Sông Dinh ngắn chảy qua một thị xã ở Bình Thuận, lạ là già trẻ, gái trai ra nổi lửa hát hò
Dòng sông chảy qua một thị xã ở Bình Thuận chưa đầy 10km, đá chồng chất, già, trẻ ra sông nổi lửa hát hò
Thứ ba, ngày 27/06/2023 19:53 PM (GMT+7)
Sông Dinh, đoạn chảy qua thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) chưa đầy mươi cây số, là khúc cuối dòng trước khi hòa mình vào biển cả. Sông là mạch sống của người La Gi, nó gánh trọng trách cung cấp nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, nước tưới cho ruộng đồng.
Dòng sông Dinh còn tạo nên cảng biển La Gi với hàng ngàn tàu thuyền công suất lớn vào ra thường nhật. Không chỉ thế, ở đôi bờ sông Dinh, triền đất phù sa màu mỡ này đã giúp một phần cuộc sống nông dân ổn định nhờ vào rau xanh, cây trái.
Dưới lòng sông, tài nguyên cát xây dựng người ta hút lên bán mỗi năm mang lại lợi tức hàng tỷ đồng. Về mặt môi trường, sông Dinh như hai lá phổi điều hòa nhịp thở. Cá, tôm, chim chóc tồn tại được cũng nhờ vào dòng sông này.
Dòng sông Dinh đoạn chảy qua thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Về cảnh quan, sông Dinh đoạn chảy qua La Gi nhất là khúc sông từ giáp Tân Xuân (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đến đập Đá Dựng có dáng vẻ rất đẹp. Vào những ngày lễ, tết người dân địa phương thường chọn đoạn sông này để vui chơi dã ngoại.
Nét đẹp đặc trưng của dòng sông này là đá, là những bờ tre, hàng cây rủ bóng, là những mảng rù rì mọc xanh giữa mùa khô hạn. Ai đã từng sống với Bình Tuy xưa, với La Gi nay đều ít nhiều có những kỷ niệm khó quên với dòng sông này.
Người ta gọi sông Dinh là con sông gập ghềnh nỗi nhớ. Cũng đúng thôi, bởi dòng sông quê này, mùa khô nước chỉ róc rách chen qua từng lạch đá. Trên dòng sông, nơi nào cũng đá, đá mọc thành bờ dài, đá dựng thành cù lao, đá lô nhô, đá chồng chất.
Tạo hóa lại khéo điểm trên nền đá ấy những mảng rù rì xanh dịu dàng. Rù rì, loài cây tôi cho có sức sống phi thường bậc nhất. Không phi thường sao được, mùa lũ về, dù nước có ngập đến đâu, cây vẫn bám mình trong đá chịu đựng, lũ qua, cây lại vươn mình đứng thẳng. Mùa nắng dù hanh khô đến mấy cây vẫn nảy lộc, đâm chồi.
Cùng với rù rì mọc xanh trên đá, hai bên bờ sông chen lẫn trong rừng tre, cây bụi là những gốc lộc vừng thả bông rực sắc.
Không chỉ vậy, trên dòng sông Dinh còn có đập Đá Dựng, một thắng tích rất đẹp. Ai một thời áo trắng ở Bình Tuy mà không có những kỷ niệm bên bờ Đá Dựng.
Đá Dựng hồi ấy có vườn anh đào, có chùa Một Cột, có tượng sư tử bằng đá, có những chiếc cầu ván cong cong.
Đêm trăng ngồi với Đá Dựng như ngồi giữa vườn cổ tích. Xa xa, dưới ánh trăng, những chiếc xuồng câu bé tí lững lờ trôi theo dòng nước. Rồi tiếng nước róc rách chảy trong trăng, tiếng trăng mơ hồ rơi mong manh trên vườn anh đào. Tất cả tạo nên vẻ đẹp lung linh huyền ảo.
Dù chưa được đầu tư gì, nhưng tự thân dòng sông này từ lâu đã trở thành điểm dã ngoại thu hút rất nhiều người trong những ngày cuối tuần, lễ tết, nhất là với thanh thiếu niên, học sinh, những người dân lao động ở các vùng lân cận.
Có dịp về La Gi những ngày sau tết, bạn sẽ được tận mắt với “thú chơi sông” của người dân nơi đây, trẻ theo đoàn của trẻ, già lập đoàn của già. Xoong, nồi, gà vịt, bánh trái... họ kéo nhau ra sông, nổi lửa mở tiệc khai niên, hát hò bên sông. Một ngày vui, tuy đơn sơ mộc mạc nhưng trên cả tuyệt vời.
Sông Dinh là vậy, gập ghềnh, hoang sơ, lãng mạn và cuốn hút. Ước gì trong tương lai, hai bên bờ Nam và Bắc sông sẽ có 2 tuyến đường nối từ quốc lộ 55, đoạn giáp cầu Láng Gòn về trung tâm thị xã. Lúc ấy chắc rằng La Gi sẽ đẹp vô cùng với dòng sông gập ghềnh giữa lòng phố thị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.