Sấy khô chân mình trên... gác bếp

Thứ tư, ngày 01/06/2011 14:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuộc chiến cách đây mấy chục năm, nhiều người đã quên, nhưng vẫn còn đó một “nỗi buồn chiến tranh” đang đau đớn hiện hữu trên cao nguyên đá Hà Giang. Bởi số kiếp đen đủi, bởi khổ nhọc mưu sinh, nhiều người dân ở miền đá xa xôi này đã vướng phải mìn, đạn từ cuộc chiến kinh hoàng để lại.
Bình luận 0

Giẫm phải mìn, một thanh niên người Mông ở bản Mã Hoàng Phìn (xã Minh Tân, Vị Xuyên) đã cất phần chân bị đứt lìa của mình trên gác bếp. Theo người thanh niên này, anh làm việc kinh dị đó để cảnh báo mọi người tránh xa những nơi nguy hiểm…

img
Những bãi mìn, đạn thế này còn rất nhiều ở Hà Giang.

“Bóng ma” quá khứ

Tôi đến Minh Tân rồi theo con đường dốc dựng ngược để lên Mã Hoàng Phìn. Xuyên rừng nghiến cổ thụ, xuyên những bụi lau lách cùng đám ráy khổng lồ mà tuyệt nhiên chẳng thấy bóng người.

Ngày hôm sau, được sự trợ giúp nhiệt tình của ông Lộc Xuân Lương - quyền Chủ tịch UBND xã Minh Tân, chúng tôi đã gặp được nhân vật mà mình mỏi mắt mong chờ. Anh là Hàu Sào Trung, sinh năm 1982. Như thường lệ, anh xuống núi bằng chiếc xe máy Trung Quốc cà tàng.

Vào chuyện chính, anh Sào Trung kể, anh dính mìn từ năm 2009. Nơi gia đình anh canh tác, trước đây nhiều mìn lắm. Mà không chỉ bản anh, nhiều bản quanh đó cũng bị bao vây bởi vô số những chiếc bẫy chết người này.

Nơi đây, người Mông sinh sống từ lâu. Khi có chiến tranh, mọi người đi lánh nạn, làng bản im tiếng súng thì lại lũ lượt kéo nhau về. Biết sống cạnh “thần chết” thì thế nào cũng bị “thần chết” bắt đi, nhưng bản làng như máu mủ thịt da, không bỏ đi nơi khác được.

Ngày mới về lại quê xưa, nhiều người dân trong bản đã không may thọ nạn. Dân bản anh cũng như nhiều nơi khác ở miền đá này, đã có một cách rà mìn tuy vô cùng tốn kém nhưng… rất hiệu quả: Chỗ nào thưa vắng bóng người, muốn dựng nhà làm nương thì cứ lùa trâu bò vào đó chăn thả mấy tháng. Khi “những kẻ liều chết” này “hoàn thành nhiệm vụ” thì mọi người mới tiến vào khai phá. Đương nhiên, thực hiện cách này, dân bản có thịt trâu, bò ăn đều đều.

Sấy chân như sấy... thịt rừng

Tuy nhiên, dù có liên tục càn quét, nhưng các “chiến binh bốn chân” trên vẫn không thể rà soát những “của nợ” mà chiến tranh để lại. Bởi thế, lớ ngớ, người dân vẫn vô tình giáp mặt với tử thần. Đó là những quả mìn được đặt ở chỗ hiểm, chỉ vừa với vết chân người hoặc bị đất đá vùi lấp sau những trận mưa rừng tơi tả. Quả mìn đã xén chân Sào Trung nằm ngay sát chân tảng đá lớn, nơi mấy mùa rẫy trước anh vẫn thường lấy làm chỗ nghỉ ngơi.

Từ ngày anh cất giữ “bảo vật” đó, không hiểu nó linh thiêng thế nào mà dân bản anh ít dính mìn hơn. Có lẽ luôn được tận mắt thấy bàn chân kinh rợn ấy mà mọi người đã cẩn thận hơn trên mỗi... bước đi của mình.

Hôm ấy, vừa đặt chân đến thì một tiếng nổ chát chúa vang lên khiến anh ngất lịm. Khi tỉnh dậy, anh hốt hoảng và đau đớn khi thấy chân trái của mình đã bị mìn băm giập nát. Anh bảo, số anh hôm đó còn may, bởi tiếng nổ làm mấy người đi rừng gần đó giật mình.

Nghĩ có chuyện chẳng lành nên họ đã tìm đến và vội vàng giúp anh băng bó vết thương. Nếu không có người cứu giúp kịp thời, mất nhiều máu chắc anh cũng không sống nổi. Về bản, bằng những bài thuốc lá bí truyền, thầy lang đã tiến hành diệt trùng và cắt bỏ phần cơ thể đã không ở với anh trọn đời ấy.

Nghĩ tuổi mình còn đang phơi phới bỗng dưng thành người tàn phế, Sào Trung buồn thối ruột. Nằm một chỗ, thương mình bao nhiêu, Sào Trung càng oán hận thứ “đồ chơi” của thời chiến ấy bấy nhiêu. Và Sào Trung đi đến một quyết định dị thường: Giữ lại phần chân đã mất của mình. Sào Trung bảo, khi ấy anh làm vậy chỉ đơn giản là để mọi người trong nhà khi thấy nó sẽ cẩn trọng hơn trong việc vào rừng lên rẫy, tránh xa những chỗ đã được bộ đội và người già cho là nguy hiểm.

Nghĩ thế, nên khi cơn đau vẫn làm Sào Trung vã mồ hôi hột, anh cà nhắc ra sau nhà khai quật phần chân vừa được chôn ấy lên. Sau khi tắm rửa sạch sẽ bằng nước lá rừng, làm hệt như người ta vẫn sấy… thịt rừng mỗi khi săn bắn được, Sào Trung để phần chân ấy ở một vị trí trang trọng trên gác bếp. Sào Trung kể, sau mấy năm được… hun khói, phần chân ấy giờ đã teo tóp, khô cong như củi trong rừng vậy. Và, thỉnh thoảng, anh vẫn lấy một phần cơ thể đó xuống để mọi người… thưởng lãm.

Bài 2: Sống chung với... thần chết

Chung sống “hòa bình” với mìn, đạn đang là cách sống của người dân ở nhiều bản làng nơi biên viễn xa xôi này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem