Sống chung với... thần chết

Thứ năm, ngày 02/06/2011 18:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chung sống “hòa bình” với mìn, đạn đang là lựa chọn của người dân ở nhiều bản làng nơi biên viễn xa xôi này. Tuy nhiên, sự chịu đựng nhẫn nhịn ấy cũng không phải là tuyệt kế để mọi người lẩn tránh thương vong...
Bình luận 0

Cấm con dâu đi nương

Trong chiến tranh, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) được mệnh danh là “máy xay thịt người”. Chiến cuộc lùi xa đã mấy chục năm, thế nhưng đến giờ chiếc “máy xay thịt người” ấy vẫn còn âm ỉ hoạt động. Vẫn cảnh máu chảy, vẫn cảnh lệ rơi, vẫn những tiếng nấc nghẹn bởi đau đớn do những “hung thần trong lòng đất” gây nên.

Thiếu úy Nguyễn Văn Vị (Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy) được đơn vị phân công dẫn chúng tôi đi thực tế để thực hiện bài viết này. Thiếu úy Vị tuy còn trẻ, nhưng bởi quê ở xứ này nên nỗi đau từ di họa của chiến tranh, anh rất tỏ tường.

img
Bà Ngò với quả mìn xanh tìm thấy ở nương ngô.

Nơi chúng tôi đến là nương ngô nhỏ nằm ngay sau những dãy nhà ngói ở trung tâm xã, cạnh đồn biên phòng. Theo thiếu úy Vị, trên nương ngô đó hiện còn nhiều quả đạn mà đến giờ vẫn chưa có cơ quan nào thu gom và tiêu hủy.

Chủ của nương ngô đó là bà Nguyễn Thị Ngò, trước đây công tác ở Trạm Y tế xã. Bãi đất này vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Để đất hoang hóa không phải vì nhà không có lao động mà bởi ở đó thỉnh thoảng người ta vẫn đá phải mìn, chưa kể đến những quả đạn với đầy đủ hình thù, kích cỡ.

Mấy năm gần đây nghỉ hưu, thấy luẩn quẩn quanh nhà buồn chán, bà Ngò đánh liều ra đây vật đất trồng ngô. Bà bảo, nhà bà mới có dâu mới, cô chăm chỉ lắm. Đã mấy lần cô vác cuốc theo mẹ chồng ra nương nhưng bà đuổi thẳng. Bà bảo, bà già rồi, nếu không may giẫm phải mìn, cuốc phải đạn thì cũng chẳng có nhiều luyến tiếc, chứ con dâu bà còn trẻ, không may thì lại khốn khổ cả đời.

Phản xạ hãi hùng

Để một vụ ngô thắng lợi, bà Ngò bảo, ngoài trông trời, trông đất, trông mây thì còn phải trông cả… mìn, đạn nữa. Sau mấy năm xới đất, bà cũng “thu hoạch” được vô số những vũ khí chiến tranh. Phát hiện ra những “quái vật” ấy, bà cứ lựa lôi ra góc vườn, xếp thành một đống.

Dẫn chúng tôi ra thăm “chiến quả” mà mình gom được, bà Ngò bảo, nếu số đạn mà bà gom được vô tình phát nổ thì cũng đủ để xóa sổ cả xóm này. Kinh khủng nhất là quả đạn to cỡ bắp đùi, dài đến hơn mét rưỡi. Theo bà Ngò thì nhiều tay liều chết, dám đập đạn để lấy sắt vụn, thuốc nổ nhưng thấy quả đạn ấy thì mồm miệng há hốc chẳng dám tới gần.

Bà Ngò kể, khi còn làm ở Trạm Y tế, bởi thường xuyên phải sơ cứu cho những người bị thương tích do đạn, mìn nên bà đã có một phản xạ hãi hùng. Dù đi đâu, làm gì, bà cũng đem theo những trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng cứu người. Hôm nào đãng trí không mang theo những thứ đó bên mình thì hễ nghe tiếng nổ lớn thì ngay lập tức bà tức tốc về trạm để chuẩn bị bắt tay vào cái việc không ai muốn làm đó.

Giỡn mặt tử thần

Giang Nam - thôn trung tâm của xã Thanh Thủy có nhiều góa phụ. Họ là những người phụ nữ không may mắn, nửa đời đứt gánh do chồng vướng vào mìn, đạn. Theo thiếu úy Vị, ở thôn này có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đó là hai ông chồng tên Việt (Lục Văn Việt và Lại Văn Việt) rủ nhau về bên kia thế giới vì dám đùa giỡn với tử thần.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2002, ông Lại Văn Việt liều lĩnh vào vùng đất cấm để tìm sắt vụn. Mìn nổ, ông chết ngay tại chỗ. Chỉ ít lâu sau, ông Lục Văn Việt cũng bởi hám món lợi trước mắt mà quên mạng sống của mình khi cả gan cưa cả những quả đạn to như bắp chuối.

Theo bà Mai Bích Thủy - cán bộ Lao động - Thương binh - Xã hội xã Thanh Thủy thì hiện tại xã có 36 đối tượng tàn tật đang được Nhà nước hỗ trợ kinh tế. Trong số các đối tượng đó, có nhiều người tàn phế do những tai nạn liên quan đến đạn, mìn.

Ông Lục Văn Việt là “thợ săn sắt vụn” không chuyên bởi chỉ khi rảnh rỗi, cần tiền tiêu vặt, ông mới sử dụng đến nghề tay trái này. Có lẽ, bởi không có “nghề” nên ông chẳng ngán gì thần chết. Ông thường gom những quả đạn chưa nổ về để sau vườn nhà mình và khi cần thì cứ ngồi luôn tại trận để… kéo cưa lừa xẻ.

Hôm ấy, đang hì hục cưa đục thì ông bị người hàng xóm phát hiện. Người này đã yêu cầu ông không được tiếp tục làm cái việc dại dột đó ở đó nữa mà phải chuyển lên đồi cao. Dù không muốn nhưng trước thái độ gay gắt đó, ông đành miễn cưỡng nghe lời.

Ông xách “chiến lợi phẩm” cùng đồ nghề đi được chừng nửa tiếng thì cả thôn giật mình bởi một tiếng nổ đinh tai nhức óc kèm theo khói bụi và đất đá văng vãi tứ tung. Khi khói bụi tan, bộ đội biên phòng và người dân quanh đó túa lên đồi thì thấy ông nằm vắt vẻo với thân hình không còn nguyên vẹn.

Nhắc đến cái chết thương tâm của chồng, bà Nhâm Thị Hải (vợ ông Lục Văn Việt) nước mắt sụt sùi. Bà bảo, trước đây ông cũng đi bộ đội, cũng xông pha khắp các trận địa để bảo vệ biên cương. Thế nhưng, đau đớn thay, bom đạn chiến trường chẳng làm ông chết, vậy mà...

Bài cuối: Đường mưu sinh xương máu

Ở miền đá này, nhiều người vẫn lặn lội kiếm tìm bom, mìn. Đơn giản, họ chọn nghề ấy để tồn tại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem