"Sốt đất" nông thôn, quản đất nông nghiệp thế nào nếu cứ phân lô bán nền?
"Sốt đất" nông thôn, quản đất nông nghiệp thế nào nếu cứ phân lô bán nền?
K.Nguyên
Thứ tư, ngày 27/04/2022 18:30 PM (GMT+7)
Theo GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp đang diễn biến phức tạp, ngành chức năng, các địa phương cần có giải pháp bảo vệ đất nông nghiệp.
"Sốt đất" khắp nơi, nhiều địa phương "siết" phân lô bán nền
Nói về tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp gây nên tình trạng "sốt đất" đang diễn biến phức tạp hiện nay, theo GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần phải có giải pháp mạnh để đất nông nghiệp không bị phân lô bán nền.
"Có một thực tế ở nhiều địa phương hiện nay nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng bị phân lô sau đó bán đất nền, tự chuyển thành đất ở sau khi xây dựng một vài công trình hạ tầng như điện, đường...", ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, tất cả hình thức chia lô bán nền đất nông nghiệp là sai bởi hình thức chia lô bán nền chỉ được áp dụng với đất ở theo Luật Đất đai 2013.
Trước tình trạng "sốt đất" khắp nơi, ảnh hưởng đến việc quản lý đất đai, tình hình an ninh trật tự, nhiều địa phương đã có những quy định mới nhằm "siết" việc phân lô bán nền.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã yêu cầu kiểm tra, báo cáo việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ 11/2017 đến hết 31/1/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2 (gồm: thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất), đã được UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở (toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở) đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.
Không chỉ Hà Nội, UBND TP.Đồng Xoài (Bình Phước) cũng ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Còn UBND tỉnh Khánh Hòa thì yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân, nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có.
Đang muốn tích tụ ruộng đất sao lại tách thửa đất nông nghiệp?
Đó cũng là một nghịch lý mà GS.Đặng Hùng Võ chỉ ra. "Trong khi chúng ta đang muốn tích tụ ruộng đất để tiến tới sản xuất lớn thì ở nhiều địa phương lại cho chia tách thửa đất nông nghiệp", ông Võ nêu một thực tế.
Ông Võ cho rằng, Việt Nam phải làm như thế nào để tích tụ, tập trung đất đai khi đất đai nông nghiệp rơi vào tình trạng rất manh mún.
Câu chuyện này thực ra là phải xây dựng một quan hệ sản xuất mới. Ví dụ, Việt Nam phải tích cực trong câu chuyện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với trường hợp người nông dân thực sự không cần đến đất nông nghiệp, chuyển sang hẳn lao động phi nông nghiệp.
Khi họ có đảm bảo về thu nhập từ khu vực phi nông nghiệp nên khuyến khích họ chuyển nhượng sang cho những người có khả năng tập trung đất. Những người có nhiều đất, mang lại lợi ích cho nhiều người lao động khác trên khu vực nông nghiệp thì phải hoan nghênh, có chính sách hỗ trợ. Nhìn chung, câu chuyện tập trung, tích tụ đất đai vẫn đang cần những chính sách tốt hơn.
Lấy ví dụ về quá trình tích tụ ruộng đất ở Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Võ cho rằng, họ đã có những cách xử lý linh hoạt.
Ví dụ, Nhật Bản đã tạo ra các “ngân hàng” đất nông nghiệp. Ai có đất nông nghiệp không sử dụng gửi vào “ngân hàng” này và thu được khoản lãi nhất định.
Với Hàn Quốc, họ tạo ra một trung tâm thu nhận đất nông nghiệp. Trung tâm này không mang tính lợi nhuận nhưng có vai trò điều phối xã hội để làm sao cho đất nông nghiệp đó được sử dụng vào những mục đích nhất định của nông nghiệp. Trung tâm làm cho đất nông nghiệp thường xuyên được sử dụng.
Đáng chú ý, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc không phạt người bỏ hoang đất nông nghiệp mà dùng nhiều cách để sử dụng đất nông nghiệp khi bị bỏ hoang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.