Sốt đất nông thôn vậy mà già làng tỉnh Gia Lai hiến tặng hơn 2.000m2 đất để làm điều bất ngờ
Sốt đất nông thôn, vậy mà một già làng Gia Lai hiến gần 2.000m2 đất, thuyết phục di dời nhà mồ xây trường học
Trần Hiền
Chủ nhật, ngày 10/04/2022 06:09 AM (GMT+7)
Với mong muốn có một mái trường khang trang cho con em trong làng, già làng Rơ Lan Dyel (72 tuổi, trú tại xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã tình nguyện hiến tặng gần 2.000m2 đất mặt tiền quốc lộ 25. Điều này thật đáng quý khi sốt đất nông thôn đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành.
Đặc biệt, già làng Rơ Lan Dyel còn dành 10 năm vận động, thuyết phục dân làng di dời nhà mồ cách xa trường học.
Dưới cái nắng gắt của xứ sở Vua Lửa, chúng tôi tìm về ngôi nhà đơn sơ của già làng Rơ Lan Dyel (tên thường gọi là Ama Thiệu, trú tại làng Ia Kơal, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).
Bên chén trà đặc, già Thiệu nhớ lại, trước đây, sát bên nhà già là Trường Mẫu giáo Ia Piar nơi lũ trẻ trong làng đến học chữ. Nói là trường nhưng đó chỉ là căn nhà tạm được người dân chung tay làm bằng tre, nứa mái lợp tranh.
"Lo sợ các con không đủ điều kiện học tập, già đã về bàn với vợ con hiến đất xây trường nhưng khi vừa nghe đến hiến đất cả nhà lập tức phản đối. Vợ con già phần vì tiếc đất của gia đình tự dưng đem cho không, phần thì theo tập tục đất đai là của cải ông bà để lại con cháu phải có trách nhiệm giữ gìn và mở rộng diện tích", già nói.
Không bỏ cuộc trước những lời phản đối của gia đình, già Thiệu vẫn quyết tâm chinh phục vợ con. Với chính sách "mưa dầm thấm lâu", "đánh mạnh" vào những người con , người cháu trong gia đình, dòng họ ngày ngày phải "cuốc bộ" gần chục cây số đến trường. Một thời gian sau vợ con ông đã đồng ý hiến tặng gần 2.000m2 đất.
Người kịch liệt phản đối việc bố "đòi" hiến tặng đất, anh Siu Thiệu (36 tuổi, con trai cả của già Thiệu) cho hay: "Theo phong tục của người Jrai, đất đai, tài sản của ông bà để lại con cháu phải cất nhà ở hoặc sản xuất để phát triển kinh tế.
Đó chính là lý do mình phản đối bố hiến đất. Sau nhiều năm nghe bố giải thích về lợi ích của việc hiến đất xây trường.
Ông nói: "Có phải trường gần làng, gần nhà thì các con em đi học thuận tiện, an toàn hơn không? Lúc đó, bố mẹ ở nhà mới yên tâm sản xuất được". Ngẫm nghĩ lại lời bố nói, cùng với việc ngày ngày chứng kiến hai đứa nhỏ vất vả vượt 6 - 7km đến nơi khác học nên mình đã thay đổi suy nghĩ từ đó".
Sau khi thuyết phục vợ con đồng ý hiến gần 2.000m2 đất, già Thiệu tiếp tục vận động gia đình ông Ksor H’Jiah và ông Nay H’Bia hiến thêm đất xây dựng trường học. Tuy nhiên, khi đã có đủ diện tích đất xây trường thì vị trí xây trường lại nằm sát cạnh nhà mồ (nghĩa trang) của làng.
Dành 10 năm vận động dân làng di dời nhà mồ
Biết chắc rằng việc mồ mả nằm sát cạnh trường học sẽ không phù hợp. Bên cạnh đó, nếu di dời mồ mả đi nơi khác sẽ có thêm một phần diện tích để xây khuôn viên trường học được rộng hơn. Vì thế, già Thiệu tiếp tục vận động, thuyết phục bà con di dời mồ mả của làng đến khu vực khác nhường đất xây trường.
Tuy nhiên, trái với mong muốn của già làng Thiệu, dân làng quyết không đồng ý. Bởi theo phong tục, việc chôn cất người mất ở gần làng sẽ thuận tiện cho bà con khi tổ chức lễ cúng, bỏ mả… Nhiều người còn truyền tai nhau việc di dời nơi ở của người đã khuất sẽ bị thần linh quở trách.
"Ngày đó, tôi chỉ nghỉ việc di dời mồ mả đến nơi xa hơn sẽ hạn chế được vi khuẩn lây lan trong khu dân cư. Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt của bà con cũng sẽ đảm bảo. Đặc biệt phần đất cũ sẽ được xây dựng trường học mang lại con chữ cho trẻ em trong làng", già Thiệu bộc bạch.
Không nhận được sự đồng tình của dân làng, già làng Thiệu còn bị trách móc. Họ nhìn ông bằng ánh mắt khác thường, mặc dù lúc bấy giờ ông vẫn là trưởng thôn. Thậm chí có lần 1 thanh niên trong làng đã mang dao, rựa đến chặt mái tôn nhà già Thiệu để dằn mặt.
Ròng rã 10 năm trời vận động, thuyết phục cuối cùng dân làng đã hiểu và di dời mồ mả vào sâu trong suối Chroh H’Dang cách làng 20km như mong muốn của già Thiệu.
Sau khi nhận được sự đồng tình ủng hộ của dân làng, năm 2012 từ quỹ đất già thiệu hiến tặng, chính quyền địa phương đã phối hợp với chương trình "Đèn đom đóm" sửa sang lại Trường Mẫu giáo Ia Piar và xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi.
Khi PV có đặt câu hỏi già có tiếc nuối khi hiến tặng gần 2.000 m2 đất mặt đường Quốc lộ để xây dựng trường học không?
Già Thiệu đáp: "Có gì mà phải hối tiếc, vợ chồng tôi cũng có tuổi rồi, chỉ cần làm đủ ăn hàng ngày và gia đình khỏe mạnh là hạnh phúc rồi. Quan trọng là con cháu của mình được học tập dưới mái trường khang trang, sạch đẹp lại gần nhà, người dân trong làng cũng yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế".
Thầy Nguyễn Văn Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cho biết: "Để có được ngôi trường khang trang cho các em học tập như hiện tại, không thể không kể đến công sức to lớn của già Thiệu. Từ việc tình nguyện hiến đất, vận động người dân hiến đất xây trường, rồi vận động người dân di dời nhà mồ. Hiện già Thiệu đang là Chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh, hơn 10 năm qua già đã cùng nhà trường vận động học sinh ra lớp và giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.