Người nhận được nhiều thư nhất đơn vị là chiến sĩ Nguyễn Văn Duy. Mới về đơn vị 4 tháng mà anh đã nhận cả chục lá thư.
Bức thư 6 nét bút
Những dòng thấm đẫm tình yêu thương của gia đình anh từ Đăk Lăk (nơi mới lập nghiệp) làm nhiều người cảm động. Giọng Thái Bình nhỏ nhẹ, Duy tự hào kể: "Lúc nào gia đình em cũng đầy ắp tiếng cười. Ngày mới nhập ngũ, em nhớ “quay quắt” cái không khí đó, thế nên lá thư đầu tiên chỉ toàn nước mắt. Ba em là người thường hồi âm cho con trai nhất.
|
Chiến sĩ Đơn vị H80 đang thi công công trình đường hầm. |
Bận việc đồng áng, vậy mà thư nào ông cũng viết rất dài. Ông làm cho em luôn thấy niềm tự hào và trách nhiệm của người lính với đất nước”. Duy khoe, một số thư có tới 6 nét bút, trong đó có lời dặn dò âu yếm của bà nội, lời nhắc nhở của ba, dịu dàng nhớ mong của mẹ; tinh nghịch, chọc ghẹo của hai cô em gái và hồn nhiên đáng yêu "anh Hai cố lên" của cậu em út. “Mỗi lần được đơn vị khen, viết thư về, em cứ tưởng tượng bữa cơm hôm đó gia đình em vui lắm" - Duy tâm sự.
Quyến luyến người thân đến thế, nhưng Duy lại rất háo hức đón Tết ở nơi dã ngoại và là người rất hăng hái tham gia các hoạt động mừng xuân của đơn vị. Duy cười dí dỏm: "Cả nhà em đang "nín thở" xem lính công binh ăn Tết thế nào. Em phải cho mọi người biết "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”. Tiếng cười rộn rã của Duy và đồng đội làm cho cái nắng rát bỏng vùng biên giới như dịu lại.
“Yêu lính công binh là dũng cảm lắm”
Quê huyện Diên Khánh (Khánh Hoà), Binh nhất Võ Thanh Hải có vẻ rắn rỏi của một Tiểu đội trưởng kiêm chức. Đầu quân ở Đơn vị H80 từ khi là chiến sĩ mới, Hải đã kịp “rong ruổi” một vài công trình. Anh cho rằng, công trình đường hầm mà đơn vị đang thi công thuận lợi hơn rất nhiều so với các nơi anh đã đi qua. Trước hết là tầng địa chất khá ổn định, vì thế chỉ tiêu mỗi ngày tiến 60-70cm, anh em đều vượt, chắc sẽ thông hầm sớm hơn dự kiến.
Chưa ăn Tết bộ đội lần nào nên mình háo hức lắm. Mình sẽ học anh em gói bánh chưng để sau bày lại cho bà con. Già làng nói rằng đi bộ đội sẽ học nhiều điều hay. Mình thấy điều hay nhất là mình đã trưởng thành lên.
Chiến sĩ Rơ Chăm A Lốt
Vui nữa là có thể nghe tiếng nói cười như chim hót của các cô gái Jơ Rai, tiếng cồng chiêng rộn ràng mùa lễ hội ở đầu làng... Chiến sĩ Nguyễn Văn Phước (quê Nha Trang, Khánh Hoà) tâm sự với chúng tôi mà như nói với chính mình: "Nhớ năm ngoái em cùng đồng đội mừng xuân trên đảo. Mới đó đã lại về đón Tết ở rừng. Người lính công binh thời bình cũng không khác thời chiến, có lệnh là đi. Cô gái nào yêu chúng em là dũng cảm lắm".
Điều thú vị là rất nhiều cô gái đã nhận làm "người dũng cảm". Bằng chứng là Nguyễn Văn Phước có cô người yêu xinh xắn đang học Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật. Cô liên tục viết thư cho anh, hỏi tỉ mỉ cuộc sống người lính công trình, động viên anh "trên từng cây số". Khi Phước kể Tây Nguyên đang giao mùa, ban ngày nóng, đêm lại rất lạnh, chỉ mấy ngày sau cô đã gửi bưu điện lên nào áo ấm, nào găng tay làm cho đồng đội anh phải "ghen tị".
Thương nhau như anh em một nhà
Chiến sĩ HNhưi (dân tộc Ba Na) ngày thường hát hay, đàn giỏi, hoạt náo đến vậy mà hôm nay giọng anh trầm hẳn: "Mình biết ơn đồng đội nhiều lắm. Biết mình có vợ con vất vả, ai cũng thương và giúp đỡ". HNhưi kể, đợt anh về phép, ngoài quà của đơn vị tặng cho vợ anh nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), đồng đội còn góp mỗi người vài chục nghìn mua sữa cho cháu bé.
HNhưi đưa cho vợ số tiền 2,7 triệu đồng từ phụ cấp và đồng đội tặng, vợ anh mừng lắm. Cả hai quyết định đầu tư chăn nuôi, có như thế "tiền bộ đội" mới luôn ở trong căn nhà anh.
Hồng Vân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.