Theo báo cáo, Chương trình 135 giai đoạn II của tỉnh Sóc Trăng với tổng nguồn vốn trên 425 tỷ đồng, đến nay đã hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho trên 16.000 hộ dân tộc thiểu số với trên 16,2 tỷ đồng. Chương trình đã mở được 484 lớp tập huấn sản xuất, thu hút sự tham gia trên 18.000 lượt người; thực hiện được 159 mô hình hiệu quả,... Từ đó, đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3 – 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc đến năm 2010 giảm xuống còn 18%.
Đa dạng hỗ trợ sản xuất
Tại huyện Mỹ Xuyên, nhờ nguồn vốn 135 đã có gần 2.000 hộ bà con Khmer được hỗ trợ phát triển sản xuất, ngoài cấp vốn trực tiếp còn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đa dạng phương thức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho bà con thoát nghèo. Anh Lâm Đuôl ngụ xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Trước đây, cũng như nhiều hộ xung quanh, tôi trồng lúa giống IR50404 nhưng không hiệu quả. Năm 2010, tôi được địa phương hỗ trợ lúa giống cao sản ST5 và được hỗ trợ luôn phân bón trong suốt vụ. Năm đó, thu hoạch trúng mùa, bán được giá cao. Từ khởi đầu thuận lợi, đến nay, gia đình tôi đã chuyển sang sản xuất giống lúa cao sản, cuộc sống gia đình dần đi vào ổn định hơn”.
Còn anh Lâm Thành, (xã Đại Tâm) trước đây hộ không đất sản xuất, cuộc sống bấp bênh. Từ nguồn vốn 135, anh được hỗ trợ 5 triệu đồng để nuôi lươn thịt. Trong vụ nuôi đầu tiên, sau khi trừ chi phí gia đình anh còn lãi hơn 7 triệu đồng. Đến nay, anh vẫn duy trì mô hình nuôi lươn và nhờ đó đã thoát nghèo vào năm 2011.
Ông Tăng Trung Bảo - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Khi thấy được hiệu quả mang lại thì tư duy sản xuất của bà con cũng dần thay đổi theo chiều hướng tích cực và chấp nhận những thử thách mới”.
Hướng tới mô hình kinh tế cao
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung khuyến khích hộ dân thực hiện mô hình chăn nuôi bò sữa. Đây sẽ là mô hình mũi nhọn trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn 2013 – 2015. Chúng tôi gặp anh Lý Minh Quang (ngụ ấp Sô La 2, xã Tham Đôn) là hộ được hỗ trợ vốn nuôi bò theo Quyết định 551 (Chương trình 135 giai đoạn III). Giống bò anh Quang nuôi là bò sữa Thái Lan rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Sóc Trăng. Tuy bò chỉ mới nuôi khoảng 3 tháng, nhưng phát triển rất tốt và trong thời gian tới có thể cho đợt sữa đầu tiên.
Mô hình nuôi bò có sự kết hợp với Dự án “Nâng cao đời sống nông thôn” năm 2004 do CIDA (Cơ quan phát triển quốc tế Canada) tài trợ cho các hộ nghèo ở một số huyện trong tỉnh. Hiện nay, dự án đang phát triển rất mạnh và đã thành lập hợp tác xã thu mua sản phẩm cho bà con. Các hộ nuôi bò theo Chương trình 135 sẽ được tham gia vào câu lạc bộ nuôi bò của xã, bà con cũng được tạo điều kiện tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, không còn lo đầu ra cho sản phẩm…
Bà Dương Thị Kim Thúy - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Thông qua hỗ trợ vốn phát triển sản xuất của Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh sẽ rút kinh nghiệm để trong giai đoạn III sẽ triển khai thực hiện được tốt hơn, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho bà con nghèo”.
Chương trình 135 giai đoạn III, tỉnh Sóc Trăng được phân bổ gần 181 tỷ đồng, trong đó năm 2014 là 74 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.