Sông Tô Lịch: "Dải lụa đen" giữa lòng Hà Nội, bao giờ mới được hồi sinh? (bài 1)

Gia Khiêm - Việt Phương Thứ ba, ngày 28/05/2024 13:04 PM (GMT+7)
Từng là một dòng sông thơ mộng, giàu tôm cá, nhưng giờ đây sông Tô Lịch đã trở thành "dòng sông chết", ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống người dân ven sông suốt nhiều năm qua, làm mất mỹ quan đô thị.
Bình luận 0

Ô nhiễm sông Tô Lịch: "Dải lụa đen" giữa lòng Hà Nội, bao giờ mới được hồi sinh?

Lời tòa soạn: Dòng sông Tô Lịch thơ mộng ngày nào, từng là nơi cung cấp cá, tôm cho bữa ăn hàng ngày của người dân ven sông, giờ đây chỉ còn là một "dòng sông chết". Hiện tại, Tô Lịch như một "dải lụa đen" giữa lòng thủ đô Hà Nội vì ô nhiễm nặng nề. Ba thập kỷ trôi qua, vô số nỗ lực cứu vớt dòng sông này đã được triển khai, từ những giải pháp công nghệ cao quốc tế đến những phương pháp thủ công đơn giản, nhưng tất cả đều thất bại trước "căn bệnh" ô nhiễm trầm kha.

Ven sông Tô Lịch, người dân đang phải sống trong sự "ám ảnh" kinh hoàng suốt những năm tháng qua. Hàng ngày, họ gánh chịu mùi hôi thối bốc lên từ dòng nước đen ngòm với vô số rác thải trôi nổi. Nỗi lo thường trực về sức khỏe đã trở thành một "khối u" không thể tách rời của cuộc sống nơi đây. Việc cải tạo sông Tô Lịch thoát khỏi cảnh ô nhiễm hiện nay mang ý nghĩa lớn lao cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa.

Gần đây nhất, vào tháng 6/2023, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ngành và chuyên gia xây dựng đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô, trong đó tập trung vào sông Tô Lịch. Liệu dự án xử lý nước thải 800 triệu USD sắp được đưa vào hoạt động có phải là "phép màu" giúp hồi sinh dòng sông này?

Loạt bài "Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp 'dải lụa đen' hồi sinh?" trên báo Điện tử Dân Việt sẽ đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm dai dẳng này, đồng thời tìm kiếm lời giải cho bài toán nan giải đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp "dải lụa đen" hồi sinh? (bài 1) - Ảnh 1.

Cống nước thải miệng đen ngòm bên cạnh lòng sông cạn trơ bùn đất. Ảnh: Việt Phương.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Từ nơi cá, tôm tung tăng biến thành "dòng sông chết"

Nắng nóng như thiêu đốt của tháng 5 Hà Nội càng trở nên ngột ngạt hơn bởi những cơn mưa bất chợt. Hơi nước bốc lên từ dòng sông Tô Lịch mang theo mùi hôi thối nồng nặc, khiến người dân sống dọc hai bên bờ sông như muốn ngạt thở.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp "dải lụa đen" hồi sinh? (bài 1) - Ảnh 2.

Ở tuổi 93, bà Nguyễn Thị Nhật là "nhân chứng sống" đối với sự đổi thay của sông Tô Lịch. Ảnh: Gia Khiêm.

Bà Nguyễn Thị Nhật, 93 tuổi, sống ở phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, chỉ còn biết vội vã đóng cửa trốn trong nhà mỗi khi "cơn ác mộng" này ập đến. Cạnh đó, quán trà đá của bà Nguyễn Thị Điểm, 83 tuổi, cũng phải tạm dừng hoạt động vì không một vị khách nào chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức về một dòng sông Tô Lịch thơ mộng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí hai bà lão. Trước những năm 1990, dòng sông này nước trong veo, cá tôm đầy ắp. "Con trai tôi ngày ấy còn ra sông bắt được cả chậu tôm. Dân làng mang quần áo ra đây giặt giũ, thậm chí còn dẫn nước sông về lọc để tắm rửa, ăn uống", bà Nhật nhớ lại.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp "dải lụa đen" hồi sinh? (bài 1) - Ảnh 3.

Sông Tô Lịch từ lâu đã là nơi tập kết rác thải dân sinh "bất thành văn". Ảnh: Gia Khiêm.

Thế nhưng, sự phát triển đô thị chóng mặt đã biến dòng sông thơ mộng thành "dòng sông chết". "Hàng trăm, hàng nghìn ống xả thải đổ thẳng ra sông, khiến không một sinh vật nào có thể tồn tại. Đô thị hóa đi kèm với ô nhiễm, đó là cái giá quá đắt mà chúng tôi phải trả", bà Nhật chua xót nói.

Theo bà Nhật, không khí ngột ngạt, bí bách khó chịu nhất là vào những ngày thời tiết đang nắng gắt bất ngờ xảy ra mưa lất phất khiến mùi hôi thối dưới sông xộc lên nồng nặc.

"Những lúc như thế là cơn ác mộng đối với người dân sinh sống dọc sông Tô Lịch như chúng tôi. Khổ lắm nhưng cuộc sống vẫn phải ở và không biết kêu ai. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chính quyền, bộ ngành, chính phủ quan tâm hơn nữa việc cải tạo, làm sạch con sông này", bà Nhật giãi bày.

Dòng sông Tô Lịch gắn bó với bà Điểm từ thuở ấu thơ. Bà còn nhớ những ngày xưa, khi nước sông còn sâu, bà cùng đám bạn nô đùa trên bờ rồi trượt chân ngã xuống, suýt nữa thì chết đuối. Sau lần đó, bà bị cha mẹ mắng cho một trận nên thân và cấm không được bén mảng đến gần sông nữa.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp "dải lụa đen" hồi sinh? (bài 1) - Ảnh 4.

Bà Điềm thở dài khi hoài niệm về một thời tươi đẹp của sông Tô Lịch. Ảnh: Gia Khiêm.

"Dòng sông Tô Lịch ngày ấy đẹp lắm, thơ mộng lắm", bà Điểm trầm ngâm nhớ lại. "Ngày hội làng Láng, mọi người còn lội qua sông để sang bên kia. Hai đứa con trai của tôi cũng tập bơi ở chính dòng sông này. Ngày ấy, rau muống mọc xanh um hai bên bờ, thậm chí còn mọc cả dưới nước thành từng bè lớn. Rau muống sông Tô Lịch nổi tiếng ngon, sạch, mang ra chợ khách tranh nhau mua".

Sau khi nghỉ hưu, bà Điểm mở quán trà đá ngay trước cửa nhà để kiếm thêm thu nhập. Những ngày đông hay trời nắng ráo thì đỡ, nhưng cứ mưa xuống hay trở trời là đủ thứ mùi hôi thối từ sông bốc lên, khiến bà Điểm không thể thở nổi.

"Tôi ở đây quen rồi mà còn không chịu được, nhiều hôm đau đầu, buồn nôn,... huống hồ gì khách. Mùi kinh khủng như thế thì ai mà dám ngồi uống nước. Khách có ngồi được cũng chỉ được một lát là đứng dậy bỏ đi. May mà dạo này công nhân vẫn ngày ngày vớt rác bằng tay để giảm bớt ô nhiễm, chứ không thì còn khổ hơn nữa", bà Điểm thở dài.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Kinh doanh mất khách và nỗi lo bệnh tật

Bên dòng sông Tô Lịch đen ngòm, bà Nguyễn Thị Minh Hằng, 60 tuổi, đang tất bật rửa rau chuẩn bị mở quán. Bàn tay bà thoăn thoắt nhặt từng cọng rau, nhưng đôi mắt lại chất chứa nỗi buồn và sự bất lực. Đã hàng chục năm nay, bà Hằng gắn bó với mảnh đất này, chứng kiến sự biến đổi tàn nhẫn của dòng sông từ một "nàng thơ" xanh biếc thành một "quái vật" ô nhiễm.

"15 năm trước, sông Tô Lịch vẫn còn hiền hòa lắm. Giờ thì...", bà Hằng bỏ lửng câu nói, ánh mắt hướng về dòng nước đen kịt, có nhiều rác thải: "Sinh sống, buôn bán ở đây, ai cũng muốn sạch sẽ, đặc biệt khi bán hàng tôi luôn phải duy trì không gian nhưng biết làm sao được. Nước giếng khoan ô nhiễm đến mức rửa rau còn ăn da tay, có ngày phải xả nước máy rửa đi rửa lại mấy lần mới dám dùng. Khách đến quán cũng ít dần vì không chịu nổi mùi hôi thối".

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp "dải lụa đen" hồi sinh? (bài 1) - Ảnh 5.

Theo bà Hằng, dòng sông ô nhiễm cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Việt Phương.

Bà Hằng kể, từ khi 8 tuổi đã theo chân cha mẹ về đây ngay sát sông Tô Lịch sinh sống. Hồi đó, bà nhớ cỏ mọc hai bên bờ sông Tô Lịch hiền hoà, xanh biếc. Tuy nhiên, khoảng 15 -17 năm trở lại đây, dòng sông này ngày một ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh, buôn bán. Những ngày nắng nóng mùi hôi bốc lên khó chịu, khách vắng trông thấy.

"Là chủ nhưng tôi không khác gì nhân viên, cái gì cũng muốn tự tay làm cho sạch sẽ. Môi trường xung quanh không sạch nên đòi hỏi mình phải luôn dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp. Mỗi tối sau khi bán hàng xong, tôi đều phải thau rửa sạch sẽ để có khách chứ ở gần sông đã ô nhiễm mình lại không làm sạch sẽ khách ai dám tới", bà Hằng tâm sự.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp "dải lụa đen" hồi sinh? (bài 1) - Ảnh 6.

Nỗ lực khơi thông dòng chảy, nạo vét bùn, rác thải trên một đoạn sông Tô Lịch vào những ngày cuối tháng 5/2024. Ảnh: Việt Phương.

Kỳ vọng hệ thống cống gom nước thải cùng Nhà máy Yên Xá sớm đưa vào hoạt động để hồi sinh sông Tô Lịch là mong mỏi của rất nhiều người dân trong đó có chị Đông Ngọc Yến (37 tuổi, ở phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy).

Căn nhà nhỏ chưa đầy 30m2 của chị Đông Ngọc Yến nằm ngay sát bờ sông, cũng không thoát khỏi "vòng vây" ô nhiễm. "Nhiều lúc chật chội, nhà đông người muốn ngồi vỉa hè ăn uống cũng khó chịu. Có những ngày hôi lắm, khủng khiếp luôn. Mùa hè tôi không muốn cho con ra sông vì mùi hôi, nhiều khi có cả chuột chết, rác thải, nhiều gia đình còn mang đồ vàng mã, rác thải vứt thẳng xuống sông. Môi trường ô nhiễm thế này sức khỏe của người già, trẻ nhỏ rất đáng lo, bệnh tật rình rập. Có hôm bán hàng, khách kêu quá phải đóng cửa. Có bán nước thì cũng có mấy ai ngồi đâu.

Khi nghe tin dự án xử lý nước thải sắp đưa vào hoạt động người dân chúng tôi vui mừng quá. Hy vọng sau này, chúng tôi không phải chịu đựng dòng sông ô nhiễm như thế này nữa", chị Yến ngao ngán kể.

Bà Nguyễn Thị Lệ, 65 tuổi, từ quê ra Hà Nội trông cháu, cũng không khỏi bàng hoàng trước sự ô nhiễm kinh hoàng của dòng sông. "Ở quê tôi, không khí trong lành, thoáng đãng. Ra đây trông cháu, ngửi mùi sông mà thấy ngột ngạt, khó thở. Mấy hôm mưa xuống, mùi hôi thối nồng nặc, tôi không dám cho cháu ra khỏi nhà luôn. Về lâu dài, sống trong môi trường như thế này rất ảnh hưởng sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ", bà Lệ lo lắng chia sẻ.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp "dải lụa đen" hồi sinh? (bài 1) - Ảnh 7.

Phóng viên Dân Việt trao đổi cùng bà Lệ. Ảnh: Việt Phương.

Việc buôn bán ế ẩm, không khí ngột ngạt, nỗi lo bệnh tật thường trực... đã khién cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn.

Dự án xử lý nước thải và Nhà máy Yên Xá được kỳ vọng sẽ là "phao cứu sinh" cho dòng sông Tô Lịch và người dân nơi đây. Tuy nhiên, bao giờ dự án mới hoàn thành và đi vào hoạt động là câu hỏi chưa có lời đáp. Người dân vẫn ngày ngày chờ đợi một "phép màu" sẽ đến với biểu tượng của Hà Nội một thời...

Còn nữa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem