Hạnh phúc là hành trình hay đích đến?
Câu chuyện tiết lộ trước nội dung phim (thông qua việc review phim hay chia sẻ cảm xúc) khiến cho nhiều khán giả chưa đến rạp xem bị cảm giác hụt hẫng, mất đi tính bất ngờ… là chuyện đã được tranh cãi từ rất lâu và chưa bao giờ có hồi kết. Một bên thì cho rằng "spoil" làm mất sạch cảm giác hứng thú của họ về bộ phim mà họ đã chờ đợi, hình dung diễn tiến nội dung theo quan điểm của họ. Một bên thì cho rằng chẳng ảnh hưởng gì cả, vì việc bạn yêu thích một bộ phim và ra rạp xem nó không phải được quyết định bởi đoạn kết như thế nào.
Những ngày qua, cộng đồng mạng kêu gọi người hâm mộ đừng làm rò rỉ nội dung 'Avengers: Endgame'. Ảnh: MARVEL
Thực sự, việc tranh cãi này rất giống với cách mà chúng ta định nghĩa về lựa chọn của mình trong cuộc đời. Câu nói quen thuộc và nghe có vẻ sáo rỗng: “Hạnh phúc là hành trình chứ không phải đích đến” lại rất đúng trong trường hợp này.
Nếu kể ra đây chắc cũng hằng ha sa số các bộ phim mà chúng ta biết trước là cái thiện sẽ thắng cái ác, siêu anh hùng rồi sẽ giải cứu thế giới, công chúa cuối cùng cũng sẽ gặp hoàng tử… nhưng chúng ta vẫn xem vẫn say mê, vẫn hồi hộp trước màn hình. Hoặc cũng đã có không dưới vài ngàn bộ phim chuyển thể kịch bản từ những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới tiêu biểu như series Harry Potter, The Lord of The Rings, các tập truyện hư cấu của nhà văn Dan Brown (chuyên viết tiểu thuyết hư cấu, nổi tiếng với tác phẩm gây tranh cãi Mật mã Da Vinci)… đã được khán giả thuộc nằm lòng nội dung trước khi đưa lên màn ảnh rộng. Thế mà chúng ta vẫn dán mắt dõi theo các nhân vật và hành trình của họ như thể chúng ta lần đầu tiên được biết…
Với điện ảnh nói riêng và những câu chuyện trong cuộc đời nói chung, cách chúng ta trực tiếp trải nghiệm nó quyết định nên việc chúng ta nhìn nhận vấn đề như thế nào, yêu hay ghét ra sao. Nó hoàn toàn không phụ thuộc vào đám đông (trừ phi bạn là người thích sống theo cách người khác muốn). Chẳng thế mà có những bộ phim làm chúng ta yêu mê mệt nhưng với người khác thì rất là… trớt quớt. Ngay như với bộ phim mà cộng đồng đang bàn cãi là Avengers: Endgame cũng vậy: có khán giả vừa xem vừa khóc nức nở nhưng cũng có người mặt lạnh tanh theo kiểu vậy mà cũng khóc được à?
Nhưng có nên tiết lộ nội dung phim?
Phần lớn chúng ta luôn giữ thái độ: Cái gì khác với chúng ta nghĩ, nghĩa là không ổn?
Thực tế có rất ít khán giả có cơ hội kinh qua điều này: đọc kịch bản một bộ phim trước khi nó được sản xuất! Tuy nhiên, với những người tham gia các ê-kíp sản xuất phim việc đó là bình thường, thậm chí với các diễn viên họ còn thuộc làu làu từng câu thoại cho đến biểu cảm của nhân vật trong các phân đoạn. Thế nhưng khi xem lại bộ phim hoàn chỉnh trước khi ra rạp, hay thậm chí đến rạp xem phim trực tiếp cùng khán giả, phần lớn các thành viên của ê-kíp sản xuất các bộ phim vẫn khóc cười như một khán giả bình thường.
Điều đó chỉ có thể lý giải bằng cảm xúc của con người, khi nhìn thấy lại một hành trình mình đã đi xuyên qua bộ phim thông qua việc hóa thân vào một nhân vật nào đó.
Với người viết, spoil phim không phải là tội ác cũng không thể xem là một hành động thiếu văn hóa. Nếu phải định danh việc spoil bằng một nhận xét rõ ràng thì chỉ có thể xếp nó vào phạm trù ý thức của người xem trước. Nó không là đúng cũng chẳng là sai. Nó chỉ là việc không được hay khi “tước đoạt” đi “quyền” được tưởng tượng bộ phim theo cách rất cá nhân của nhiều người chưa xem bộ phim đó.
Nếu bạn không ra rạp xem một bộ phim nào đó vì đã lỡ đọc trước nội dung (ít hay nhiều) từ ai đó viết ra trên mạng xã hội, có lẽ chỉ bởi vì bạn không yêu thích bộ phim đó nhiều như bạn nghĩ. Cũng như khi ai đó nói rằng xem bộ phim này sẽ khóc hết nước mắt thì bạn có sợ điều đó làm cho mình trở nên buồn bã mà không ra rạp? Câu trả lời như thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc bạn có phải là một fan điện ảnh thật sự như bạn nghĩ.
(Bài viết thể hiện văn phong, góc nhìn của tác giả - một nhà văn sinh sống và làm việc tại TP.HCM)
Nguyễn Phong Việt (Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.