“Sống khỏe” nhờ thỏa ước lao động tập thể

Nguyệt Tạ Thứ tư, ngày 17/07/2019 14:55 PM (GMT+7)
Nhờ có thỏa ước lao động tập thể, giờ đây nhiều công nhân được đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định, còn các doanh nghiệp cũng ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bình luận 0

Lao động phấn khởi

Chị Trần Thị Thu (37 tuổi) đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm nghề may. Hiện chị Thu làm công nhân của Công ty Y&I Hưng Yên. Chị Thu cho biết, công ty nơi chị làm việc luôn quan tâm tới đời sống công nhân lao động. Ngoài chế độ lương, thưởng, công ty còn quan tâm tới các chế độ phúc lợi khác cho lao động. Công ty đang trả lương chuyên môn, cộng với phụ cấp trách nhiệm (tổ trưởng) cho chị Thu là 14 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương, chị Thu còn có tháng lương thứ 13 (thưởng Tết) và tiền phụ cấp chế độ cho lao động nữ hàng tháng; tiền đi du lịch, nghỉ dưỡng năm... Đây thực sự là công việc với chế độ phúc lợi khiến nhiều lao động mơ ước.

img

img

  Đại diện doanh nghiệp và người lao động của 5 công ty ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp ngành may huyện Văn Lâm, Hưng Yên, ngày 14/7/2019.  THU HẰNG

Khi tham gia thỏa ước lao động tập thể, DN phải cam kết thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về vấn đề Luật Lao động, công đoàn, các quy định thỏa ước lao động. Đồng thời, phải tôn trọng người lao động, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; không sử dụng biện pháp cạnh tranh không phù hợp; tạo điều kiện cho lao động học tập, nâng cao tay nghề... Ngược lại, người lao động cũng có quyền và nghĩa vụ.

“Trước đây, tôi từng làm qua một số công ty may nhỏ, tuy nhiên, công ty không đóng BHXH, lương thưởng phập phù nhiều tháng liền, nợ tiền lương nên tôi nghỉ việc. Tuy nhiên, từ ngày chuyển sang Công ty Y&I, công việc của tôi thuận lợi, mọi chế độ được được công ty cam kết thực hiện” - chị Thu nói.

Nhờ được chăm lo, mà giờ đây, chị Thu cùng hàng trăm lao động tại công ty luôn yên tâm sản xuất. Đặc biệt, kể từ cuối năm 2018, Công ty Y&I cùng 5 công ty may mặc trên địa bàn huyện Văn Lâm Hưng (Hưng Yên) ký kết thỏa ước lao động tập thể, tình trạng nhộn nhạo trong lao động nơi đây đã không còn, công việc cho lao động được đảm bảo, đời sống công nhân được ổn định.

Cùng chung niềm phấn khởi, lao động Nguyễn Thành Anh (Công ty may Việt Phát ở Văn Lâm, Hưng Yên) ủng hộ việc công ty trên địa bàn ký thỏa ước lao động theo nhóm với người lao động, mà đại diện là công đoàn cơ sở tại địa phương. Theo anh Thành Anh, việc tham gia thỏa ước này, sẽ giúp lao động như anh được hưởng quyền lợi cơ bản, ít nhất là ở mức sàn về tiền lương, thưởng, tiền ăn ca..., như những lao động khác ở các công ty khác.

Doanh nghiệp yên tâm sản xuất

Ông Nguyễn Đình Tùy - Chủ tịch Công ty TNHH May Việt Phát cho biết, nhờ việc công ty ký kết thỏa ước lao động theo nhóm (giữa các công ty may với nhau), mà quyền lợi chế độ của lao động được đảm bảo, không còn tình cảnh “đứng núi này, trông núi nọ” và nhảy việc khiến các doanh nghiệp phải chật vật tuyển dụng mỗi dịp đầu năm như trước. Điều này góp phần quan trọng vào việc giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh.

“Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể theo nhóm góp phần hạn chế tình trạng lao động trong khu “đứng núi này, trông núi nọ”, nhảy việc. Đặc biệt, nhờ có thỏa ước mà các công ty trên địa bàn hoạt động trong cùng lĩnh vực làm ăn minh bạch, không được chào hàng giá thấp dưới mức quy định, hay được tung chiêu quảng cáo, cạnh tranh không lành mạnh để lôi kéo người lao động đang làm việc ở công ty khác sang công ty mình...” - ông Tùy nói.

Bản thân ông Tùy và nhiều lãnh đạo các công ty khác đều cho rằng, việc ký thỏa ước lao động tập thể theo nhóm cần được thúc đẩy. “Tuy nhiên, theo tôi, để thực hiện tốt, các cơ quan quản lý tại địa phương, cần tăng cường giám sát thực hiện thỏa ước giữa các công ty, người lao động để tránh trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, hoặc người lao động ký thỏa ước rồi nhưng không thực hiện gây tổn hại cho doanh nghiệp” - ông Tùy nói.

Ông Lê Xuân Thành - Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, không riêng gì ngành may mặc, nhiều ngành như ngành thủy sản, du lịch, dịch vụ... cũng có những buổi thảo luận đàm phán để ký kết các văn bản thỏa ước lao động tập thể theo nhóm. Điều này góp phần tích cực ổn định thị trường lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống cho chính người lao động và tạo sự phát triển cho doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh ngành dệt may sử dụng nhiều lao động, nếu không ký kết thỏa ước lao động tập thể thì rất khó để các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, người lao động cũng không được đảm bảo việc làm, điều này sẽ gây bất ổn cho thị trường lao động” - ông Thành nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem