Sốc với mức lương hưu “khủng” nhất Việt Nam

Diệu Linh Thứ ba, ngày 31/10/2017 19:41 PM (GMT+7)
Câu chuyện cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh công tác 37 năm chỉ hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đang khiến dư luận xôn xao. Còn mức lương hưu "khủng" nhất Việt Nam hiện nay thuộc về một cán bộ hưu trí tại TP.HCM: Hơn 100 triệu đồng/tháng.
Bình luận 0

img

Ảnh minh hoạ.

Thông tin này được bà Đinh Thu Hiền - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cung cấp cho báo chí chiều 31.10.

Theo bà Hiền, hiện nay tại TP.HCM có 1 trường hợp có mức lương hưu cao nhất cả nước. Ông này vốn là nhân viên của một công ty nước ngoài và đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) với mức đóng rất cao. Thời gian đóng BHXH của ông này chỉ là 23 năm 3 tháng, tỷ lệ hưởng 62%. Tuy nhiên mức đóng BHXH hàng tháng của ông rất "khủng". 17 năm đầu, ông đóng tới 66 triệu đồng/tháng. Những năm còn lại theo quy định trần mức đóng BHXH hàng tháng không vượt quá 20 tháng lương cơ sở nên ông đóng 18 triệu đồng/tháng.

Với mức đóng rất cao nên dù mức hưởng chỉ đạt 62% nhưng vào thời điểm nghỉ hưu tháng 4.2015, lương hưu của ông này là 87 triệu đồng và sau vào lần điều chỉnh tăng lương hưu, lương hưu của ông này hiện là trên 100 triệu đồng/tháng.  

So sánh với trường hợp của cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) sau 37 năm công tác chỉ được hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đang gây bức xúc cho dư luận, bà Hiền cho biết, theo quy định hiện hành, mức đóng BHXH cao thì hưởng cao. Cụ thể việc hưởng lương hưu bao nhiêu phụ thuộc vào mức đóng và thời gian đóng của người lao động, đóng cao và thời gian lâu sẽ được hưởng lương hưu cao.

Cô Lan đã đóng BHXH 22 năm 8 tháng, mức hưởng 69% nhưng 17 năm đầu chỉ đóng BHXH khoảng 600.000 đồng/tháng, 5 năm sau đóng 3,5 triệu đồng/tháng. Còn người có mức lương hưu “khủng” nhất Việt Nam, tuy thời gian đóng tương đương, mức hưởng thấp hơn nhưng họ đã đóng BHXH với mức “khủng” nên lương hưu cũng “khủng”.

Đối với trường hợp của cô giáo Lan, bà Hiền phân tích, tuy cô Lan công tác 37 năm nhưng thực tế thời gian đóng BHXH của cô giáo Lan chỉ tính từ 1.1.1995. Vì trước năm 1995, giáo viên mầm non không thuộc biên chế nhà nước, cho nên thời gian làm việc của các cô trước năm 1995 không được tính là thời gian tham gia BHXH. Đến tận năm 1999, theo quy định của Nghị định 73, giáo viên mầm non mới thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Cũng do quan tâm đến giáo viên nên năm 2004, BHXH Việt Nam và Bộ GD-ĐT có văn bản xác định giáo viên có thời gian đóng BHXH trước thời điểm có Nghị định số 73 nếu chưa được tham gia đóng BHXH thì có thể truy đóng ngược lại đến tháng 1.1995 để sau này có đủ khoảng thời gian để hưởng chế độ hưu trí.

Do đó, đa số giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995 thì thời gian đóng BHXH của họ chỉ tính từ tháng 1.1995 trở đi. Nếu tính từ tháng 1.1995 cho đến nay, đa số giáo viên mầm non chỉ có khoảng 20 năm đóng BHXH. Như cô giáo Lan là 22 năm 8 tháng.

img

Sau 37 năm công tác, cô giáo Lan phải làm thêm 7 sào ruộng để kiếm sống.

Tuy nhiên, thời gian đóng từ năm 1995, mức lương của giáo viên mầm non cũng rất thấp, chỉ dựa trên lương tối thiểu. Vào thời điểm 1995, mức lương tối thiểu chỉ có 120.000 đồng và giờ mức lương cơ sở cũng chỉ là 1.300.000 đồng. Tỷ lệ hưởng lương hưu do thời gian đóng ngắn thì mức hưởng cũng không cao. Như cô giáo Lan chỉ có 22 năm 8 tháng thì được hưởng là 69%, do đó, theo quy định, khi nghỉ hưu chưa đạt 1,3 triệu.

Từ đó mức lương bình quân, tiền lương tháng đóng BHXH cả quá trình 22 năm 8 tháng của cô Lan là 1.829.215 đồng/tháng. Cô Lan được hưởng 69% mức bình quân này, tính ra là 1.262.158 đồng/tháng. Tuy nhiên, theo quy định của Luật BHXH 2014, những người lương hưu chưa đạt 1,3 triệu/tháng cũng đã được ngân sách bù đắp để đạt 1,3 triệu/tháng.

“Về trường hợp của cô giáo Lan thì BHXH Hà Tĩnh đã tính toán đúng theo các quy định hiện hành” - bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, trường hợp lương hưu chỉ đạt 1,3 triệu/tháng như cô giáo Lan không phải là hiếm. Số liệu của BHXH Việt Nam cho biết, có hơn 3.228 lương hưu dưới 1,3 triệu. Nếu xem xét kỹ, sẽ có người có mức lương hưu thấp hơn 1,3 triệu rất nhiều. Vì hiện nay các cán bộ xã không chuyên trách thì mức đóng BHXH của họ chỉ trên nền lương cơ sở. Thời gian đóng khoảng 20 năm và nghỉ hưu trong năm nay, mức lương hưu chỉ được hưởng 55%, còn nếu lâu hơn cũng chỉ đạt khoảng 60% trên nền mức lương cơ sở. Như vậy, chắc chắn những người đó lương hưu sẽ thấp.

Ngoài ra còn có những người tham gia BHXH tự nguyện. Từ 2008 có chính sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện thì mức lương đóng thấp nhất cũng trên nền lương cơ sở. Theo Luật BHXH năm 2014, từ 1.1.2016, mức lương của người tham gia BHXH tự nguyện có mức thấp nhất là bằng chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng/tháng). Do đó, mức lương hưu của họ cũng chỉ là 55-60% thì không thể đạt mức lương tối thiểu (1,3 triệu đồng/tháng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem