Nhà vật lý học nổi tiếng thế giới Stephen Hawking. (Nguồn: Getty Images)
Trong một bài báo đăng trên tờ The Guardian, nhà vật lý học nổi tiếng thế giới đã viết “sự tự động hóa các nhà máy vốn đã làm tiêu hao số lượng việc làm trong ngành sản xuất truyền thống, và sự nổi lên của trí thông minh nhân tạo nhiều khả năng sẽ mở rộng sự phá hủy việc làm này vào sâu trong tầng lớp trung lưu, và chỉ để lại những vị trí cần quan tâm nhất, sáng tạo nhất hoặc có tính giám sát nhất."
Hawking đã lên tiếng tán thành với một loạt các chuyên gia khác đang tỏ ra lo ngại về những tác động của công nghệ lên lực lượng lao động trong những năm tới.
Họ lo sợ rằng mặc dù trí thông minh nhân tạo sẽ giúp đẩy mạnh tính hiệu quả trong công nghiệp, đối với những người bình thường, điều này sẽ đồng nghĩa với mất việc làm và mất ổn định khi các công việc vốn dành cho con người được thay thế bởi máy móc.
Công nghệ đã và đang cắt giảm nhiều công việc sản xuất truyền thống dành cho tầng lớp lao động phổ thông - nhưng giờ đây công nghệ có thể sắp gây ra những tác động tiêu cực tương tự đối với tầng lớp trung lưu.
Một nghiên cứu của Citibank hợp tác với Đại học Oxford được công bố tháng 2.2016 đã dự đoán rằng 47% số việc làm ở Mỹ đang có nguy cơ bị tự động hóa. Ở Anh, con số là 35%. Ở Trung Quốc, tỷ lệ này lên tới 77%, còn trên khắp OECD, tỷ lệ trung bình là 57%.
Ba trong số 10 nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới giờ đang thay thế lao động của họ bằng người máy.
Sự tự động hóa sẽ “tăng tốc cho sự bất bình đẳng vốn đang ngày càng mở rộng trên thế giới,” Hawking viết. “Mạng internet và các nền tảng hỗ trợ nó cho phép một nhóm rất nhỏ các cá nhân thu được lợi nhuận khổng lồ, trong khi sử dụng rất ít lao động. Điều này là không thể tránh khỏi, nó là sự tiến bộ, nhưng cũng là sự hủy hoại xã hội.”
Ông cho rằng mối lo âu kinh tế này là một lý do giải thích cho sự nổi lên của chính trị dân túy, cánh tả ở phương Tây: “Chúng ta đang sống trong một thế giới của sự mở rộng - chứ không phải là thu hẹp - bất bình đẳng tài chính, mà trong đó nhiều người có thể nhận thấy không chỉ tiêu chuẩn sống của họ, mà cả khả năng kiếm tiền nuôi sống bản thân của họ, cũng biến mất. Chẳng có gì lạ khi họ tìm kiếm một thỏa thuận mới, điều có vẻ như được đại diện bởi Trump và Brexit.”
Hawking cảnh báo rằng kết hợp với các vấn đề khác như bùng nổ dân số, biến đổi khí hậu, bệnh dịch, chúng ta đang ở trong “thời khắc nguy hiểm nhất trong sự phát triển của nhân loại.” Nhân loại sẽ phải đoàn kết chung tay nếu muốn vượt qua những thách thức này, ông nhận định.
Trước đó, Stephen Hawking đã thể hiện mối quan ngại về trí tuệ nhân tạo vì một lý do khác - rằng nó có thể chiếm quyền và thay thế con người. “Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có thể đặt dấu chấm hết cho nhân loại,” ông nói vào cuối năm 2014. “Nó sẽ tự mình phát triển và tự thiết kế lại với một tốc độ không ngừng tăng. Con người, vốn bị giới hạn bởi sự tiến hóa sinh học chậm chạp, sẽ không thể cạnh tranh và sẽ bị thế chỗ”.
PV (Vietnam+)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.