Hiện nay, trên toàn lưu vực sông có 45.500 cơ sở sản xuất kinh doanh, 19 khu công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp và hơn 450 làng nghề, đó là chưa kể hơn 10 triệu dân của 5 tỉnh.
|
Một cửa cống xả nước thải ra sông Nhuệ. |
Trong tổng lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường cho sông Nhuệ - Đáy thì Hà Nội đứng đầu với lượng chất thải chiếm 48,8%, riêng lượng thải công nghiệp lớn nhất chiếm 76%.
Mỗi ngày, sông Nhuệ-Đáy phải nhận hơn 2,5 triệu m3 nước thải, trong đó nước thải từ sản xuất nông nghiệp 610.000m3; nước thải từ sản xuất công nghiệp 630.000m3; nước thải sinh hoạt 15.500m3.
(Theo Trung tâm Quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường)
Hiện nay, chất lượng nước trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có nhiều đoạn bị ô nhiễm tới mức báo động, vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần.
Mẫu nước sông Nhuệ lấy tại cầu Hà Đông qua phân tích cho thấy, hàm lượng ôxy hoà tan có trong nước thấp hơn quy chuẩn tới 7 lần, hàm lượng chất hữu cơ vượt tiêu chuẩn 10 lần, NH4 vượt quy chuẩn 35,6 lần…
Theo tổng kết của Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy trong thời gian qua, đoàn thanh tra, kiểm tra 33 cơ sở và 23 KCN trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố, vẫn còn 3 KCN chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 11 KCN không thực hiện việc giám sát môi trường theo quy định; 4 KCN thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nội dung trong báo cáo tác động môi trường.
Nhiều cơ sở sản xuất xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép… Theo ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, nguyên nhân dẫn tới công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy còn chưa hiệu quả là do bộ máy tổ chức của Uỷ ban chưa hoàn thiện, việc lập dự án đề án bảo vệ môi trường trên lưu vực sông còn chậm triển khai.
Công tác thanh tra, kiểm tra mới chỉ dừng ở xử phạt mà chưa yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp vi phạm có biện pháp khắc phục. Chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...
Nguyễn Hữu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.