Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bà Nguyễn Thị Như Loan – “bà chủ” Quốc Cường Gia Lai
Thuộc cùng thế hệ với tỷ phú USD Trần Bá Dương, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) và cũng chính là mẹ của ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) là một ví dụ điển hình.
Sinh năm Canh Tý 1960, nguyên quán Phú Yên. Không có bằng đại học, từ hai bàn tay trắng song bà Nguyễn Thị Như Loan là người thành lập và điều hành Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG). “Nữ đại gia” Nguyễn Thị Như Loan - mẹ của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường có một cơ ngơi đồ sộ, một gia sản khổng lồ từ những năm 80. Cùng với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), một thời, bà Loan là một trong hai chủ buôn gỗ lớn nhất ở tỉnh Gia Lai.
Bà Nguyễn Thị Như Loan
Năm 2011, bà Nguyễn Thị Như Loan được bình chọn là một trong số 100 người được vinh danh nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu và nhận cúp Bông hồng vàng. Bà Loan từng đứng trong top 15 người giàu nhất, top 50 người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam các năm 2010, 2011 nhờ nắm trong tay hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn...
Tham gia kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng chủ yếu bà Loan vẫn làm giàu nhờ bất động sản. Bà đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản và tích lũy được khối tài sản kếch sù.
Mặc dù vậy, không phải lúc nào sự nghiệp của nữ doanh nhân này cũng thuận buồm xuôi gió. Việc kinh doanh nhà đất gặp nhiều khó khăn, công ty của bà nhiều lần phải báo lỗ. Cũng chính vì vậy, trong thời gian vừa qua đặ biệt là năm 2019, doanh nghiệp địa ốc do bà Loan làm chủ liên tục phải bán tài sản, chuyển nhượng vốn, giải thể công ty con. Bà Loan thậm chí còn cho biết rằng bản thân phải cầm cố hết nhà, xe, vét hết tiền của gia đình và vay bạn bè tiền cho doanh nghiệp hoạt động.
Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản công ty đạt 10.757 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Chiếm tỷ trọng lớn có hàng tồn kho với 7.848 tỷ đồng, tăng 4% và chiếm 73% tổng tài sản. Tại thời điểm này, công ty vẫn đang ghi nhận khoản phải thu dài hạn tại 2 dự án Tân Phong và Khu dân cư Phước Kiển trị giá 74 tỷ đồng và 67 tỷ đồng. Ngược lại, khoản nợ gần 2.883 tỷ đồng của Quốc Cường Gia Lai phải trả cho Công ty Sunny Island vẫn treo lơ lửng trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan.
Kinh doanh ảm đạm, thị trường chứng khoán và bất động sản đi xuống làm tài sản của bà Loan “bốc hơi” đáng kể. Người phụ nữ Canh Tý này phải chấp nhận nhìn khối tài sản khổng lồ của mình không ngừng sụt giảm theo thời gian. Hiện tại, bà Nguyễn Thị Như Loan đứng 136 trong Top người giàu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trị giá 387 tỷ đồng.
Shark Hưng - cá mập thâm niên tại Shark Tank Việt Nam
Thế hệ doanh nhân sinh năm 1972 (Nhâm Tý) cũng có những cái tên đáng chú ý như Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc Novaland Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Đầu tư BVG Trần Anh Vương…Tuy nhiên, tên tuổi của ông Phạm Thanh Hưng lại nổi bật hơn cả bởi những “ồn ào” trong năm 2019 của vị doanh nhân Nhâm Tý.
Shark Hưng (bên phải) gặp vận đen "tai tiếng" trong năm 2019
Ông Phạm Thanh Hưng hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch CTCP Ceninvest, đồng thời là Phó chủ tịch Cengroup.
Kể từ khi lần đầu xuất hiện tại Thương vụ bạc tỷ với tư cách nhà đầu tư chiến lược, ông Phạm Thanh Hưng dần được biết đến với cái tên "Shark Hưng". Trong khuôn khổ chương trình, Shark Hưng nhiều lần được nhắc đến như là một "Bách khoa toàn thư" của chương trình khi có sự hiểu biết nhất định trên nhiều lĩnh vực, từ thủy khí động lực học, toán học, vật lí, công nghệ tới luật.
Sau 16 tập phát sóng, ông Phạm Thanh Hưng đã có tổng số vốn cam kết đầu tư lên tới 85,43 tỷ đồng, chỉ xếp sau ông Nguyễn Thanh Việt với 188,3 tỷ đồng.
Năm 2019, ông Hưng tiếp tục xuất hiện thêm ở một gameshow khác với tên gọi "Cơ hội cho ai". Chương trình là nơi để các nhà tuyển dụng có cơ hội gặp gỡ với các ưng viên tiềm năng. Tại chương trình, ông cũng đã có những chia sẻ thực tế cho các bạn trẻ về tuyển dụng cũng như kinh doanh.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như trong năm 2019 vừa qua, không xuất hiện những thông tin cho rằng BBI Mall đang huy động vốn theo mô hình đa cấp và không phù hợp với qui định pháp luật. Không những thế, công ty này tiếp tục sử dụng hình anh ông Phạm Thanh Hưng ở các chiến dịch truyền thông của mình.
Trước đó, vào tháng 3/2019, ông Phạm Thanh Hưng đã xuất hiện trong buổi lễ kí kết hợp tác của BBI Mall, một công ty thành lập năm 2017 với ngành nghề đăng kí chính là Thiết lập mạng xã hội, Sàn giao dịch điện tử (không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tiếp). Ông Hưng đóng vai trò cố vấn cao cấp của BBI Mall.
Giải đáp vấn đề này, phía ông Hưng khẳng định mình đã thoái vốn tại BBI Mall và không còn bất cứ liên quan gì tới công ty này nữa. Lời khẳng định này xuất hiện chỉ nửa năm sau khi Shark Hưng đóng vai trò cố cấn cao cấp của BBI Mall. Mặc dù đã lên tiếng phản hồi về vụ việc song hình ảnh của Shark Hưng phần nào cũng đã bị ảnh hưởng.
Ông Chủ nước sạch Sông Đà – đại gia thâu tóm nhiều thương vụ nghìn tỷ
Bất ngờ nổi lên sau thương vụ thâu tóm Tổng công ty Gelex, ngồi ghế Tổng giám đốc vào tháng 9/2016 và trở thành tân Chủ tịch vào tháng 1/2018, ông Nguyễn Văn Tuấn – doanh nhân sinh năm 1984 (Giáp Tý) được biết đến là một doanh nhân có lý lịch khủng.
Trong năm 2019, vụ bê bối nước sông Đà nhiễm dầu thải khiến hàng vạn dân Hà Nội lâm cảnh mất nước đã khiến tên tuổi của ông Tuấn được nhắc đến nhiều hơn. Bởi đơn vị cung cấp nước sạch cho hàng nghìn người dân thủ đô trong sự việc này là Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Và cổ đông chi phối Viwasupco chính là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Công ty con của Gelex) của ông Nguyễn Văn Tuấn.
Tên tuổi của ông chủ 8X Nguyễn Văn Tuấn nổi "như cồn" sau vụ nước sạch nhiễm dầu
Được biết, ông Nguyễn Văn Tuấn, lần đầu tiên giữ chức vụ cao tại các doanh nghiệp vào năm 2013 khi được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT của Fecon. Sau đó, ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ khác như Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD; Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV thiết bị điện; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dây cáp điện Việt Nam (CAV).
Năm 2016, ông được bầu làm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX). Tháng 1/2018, ông được bầu kiêm nhiệm thêm chức danh Chủ tịch HĐQT Gelex.
Vào tháng 6/2019, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) đã nhất trí bầu ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024.
Được biết, mẹ của ông Tuấn là bà Đào Thị Lơ – người đang sở hữu 23% cổ phần trong Công ty TNHH Thiết bị và Xây lắp Huy Hoàng.
Công ty này có vốn điều lệ 952 tỷ đồng, trụ sở chính tại thành phố Thái Nguyên. Đáng chú ý, Công ty Huy Hoàng lại là chủ sở hữu của GEX và hiện đang là cổ đông lớn nhất của GEX với tỷ lệ 23,14%.
Ngoài ra, vợ của ông Tuấn là bà Dương Thị Hồng Hạnh cũng sở hữu 51% Công ty Huy Hoàng.
Như vậy, 2 người phụ nữ quyền lực trong gia đình của ông Nguyễn Văn Tuấn đều đang nắm quyền chi phối công ty là cổ đông lớn nhất của Gelex.
Điều này có thể giải thích cho việc ngày 1/8/2016, Gelex đã tổ chức ĐHCĐ bất thường bầu bổ sung ông Tuấn làm thành viên Hội đồng quản trị rồi làm Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật và sau đó là Chủ tịch HĐQT của Gelex.
Không chỉ là một doanh nhân trẻ đang chèo lái những doanh nghiệp nghìn tỷ, ông Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là chủ sở hữu của khối tài sản khủng, nhiều bất động sản tọa lạc đất vàng của Hà Nội như dự án xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng cho thuê Gelex Tower - 52 Lê Đại Hành với diện tích đất 1.937m2; nắm lượng lớn cổ phần ở khách sạn Melia Hà Nội; sở hữu khách sạn Bình Minh - số 10 Trần Nguyên Hãn và đang hoàn tất thủ tục xây dựng tổ hợp khách sạn - dịch vụ thương mại - văn phòng cho thuê tại đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.