Sốt xuất huyết giảm nhờ nhận thức tăng

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 23/08/2014 08:54 AM (GMT+7)
Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 7 ca tử vong, giảm tới hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận 0

 “Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là biện pháp duy nhất để khống chế bệnh sốt xuất huyết” - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định.

Số ca giảm sâu 

TS Phu cho biết, năm nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã giảm sâu so với cùng kỳ năm 2013, giảm tử vong 4 trường hợp. Đặc biệt, khu vực miền Trung giảm tới gần 78%, Tây Nguyên giảm 61,3%. Miền Nam chỉ giảm 19%, chỉ có miền Bắc tăng nhẹ 10%. Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao lại tập trung ở một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu (tăng 32,6% so với cùng kỳ, TP.Hồ Chí Minh tăng 31,7%, Bình Dương tăng 27,2%. 

“Số ca mắc SXH giảm là nhờ các biện pháp tuyên truyền, giám sát sát sao các ổ dịch, kịp thời dập dịch và dáo riết nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp để bảo vệ mình tránh khỏi bị muỗi đốt” – TS Phu nhận định.

 Tại Hà Nội, cuối tháng 7 đã xuất hiện chùm ca bệnh SXH đầu tiên với 8 ca mắc gần nhau thuộc 4 tổ dân phố thuộc phường Yên Hòa, Cầu Giấy. Ngay lập tức, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với y tế cơ sở xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi, khống chế bệnh lây lan, tuyên truyền, thúc giục người dân tại các điểm này dọn vệ sinh, đổ tất cả các chai lọ chứa nước, các vũng nước mưa đọng – môi trường cho muỗi- vật truyền bệnh phát triển. 

TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, nếu không triển khai các biện pháp phòng dịch triệt để, kịp thời thì dịch có thể sẽ bùng phát mạnh. Ông Cảm cho biết, từ đầu năm, Hà Nội mới có gần 90 ca SXH, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, thời tiết đang mưa nhiều sẽ tạo điều kiện cho muỗi phát triển, nguy cơ bùng phát bệnh trong đó có SXH là rất lớn.

 Cảnh giác vì mùa mưa còn kéo dài 


TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng 
 Bệnh SXH điều trị tốn kém, người bệnh mất sức lao động trong thời gian dài, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, người dân nên nâng cao ý thức để bảo vệ mình 
TS Phu cũng cho biết, tuy SXH giảm sâu nhưng đây là kết quả khó bền vững vì mùa mưa vẫn còn kéo dài, muỗi vẫn có môi trường phát triển, bệnh dịch lại phụ thuộc vào ý thức của người dân. “Hiện vẫn không có vaccine ngăn ngừa SHX. Biện pháp duy nhất để hạn chế bệnh phát triển là tiêu diệt môi trường để muỗi đẻ sinh sôi. Tuy nhiên, cán bộ y tế không thể đi từng nhà dân hàng ngày để nhắc nhở họ đổ nước trong từng cái bát, chum vại đi được. Trong khi ý thức người dân lại rất phập phù, có ổ dịch vừa khống chế được vài tuần thì lại bùng phát vì người dân không có ý thức bảo vệ mình” – TS Phu khẳng định. 

 

Vào mùa mưa lũ, TS Cảm cho biết, để khống chế bệnh SXH, không có cách nào khác là người dân nên phối hợp cùng với cán bộ y tế làm tốt công tác dự phòng như dọn dẹp các vũng nước quanh nhà, đổ các chai lọ chứa nước, thả cá diệt bọ gậy hoặc đậy nắp kín cho các bể nước, khi ngủ nên nằm màn, nếu đi vào các nơi có nhiều muỗi thì nên mặc quần áo dài tay, tránh bị muỗi đốt. TS Phu cũng cho rằng, người dân nên lưu ý dọn các lọ hoa chứa nước, các bồn trồng rau thủy canh vì muỗi truyền bệnh SXH chỉ đẻ trong môi trường nước sạch, nước trong. Do đó, nếu người dân chỉ chăm chăm dọn các vũng nước tù đọng, bẩn mà bỏ qua các hốc cây, chai lọ chứa nước mưa trong thì muỗi truyền SXH vẫn phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem