Phan Phương
Theo ông Sỹ, hiện công ty đã đầu tư xong dự án số 2 với diện tích trên 35 ha với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng và đã được đưa vào sử dụng. Đặc biệt, công ty đã làm chủ được qu trình nuôi tôm sạch công nghệ cao (nuôi tôm trong nhà kính, bằng nước mặn hoàn toàn và không dùng hóa chất kháng sinh) với năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha/vụ. Mới đây Công ty CP Đức Thắng cũng đã được Bộ NNPTNT công nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” trong lĩnh vực “Nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh”.
Thế nhưng, cũng theo ông Sỹ, hiện nay Công ty của ông đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính vì chưa tiếp cận được với các ngân hàng để vay vốn. “Chúng tôi đã làm tờ trình kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ NNPTNT xem xét cho công ty được tiếp cận các ngân hàng để vay vốn nuôi tôm sạch công nghệ cao. Vì hiện nay, chúng tôi đã huy động toàn bộ nguồn lực tài chính hiện có và vay nóng bên ngoài với lãi suất cao (30 đến 40%) nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, lợi nhuận chưa đạt theo kế hoạch và nếu kéo dài tình trạng này sẽ có nguy cơ phá sản..” – ông Sỹ nói.
Nhiều năm nay Công ty Đức Thắng luôn áp dụng công nghệ nuôi tôm hiện đại nhất Quảng Bình. Ảnh Phan Phương
Ông Sỹ cho biết, tài sản của ông hiện nay được công ty định giá độc lập có trị giá trên 300 tỷ. Thế nhưng, hiện ông đã gõ cửa tất cả các ngân hàng được Chính phủ chỉ định cho vay nguồn vốn 100.000 tỷ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng đều bị từ chối.
Ông Đinh Quang Hiếu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình cho biết, ông đã biết trường hợp của công ty Đức Thắng và đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn xem xét cho công ty này vay. Tuy nhiên, các ngân hàng còn e ngại, do lĩnh vực nông nghiệp còn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Điều 15, Nghị định 55 của Chính phủ quy định: Các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Theo Nghị định này, Công ty Đức Thắng được xem là đối tượng ưu tiên số 1 khi đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.