Sử gia Tạ Chí Đại Trường: Một hành trình phản biện độc lập

Chủ nhật, ngày 06/04/2014 06:51 AM (GMT+7)
Tạ Chí Đại Trường định danh tại Sài Gòn từ trước năm 1975, định cư tại Mỹ từ năm 1994, khoảng mười năm gần đây, một số tác phẩm của ông tái xuất hiện tại Việt Nam, tạo dư luận rất tốt.
Bình luận 0
Mới đây, ông đã được quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh trao giải thưởng về nghiên cứu – một ghi nhận muộn màng, nhưng kịp lúc, vì gần như ngay sau đó, ông phải nhập viện vì xuất huyết não.

img
Tạ Chí Đại Trường.

Trong một cuộc trò chuyện, Tạ Chí Đại Trường tâm sự về nghề sử của mình như sau: “Tự bản thân, tôi không thấy mình có thiên hướng gì đặc biệt. Đi học, chọn một ngành riêng biệt rồi cứ theo đó mà làm thôi”. Đó là cách nói khiêm tốn, chứ bằng tinh thần vừa phản biện vừa độc lập trong nghiên cứu, những công trình của sử gia này là một cách nhìn lại cung cách viết sử theo lối truyền thống và bị xuyên tạc của Việt Nam từ thời xa xưa.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ mình đã được thoát ra khỏi những lối nhìn “truyền thống” cũ và mới như thế là nhờ ở vị thế “mới” về tư tưởng chấp nhận để thấy ra sự khác lạ trên các sự kiện cũ. Khoa học bắt đầu bằng sự ngạc nhiên và do đó bắt buộc người ta phải đi tìm những kiến giải khác. Rồi thêm với vị thế bên lề xã hội của mình, tôi tự do viết không cần lo chuyện có được phổ biến hay không, hay như ở Mỹ, là viết cho những tạp chí không đủ tiền trả, viết cho nó sống để mình còn có “sân chơi”.

Nếu trong Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 – 1802 – cuốn sách định danh tên tuổi của Tạ Chí Đại Trường – độc giả có thể tái hình dung cục diện chính trị, quân sự cùng các bộ máy quyền lực của Đại Việt nửa cuối thế kỷ 18. Song hành đó là các yếu tố ngoại nhập như việc truyền giáo từ Tây phương, hải tặc Tề Ngôi, ngoại bang Xiêm La, Mãn Thanh, di dân Hoa kiều, Nguyễn Huệ – Nguyễn Ánh… Thì trong Thần, người và đất Việt là cuộc thịnh suy của việc thờ thần, trong đó có cả việc lợi dụng, buôn thần bán thánh qua các thời đại, mà đừng nghĩ càng về sau sẽ càng ít đi. Nếu cuốn trước định danh và vạch một lối đi riêng trong nghiên cứu lịch sử, thì cuốn sau tạo nên những cuộc tranh luận nảy lửa vì tính phát hiện và phản biện quá mới mẻ của nó.

Bìa vài tác phẩm nổi tiếng tại Việt Nam của ông.
Bìa vài tác phẩm nổi tiếng tại Việt Nam của ông.

Cuốn sách gần đây của Tạ Chí Đại Trường được xuất bản tại Việt Nam là Người lính thuộc địa Nam kỳ (1861 – 1945), vốn là bản thảo luận án tiến sĩ sử học tại đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1975. Sách này tập trung lý giải cơ cấu hình thành và hoạt động của người lính Nam kỳ, đặt nó trong mối quan hệ phức tạp giữa các phe phái dân sự và quân sự đang nắm quyền, giữa lính bản xứ và sĩ quan chính quốc… Đây là mảng lịch sử quan trọng, nhưng từ lâu đã bị xem nhẹ trong giới sử học Việt Nam. Các tác phẩm khác của ông như Những bài văn sử, Những bài dã sử Việt, Việt Nam nhìn từ bên trong, Sử Việt đọc vài quyển, Bài sử khác cho Việt Nam… cũng được viết theo tinh thần phản biện độc lập này.

“Sách khảo cứu dù là được viết kỹ cũng có thời gian tính của nó (ý tưởng tác giả đổi thay vì những xuất hiện tài liệu mới, vì chính chuyển biến của bản thân) cho nên sách xuất hiện lại cũng đành phải chịu một chừng mực lạc hậu nào đó khi tác giả không có dịp sửa đổi. Dù sao thì có còn hơn không, tôi cũng không thấy cần phải tránh né tỏ bày sự vui mừng của mình trong lần xuất bản, tái bản này, như đối với những quyển trước...”, Tạ Chí Đại Trường bày tỏ về việc tái xuất bản các sách cũ.
Hiền Hoà (Thế giới Tiếp thị) (Hiền Hoà (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem