Sống gần thủy điện ở Thuận Châu (Sơn La), người dân chịu khổ nhiều năm ròng

Nhóm PV Tây Bắc Thứ tư, ngày 24/07/2024 14:49 PM (GMT+7)
Nhiều năm qua, người dân bản Nà Nôm, xã Long Hẹ; bản Nà Pa, xã Mường Bám của huyện Thuận Châu (Sơn La) kêu khổ vì mỗi khi mùa mưa lũ đến là thủy điện Nậm Hóa 1 và Nậm Hóa 2 lại xả nước gây ngập hoa màu, ngập nhà dân, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Bình luận 0

Clip: Người dân bản Nà Nôm, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho rằng đập Thủy điện Nậm Hóa 1 (Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện Anpha) gây ngập hoa màu của bà con. 

Dân "tố" thủy điện gây ngập hoa màu, nhà dân

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, chủ đầu tư 2 dự án Thủy điện Nậm Hóa 1, Nậm Hóa 2 là Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện Anpha. Trong đó, dự án Thủy điện Nậm Hóa 1 có công suất lắp máy là 18 MW, khởi công xây dựng vào quý IV/2012, đến nay vẫn chưa vận hành.

Dự án Thủy điện Nậm Hóa 2 có công suất lắp máy là 8 MW, được khởi công xây dựng vào quý I/2011 và đã hoàn thành phát điện từ quý IV/2016 cho đến nay.

Sống gần thủy điện ở Thuận Châu (Sơn La), người dân chịu khổ nhiều năm ròng- Ảnh 1.

Người dân bản Nà Nôm, xã Long Hẹ và bản Nà Pa, xã Mường Bám cho rằng mỗi khi mùa mưa lũ đến, 2 Thủy điện Nậm Hóa 1, Nậm Hóa 2 lại gây ngập nhà cửa và hoa màu. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo phản ánh người dân bản Nà Nôm, xã Long Hẹ - sinh sống phía trên Thủy điện Nậm Hóa 2, từ năm 2019 đến nay, mỗi khi đến mùa mưa lũ đến, nước từ thủy điện lại dâng lên khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân bị ngập trong bùn nước, dẫn đến mất trắng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa được doanh nghiệp hỗ trợ đền bù thiệt hại.

Trao đổi với PV, ông Quàng Văn Thương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nà Nôm, thông tin, bản có 71 hộ thì hơn 50% số hộ có hoa màu phía lòng hồ Thủy điện Nậm Hóa 1 bị ảnh hưởng.

Sống gần thủy điện ở Thuận Châu (Sơn La), người dân chịu khổ nhiều năm ròng- Ảnh 2.

PV Dân Việt trao đổi với người dân bản Nà Nôm tại những thửa ruộng đã bị bùn đất san phẳng. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo ông Thương, khu vực bị ngập là ruộng lúa 2 vụ của các hộ trong bản. "Năm nào cũng thế, cứ cải tạo đất xong rồi trồng lúa là lại bị ngập. Đợt này có 48 hộ có ruộng nước bị ngập và mất trắng với diện tích hơn 3ha. Cuối tháng 6 vừa rồi bà con định kéo ra ngoài thủy điện để tiếp tục kiến nghị nhưng được cán bộ xã tuyên truyền, vận động nên các hộ không kéo ra nữa, mà làm đơn tập thể gửi ra UBND xã Long Hẹ", ông Thương nói.

Trưa ngày 17/7, có mặt tại bản Nà Nôm, theo quan sát của PV, khu sản xuất hàng nghìn mét vuông của người dân đã bị bùn đất san phẳng. Theo chân ông Quàng Văn Thương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nà Nôm lội xuống ruộng, bùn đất cao ngang đầu gối, rất khó di chuyển.

"Thửa ruộng này đã được người dân bỏ công sức ra cấy xong và bón phân chỉ chờ thu hoạch. Tuy nhiên, đợt nước lũ dâng lên ngày 10/7/2024 từ Thủy điện Nậm Hóa 1 đã khiến thửa ruộng này mất trắng", ông Thương bức xúc.

Sống gần thủy điện ở Thuận Châu (Sơn La), người dân chịu khổ nhiều năm ròng- Ảnh 3.

Ruộng người dân bản Nà Nôm ngập trong bùn đất. Ảnh: Tuệ Linh.

Cùng chung bức xúc, già bản Nà Nôm - Quàng Văn Anh bảo, diện tích hoa màu của người dân chỉ bị ngập từ khi đập Thủy điện Nậm Hóa 1 xây dựng. Từ năm 2019 đến nay, diện tích hoa màu bị ngập vẫn chưa được thủy điện hỗ trợ, đền bù. 

"Cuối tháng 5 vừa rồi, diện tích ruộng của gia đình tôi bị ngập, đợi nước rút cải tạo lại đất, trồng mới nhưng đến cuối tháng 6 lại bị ngập hết, mất trắng. Giờ mà bỏ công sức cải tạo lại đất để trồng thì lúa cũng không chín, phải chờ đến tháng 12 làm vụ chiêm xuân", ông Quàng Văn Anh cho biết.

Theo báo cáo của UBND xã Long Hẹ, từ ngày 9/7 đến ngày 11/7/2024, mưa lớn kéo dài, nước lũ to không tràn hết qua cống của đập Thủy điện Nậm Hóa 1, nên nước dâng lên ngập hoa màu hơn 3ha của người dân bản Nà Nôm. Số diện tích hoa màu bị ngập nằm trong cốt ngập của Thủy điện Nậm Hóa 1 đã đo đạc kiểm đếm từ trước nhưng chưa được đền bù hỗ trợ.

Sống gần thủy điện ở Thuận Châu (Sơn La), người dân chịu khổ nhiều năm ròng- Ảnh 4.

Ông Quàng Văn Siểng (áo trắng), Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nà Pa đề nghị các cấp có thẩm quyền yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện Anpha sớm hỗ trợ kinh phí để người dân bản Nà Pa di chuyển lên nơi ở cao hơn. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo phản ánh của người dân bản Nà Pa, xã Mường Bám, mỗi khi vào mùa mưa lũ, Thủy điện Nậm Hóa 2 gây ngập vào nhà của nhiều hộ dân.

Ông Quàng Văn Siểng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nà Pa, cho biết, từ khi xây dựng thủy điện mới gây ngập úng. Nước tràn vào nhà của 8 hộ dân cao, gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tới sinh hoạt. Những năm qua, bản cũng đã kiến nghị song vẫn chưa được giải quyết.

2 Thủy điện Nậm Hóa 1, Nậm Hóa 2 còn nhiều tồn tại, hạn chế

Tại buổi làm việc với PV Dân Việt, lãnh đạo 2 xã Long Hẹ và Mường Bám, thông tin, những kiến nghị, phản ánh của người dân về việc hoa màu và nhà cửa bị ngập do ảnh hưởng từ 2 Thủy điện Nậm Hóa 1, Nậm Hóa 2 là có cơ sở.

Sống gần thủy điện ở Thuận Châu (Sơn La), người dân chịu khổ nhiều năm ròng- Ảnh 5.

Nhà bà Lò Thị Tươi (áo vàng), bản Nà Pa thời điểm nước ngập và lúc làm việc với PV sau khi nước rút. Ảnh: Tuệ Linh.

Đối với những phản ánh của người dân bản Nà Nôm, đại diện lãnh đạo UBND xã Long Hẹ cho biết, xã đã có văn bản, kiến nghị gửi UBND huyện Thuận Châu để báo cáo tình hình, thống kê thiệt hại về hoa màu. Đồng thời, làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Anpha để xem xét kiến nghị của người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Về ý kiến Thủy điện Nậm Hóa 1 tích nước gây ngập 8 hộ dân bản Nà Pa, theo lãnh đạo xã Mường Bám, UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Thuận Châu.

Theo đó, tại Báo cáo số 135/BC-UBND ngày 16/7/2024 gửi UBND huyện Thuận Châu, đại diện phía Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Anpha cho rằng các hộ bị ảnh hưởng nhà ở đề nghị hỗ trợ di chuyển tái định cư nằm ngoài mốc giải phóng mặt bằng của thủy điện, nằm trong khu vực hành lang bảo vệ nên không có cơ sở đền bù, chỉ hỗ trợ khắc phục từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/hộ.

Tuy nhiên, với số tiền trên là quá ít ỏi. Vì vậy, UBND xã Mường Bám đề nghị việc hỗ trợ ít nhất mỗi hộ phải 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng để di dời khẩn cấp thiên tai. Riêng hộ gia đình ông Lò Văn En tại bản Pá Chóng đề nghị đền bù theo quy định cho hộ di dời khỏi vùng lòng hồ để bảo đảm an toàn.

Sống gần thủy điện ở Thuận Châu (Sơn La), người dân chịu khổ nhiều năm ròng- Ảnh 6.

Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Anpha chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, chưa triển khai thi công xong hạ tầng tại điểm tái định cư bản Căm Cặn, xã Mường Bám. Ảnh tư liệu: Tuệ Linh.

Cùng với đó, phía thủy điện cam kết việc vận hành nhà máy phải bảo đảm không để tình trạng thường xuyên bị ngập như các ngày tích nước vừa qua.

Trao đổi với PV, ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết, UBND huyện đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi cho tỉnh Sơn La và những sở, ngành liên quan để tìm hướng giải quyết theo đúng quy định trước những ý kiến phản ánh của người dân.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 12/6/2024, Đoàn kiểm tra, gồm lãnh đạo: Sở Công Thương, UBND huyện Thuận Châu, UBND xã Mường Bám và Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện Anpha đã tiến hành kiểm tra về việc chấp hành các quy định pháp luật tại dự án Thủy điện Nậm Hóa 2, xã Mường Bám.

Tham gia ý kiến vào biên bản kiểm tra, UBND huyện Thuận Châu đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện Anpha thực hiện bồi thường hỗ trợ đối với 8 hộ dân bản Nà Pa và 1 hộ dân bản Pá Chống bị ngập ngày 1/10/2023.

Sống gần thủy điện ở Thuận Châu (Sơn La), người dân chịu khổ nhiều năm ròng- Ảnh 7.

Cụ thể: Người dân bản Căm Cặn chưa được đầu tư nước sinh hoạt, đường giao thông đến điểm, giao thông nội bộ, nhà văn hóa... Ảnh tư liệu: Tuệ Linh.

Mới đây nhất, ngày 27/6/2024, UBND huyện Thuận Châu đã có Báo cáo số 703/BC-UBND gửi Sở Công Thương tỉnh Sơn La về kết quả kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của chủ đầu tư về quản lý an toàn đập, hồ chứa và vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn huyện Thuận Châu.

Trong báo cáo đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế của Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Anpha cần phải khắc phục. Cụ thể:

Mặc dù đã đi vào vận hành từ năm 2016, tuy nhiên đến nay, Thủy điện Nậm Hóa 2 chưa thực hiện trình UBND huyện Thuận Châu phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập. Các nội dung của phương án bảo vệ đập Thủy điện Nậm Hóa 2 theo Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 12/4/2017 của UBND tỉnh Sơn La không còn phù hợp với quy định theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP và Thông tư số 09/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Chưa có hệ thống giám sát vận hành công trình bằng camera. Chưa xuất trình được quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình. Chưa chấp hành đầy đủ theo Công văn số 1571/SCT-QLNL ngày 25/9/2023 của Sở Công Thương về việc đôn đốc khắc phục tồn tại tại công trình Thủy điện Nậm Hóa 2.

Thủy điện Nậm Hóa 1 chưa lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động hạ du, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa. Chưa thống nhất với UBND huyện, UBND các xã trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ vùng hạ du.

Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Anpha chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, chưa triển khai thi công xong hạ tầng tại điểm tái định cư bản Căm Cặn, xã Mường Bám (nước sinh hoạt, đường giao thông đến điểm, giao thông nội bộ, nhà văn hóa). Tồn tại này đã được Báo Dân Việt phán ánh trước đó ngày 7/9/2021.

Với một loạt những tồn tại, vi phạm kéo dài trong nhiều năm qua, đề nghị UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND huyện Thuận Châu vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm nhưng vi phạm của Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Anpha. Đồng thời, sớm có giải pháp để ổn định đời sống dân cư đang bị ảnh hưởng bởi 2 dự án Thủy điện Nậm Hóa 1 và Nậm Hóa 2.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem