Theo nhóm chuyên gia Đại học Copenhagen, lượng băng lớn từng tồn tại ở độ cao 300-500 m trên hai bán cầu nam và bắc của hành tinh đỏ. Nghiên cứu dữ liệu đo đạc radar từ vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), các nhà khoa học kết luận trên thực tế đây là những sông băng.
Các nhà khoa học tin rằng sông băng từng tồn tại bên dưới bề mặt đầy bụi của sao Hỏa. Ảnh: NASA
"Chúng tôi quan sát dữ liệu radar trong 10 năm trở lại đây để quan sát độ dày của lớp băng cũng như hoạt động của chúng. Chúng tôi so sánh với hoạt động của sông băng trên Trái Đất và từ đó có thể tạo ra các mô hình của lưu lượng băng", IB Times dẫn lời Nanna Bjørnholt Karlsson, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Họ ước tính sông băng trên sao Hỏa chứa khoảng 150 tỷ m3 băng, đủ để bao phủ toàn bộ bề mặt hành tinh này một lớp băng dày 1,1 m. Lượng băng ở độ cao này là một phần quan trọng đối với các nguồn chứa nước trên hành tinh đỏ.
Trước đó, dữ liệu từ thiết bị thăm dò của NASA cho thấy một hồ nước lớn từng tồn tại trên sao Hỏa hàng tỷ năm trước, củng cố thêm bằng chứng về sự sống của vi sinh vật trên hành tinh này.
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.