“Đóng băng” mọi tài sản
Được quy hoạch trên diện tích 5.000ha, dự án cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành được đánh giá là dự án sân bay lớn nhất cả nước và khi đi vào hoạt động, sân bay này sẽ thay thế cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Theo kế hoạch, việc xây dựng sân bay Long Thành được triển khai theo 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2015 – 2020) sẽ xây dựng các hạng mục như 2 đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn đạt tiêu chuẩn, 34 vị trí đậu máy bay gần, 25 vị trí đậu xa, 1 vị trí đậu cách ly, 3 vị trí đậu cho tàu bay chuyên cơ, 5 vị trí đậu ga hàng hóa, một nhà ga hành khách có công suất 25 triệu khách/năm và hàng hóa là 1,2 triệu tấn/năm. Xây dựng đài kiểm soát không lưu và các công trình phụ trợ… Vốn đầu tư cho giai đoạn này khoảng trên 7,837 tỷ USD (165.000 tỷ đồng).
Vì không được xây mới nên các hộ dân trong vùng quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành phải sống trong những ngôi nhà xập xệ, xuống cấp.
Theo quy hoạch, giai đoạn 1 của dự án này sẽ tiến hành giải tỏa 1.100 hộ dân trong tổng số 4.541 hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang phải chờ Quốc hội đồng ý về mặt chủ trương. Trong khi đó, cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch rơi vào cảnh khó khăn. Bà Phan Thị Lành (65 tuổi), ngụ ấp 2, xã Suối Trầu (huyện Long Thành) cho biết, khi dự án sân bay Long Thành được hình thành cũng là lúc đất đai, nhà cửa và nhiều tài sản khác bị “đóng băng”.
Nhà cửa gia đình bà xây dựng từ gần 40 năm trước, đã xuống cấp trầm trọng nhưng chỉ được sửa chữa trong chừng mực nào đó vì không được cấp phép xây mới. Bà Lành phản ánh: “Nhà hư hỏng, thủng mái thì chỉ được thay hoặc vá tấm lợp. Vách tường bong tróc cũng không được đập bỏ mà chỉ được dùng vôi vữa để gia cố. Khu vực sân hoặc đường vào nhà không được xây dựng nên mỗi khi mưa gió là bùn nước như đầm lầy”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc (57 tuổi) ngụ xã Cẩm Đường (Long Thành) cho hay, gia đình bà có khoảng 1ha điều đã già cỗi nhưng bà không dám chặt bỏ để tái sản xuất. Bà Ngọc lý giải: Trồng mới cây điều thì phải mất ít nhất 3 - 5 năm mới có thể thu hoạch và nếu dự án di dời diễn ra vào khoảng thời gian cây chưa cho quả sẽ gây thiệt hại về kinh tế. Bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư sẽ không thể thu hồi, hơn nữa mức đền bù đối với cây non cũng thấp hơn so với cây già. “Hiện tại, cây nào chết thì chúng tôi chặt bỏ rồi trồng thay vào đó cây mới. Năng suất ngày càng kém nhưng tôi không dám đầu tư sản xuất toàn bộ” – bà Ngọc cho biết.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được hình thành cũng là lúc cuộc sống người dân bị “bó buộc” trong hàng loạt những quy định của luật pháp. Họ không được làm các thủ tục tách hộ khẩu, tách sổ đỏ, không được bán nhà, bán đất… Ông Hoàng Văn Thành (60 tuổi) phân trần: Gia đình ông có 2 người con đã lập gia đình nhưng vẫn phải đứng chung sổ hộ khẩu với bố mẹ. Hơn nữa, ông muốn tách một phần đất của mình để chia cho 2 người con nhưng không được chấp nhận vì dự án sân bay bắt buộc “đóng băng” hiện trạng ban đầu.
Dân “khát” dự án
Trước sự việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, người dân trong vùng quy hoạch tỏ quan điểm tán thành và khát khao dự án sớm được triển khai. Ông Hoàng Văn Thành thổ lộ: “Sân bay được xây dựng sẽ giúp những người dân trong vùng dự án như chúng tôi thoát khỏi khó khăn, sớm có điều kiện ổn định cuộc sống.
Mặt khác, khi sân bay đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, giúp người dân chúng tôi có điều kiện làm giàu”. Cũng theo ông Thành, trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương nhiều năm gần đây, người dân liên tục kiến nghị việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, xây dựng sân bay.
Tại cuộc họp vào ngày 14.10 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả điều tra, khảo sát đối với người dân bị ảnh hưởng của dự án sân bay Long Thành. Theo đó, có đến 99,9% số hộ dân đồng tình ủng hộ chủ trương thực hiện dự án và chỉ 25 hộ dân không đồng ý. Đây là con số nằm ngoài dự đoán và thể hiện sự khát khao của người dân đối với việc thực hiện cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam này.
Ông Dương Văn Hoàng- Phó Chủ tịch UBND xã Suối Trầu (Long Thành, Đồng Nai) cho biết: “Xã Suối Trầu có tổng diện tích 1.488ha, trong đó diện tích “dính” dự án sân bay khoảng gần 1.358ha. Nhiều năm nay, dự án sân bay chưa được triển khai đã đẩy cuộc sống người dân vào khó khăn, tình hình phát triển kinh tế của địa phương cũng bị ảnh hưởng.
Do vậy, người dân luôn mong ngóng, chờ đợi dự án được phê duyệt để thoát khỏi khó khăn và có điều kiện xây dựng, phát triển kinh tế. Người dân đã đồng thuận với dự án và đã sẵn sàng di dời để nhường mặt bằng cho sân bay”. Cũng theo ông Hoàng, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia ra làm 3 giai đoạn, thực hiện trong nhiều năm nên người dân mong muốn được đền bù, giải tỏa một lần.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) ra đời năm 2002. Theo quy hoạch, có ít nhất 4.541 hộ dân với 14.462 nhân khẩu thuộc 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước (huyện Long Thành) phải giải tỏa để nhường mặt bằng cho dự án. Đã nhiều năm trôi qua, dự án này vẫn chưa được thực hiện khiến hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.