Đại học Quốc gia TP.HCM hỗ trợ Tây Ninh đào tạo nguồn nhân lực

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 26/08/2022 16:59 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Tây Ninh và ĐH Quốc gia TP.HCM vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2026 để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Bình luận 0

Vừa qua, ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) và UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2026 nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh, đồng thời thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ĐHQG-HCM trong khâu đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.


Sản xuất thành công phân bón từ tro trấu

Tại lễ ký kết hợp tác với ĐHQG TP.HCM, ông Võ Hồng Sang - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hai đơn vị đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao - du lịch, giáo dục giai đoạn 2018-2022.

Trong đó, đối với nguồn nhân lực ngành y, Sở Y tế và Khoa Y ĐHQG TP.HCM đã đào tạo hệ đại học chính quy cho 40 sinh viên/năm theo chương trình đào tạo nguồn nhân lực kinh tế trọng điểm giai đoạn 2018-2020 và xét cử 96 sinh viên theo học tại Khoa Y từ 2018-2022. Riêng năm 2022, tỉnh đã xét cử 30 sinh viên và đang hoàn tất thủ tục nhập học.

Đại học Quốc gia TP.HCM hỗ trợ Tây Ninh đào tạo nguồn nhân lực - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM và ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh trao đổi ký kết. Ảnh: Lê Hoài

Về hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tây Ninh đã phối hợp Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) thực hiện nhiều đề tài quan trọng. Trong đó nổi bật là đề tài "Ứng dụng công nghệ tạo viên không nhiệt để sản xuất phân bón NPK kết hợp silica từ tro trấu".

Ông Sang cho biết, từ đề tài này, tỉnh Tây Ninh đã xây dựng được quy trình xử lý tro trấu, quy trình sản xuất phân bón NPK-10% silica từ tro trấu và thiết kế thiết bị ép hạt tạo phân theo phương pháp không nhiệt.

"Trung tâm KH&CN của tỉnh đã sản xuất thành công phân bón theo phương pháp này cho 150m2 hành lá tại Trại thực nghiệm KH&CN cùng 4.000m2 lúa nước tại phường 1, TP.Tây Ninh. Phương pháp này đã giúp người nông dân tận dụng tối đa nguồn dư thừa tro trấu tại địa phương để tạo phân bón giàu silica, làm cây trồng cứng cáp, giảm thiểu sự thoát hơi nước, tăng cường khả năng chống chịu thời tiết…", ông Võ Hồng Sang chia sẻ.

Ưu tiên đào tạo nhân lực y tế, giáo dục

Trong buổi làm việc, UBND tỉnh Tây Ninh và ĐHQG TP.HCM đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2026.

Đại học Quốc gia TP.HCM hỗ trợ Tây Ninh đào tạo nguồn nhân lực - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi ký kết giữa ĐHQG TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Hoài

Biên bản này gồm 4 nội dung chính là hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nhân lực; các chương trình, đề tài nghiên cứu KH&CN liên quan chuyển đổi số, nông thôn thông minh, phát triển du lịch…; tư vấn góp ý phản biện chính sách kinh tế - xã hội và đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội cho Tây Ninh theo đặt hàng của tỉnh.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, 4 nội dung ký kết trên sẽ được tỉnh cụ thể hóa bằng các kế hoạch hằng năm. Tỉnh Tây Ninh sẽ ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế và giáo dục vì đây là hai lĩnh vực thiếu hụt nhân lực nhất của tỉnh.

"Chúng tôi không tham vọng đào tạo nhân lực cho tất cả ngành trong một năm. Đối với ngành y tế, chúng tôi thiếu hụt nhân lực rất trầm trọng, đặc biệt là ngành điều dưỡng. Tương tự ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo là đội ngũ giáo viên của ngành mầm non. Chúng tôi mong rằng với thế mạnh và uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của mình, ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho những lĩnh vực này. Cứ mỗi năm hai bên sẽ ngồi lại đánh giá, bổ sung những phát sinh" - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, sau khi ký kết hợp tác, đến tháng 10/2022 ĐHQG TP.HCM phải tổ chức tọa đàm hoặc hội nghị để tháo gỡ những vướng mắc trong đào tạo ngành y giữa Sở Y tế của tỉnh và Khoa Y ĐHQG TP.HCM.

Ông Quân cho biết: "Từ năm 2022, ĐHQG TP.HCM đã tuyển sinh ngành điều dưỡng. Tôi tin rằng Khoa Y có thể hỗ trợ tốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực đang thiếu hụt của Tây Ninh ở lĩnh vực này".

PGS.TS Vũ Hải Quân đề nghị hai bên cần xây dựng chương trình KH&CN chung để có thể nắm bắt bài toán tổng thể của tỉnh chứ không đi vào từng lĩnh vực rời rạc. Chẳng hạn, về du lịch hay nông nghiệp, dữ liệu, kinh phí hợp tác nghiên cứu không chỉ từ Sở KH&CN mà còn sự cộng tác của các sở liên quan. Phát triển nông nghiệp thông minh cần sự hợp tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; làm du lịch cần Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng ngồi lại. Như vậy mới mang tính chất dài hơi và đảm bảo chiều sâu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem