Bối cảnh ra đời
Sau khi hạ thủy thành công hai tàu khu trục đa chức năng Type- 052B lớp Lữ Dương I số hiệu 168 Quảng Châu và 169 Vũ Hán, Trung Quốc nhận thấy, tuy các tàu này khá hiện đại song vẫn không thể so sánh được với các tàu cùng loại của Nga, Mỹ. Tham vọng hướng ra biển lớn của Trung Quốc là rất lớn. Không muốn bị chậm chân trong cuộc đua, họ tiếp tục cải tiến để cho ra đời thế hệ tàu khu trục mang tên lửa điều khiển tiếp theo.
Type-052C Lữ Dương II như là một bước phát triển tất yếu. Chiếc đầu tiên được khởi đóng cuối năm 2002 mang số hiệu 170 Lan Châu. Tàu được chính thức biên chế hoạt động tháng 7.2004. Chiếc thứ hai mang số hiệu 171 Hải Khẩu được khởi đóng 30.10.2003, biên chế chính thức năm 2005.
Cả hai chiếc này đều được biên chế hoạt động tại hạm đội Nam Hải có căn cứ tại Trạm Giang, Trung Quốc. Chiếc thứ 3 mang số hiệu 150 Trường Xuân đang được thử nghiệm.
Tàu khu trục Aegis “made in China”
Tàu Type-052C của Trung Quốc được phát triển dựa trên thân tàu lớp 052B, trong đó nhấn mạnh hơn nữa các thiết kế làm giảm mặt cắt radar (tàng hình). Tàu được áp dụng phương pháp tiếp cận modun trên cơ sở thân tàu 052B và sử dụng chung hệ thống đẩy để tiết kiệm thời gian và chi phí phát triển.
Tuy nhiên, không giống các tàu lớp 052B sử dụng các hệ thống điện tử và vũ khí hỗn hợp nội địa và của Nga, các tàu khu trục Type-052C chủ yếu dựa vào các hệ thống vũ khí trong nước. Đây là cải tiến quan trọng khi việc trang bị các hệ thống vũ khí hỗn hợp nội ngoại tạo sự không đồng bộ trong vận hành tác chiến.
Cấu trúc thượng tầng của tàu Type-052C được sửa đổi để phù hợp với một radar mạng pha đa chức năng hoạt động theo từng giai đoạn mới. Đây là chiếc tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc có khả năng đảm đương nhiệm vụ phòng không hạm đội.
Hệ thống vũ khí:
Type-052C là lớp tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống tên lửa hạm đối không tầm xa HHQ-9, phiên bản hải quân của tổ hợp HQ-9. Đây là hệ thống tên lửa được cho là sao chép hệ thống S-300 của Nga, trang bị thay cho hệ thống tên lửa đa kênh Shtil.
Thông số kỷ thuật cùa tàu Type-052C : Dài 154m, rộng 17m, mớn nước 6m, tải trọng 7000 tấn. Thủy thủ đoàn: 280 người.
Trên tàu, có tất cả 6 cụm phóng với 8 tên lửa mỗi cụm, tổng cộng có cơ số 48 tên lửa phòng không được bố trí trong các ống phóng thẳng đứng (VLS), tương tự như kiểu bố trí của hệ thống S-300F trên các tuần dương hạm lớp Kirov của Nga.
Hệ thống được bố trí sau pháo chính. Không giống như các tàu hạm của Nga sử dụng hệ phóng thẳng đứng (VLS) cơ cấu ổ quay, các tàu khu trục Type-052C sử dụng kiểu phóng thẳng đứng theo kiểu cố định, một ống phóng có nắp riêng của mình.
Hệ thống sử dụng phương pháp “ khởi động lạnh”, bốn rocket nhỏ sẽ đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng trước khi động cơ chính được kích hoạt. Ưu điểm của phương pháp này là giảm thiệt hại đến thân tàu do sức nóng của động cơ, cũng như tránh thiệt hại do vụ nổ động cơ tên lửa.
Bên cánh đó, một hệ thống 8 tên lửa chống hạm mới YJ-62 C-602 được bố trí giữa thân tàu hơi thiên về phía sau. Hệ thống được bố trí trong các ống phóng hình tròn thay cho hình hộp của YJ-83. Tầm bắn tối đa của YJ-83 là 280km, tốc độ cận âm với đầu đạn HE nặng 300kg.
Gần đây, tàu khu trục Type-052C còn được bổ sung trang bị thêm tên lửa hành trình tấn công mặt đất DH-10 tầm bắn khoảng 1.800km tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ với cơ số 8 đạn tên lửa.
Các tàu khu trục Type- 052C sử dụng pháo hạm chính 100mm, cùng với hai hệ thống phòng thủ Type-730 một phía trước, một phía sau. Hệ thống ngư lôi chống ngầm, hệ thống mỗi bẫy. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm Z-9C.
Hệ thống điện tử:
Type-052C được trang bị một radar Type 348 đa chức năng hoạt động theo từng giai đoạn với 4 mảng ăng ten khác nhau bố trí xung quanh tháp chỉ huy. Radar hoạt động ở băng tần S với tầm phát hiện mục tiêu máy bay lên đến 450km. Radar này được thiết kế bởi Viện nghiên cứu công nghệ điện tử Nam Kinh (hay Viện số 14).
Hạn chế:+ Tuy là tàu khu trục đa chức năng song các radar và hệ thống dữ liệu chiến đấu mới của tàu Type-052C lại thiên về khả năng phòng không hạm đội hơn là chống tàu nổi.
+ Các tên lửa HHQ-9 với hệ dẫn đường bằng radar bán chủ động tồn tại nhiều nhược điểm và rất phức tạp. Các radar mới loại Type-348 chưa thực sự tương thích với tên lửa HHQ-9 vốn phát huy hiệu quả cao hơn khi được dẫn bằng radar 30N6E của tổ hợp S-300 của Nga.
+ Người Trung Quốc tự hào rằng đây là loại tàu Aegis của hải quân Trung Quốc, tuy nhiên xét một cách toàn diện tàu này còn lâu mới thực sự là một tàu Aegis đúng nghĩa.
Radar 517H 2D tầm xa cho tìm kiếm mục tiêu và dẫn bắn cho tên lửa chống hạm và súng chính. Hai hệ thống radar Type-327G điều khiển hỏa lực cho hệ thống Type-730
Một hệ thống dữ liệu chiến đấu hoàn toàn mới được phát triển trên cơ sở của hệ thống Thomson-CSF TAVITAC. Tuy tính năng của hệ thống này chưa được tiết lộ song hệ thống mới nhấn mạnh đến việc bảo vệ tàu trước tên lửa chống hạm.
Hệ thống mới được đánh giá là có tính đồng bộ cao hơn sơ với người tiền nhiệm Type- 052B trong bám bắt, phân loại, đánh giá mục tiêu, phân bổ vũ khí, tầm tác chiến được nâng cao hơn. Điểm khác biệt nữa là các tàu Type-052C có khả năng truyền dữ liệu mục tiêu đến các tàu khác với máy bay thông qua kênh liên lạc vệ tinh, nâng cao tính hiệp đồng biên đội.
Hệ thống đẩy
Tàu kh trục Type-052C được trang bị hệ thống đẩy kết hợp diesel-tuabin khí CODOG với 2 động cơ tuabin khí DN80 công suất 37.000 mã lực/chiếc cùng với 2 động cơ diesel MTU Friedrichshafen 12V 1163TB83 công suất 6700 mã lực/chiếc. Hệ thống động lực này giúp tàu đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/h.
Type-052C là thế hệ tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc có đầy đủ chức năng phòng không hạm đội. Việc sử dụng hệ thống điện tử và vũ khí nội địa cho thấy những bước phát triển vượt bậc của công nghệ quốc phòng Trung Quốc. Tuy các hệ thống này được cho là sao chép các hệ thống vũ khí của nước ngoài, song điều đó cho thấy Bắc Kinh bắt đầu tự chủ được các trang bị cho quốc phòng và tiến tới xuất khẩu.
Minh Châu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.