Sự kiện Beirut 1983: 300 lính Mỹ - Pháp mất mạng trong vài phút

MA Chủ nhật, ngày 05/02/2023 21:40 PM (GMT+7)
Ngày 23/10/1983, vụ đánh bom kép cách nhau mấy phút vào hai trại lính Mỹ, Pháp ở thủ đô Beirut của Lebanon đã khiến 299 lính thủy đánh bộ Mỹ và quân dù Pháp thiệt mạng.
Bình luận 0

Ngày 23/10/1983, vụ đánh bom kép cách nhau mấy phút vào hai trại lính Mỹ, Pháp ở thủ đô Beirut của Lebanon đã khiến 299 lính thủy đánh bộ (thủy quân lục chiến-TQLC) Mỹ và quân dù Pháp thiệt mạng. Vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ cách đó không lâu cũng đã giết chết 17 lính thủy đánh bộ Mỹ.

Vậy điều gì đã khiến hàng trăm binh lính thuộc lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Pháp và Mỹ phải bỏ mạng nơi xứ người?

Sự kiện Beirut 1983: 300 lính Mỹ - Pháp mất mạng trong vài phút - Ảnh 1.

Hình ảnh tang thương vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Beirut ngày 23/10/1983.

Ngược dòng quá khứ, vào năm 1982, Israel đưa quân xâm lược Lebanon lấy lý do truy quét du kích quân của Mặt trận giải phóng Palestine (PLO). Quân đội Israel bao vây thủ đô Beirut để tiến hành kế hoạch bắt giữ, giết hại 75.000 người Palestine trong các trại tị nạn.

Trước phản ứng của dư luận quốc tế đòi Mỹ phải ra tay ngăn chặn cuộc thảm sát của Israel, đến tháng 3/1982, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ra lệnh triển khai 800 lính thủy quân lục chiến tại Beirut để di tản 14.000 thành viên PLO đến Tunisia.

Sau khi Mỹ rút quân, tướng Ariel Sharon lại tiếp tục chỉ huy quân đội Israel tiến hành chiến dịch truy quét người Palestine và đã gây nên vụ thảm sát 5.000 dân thường tại hai trại tị nạn Sabra và Chatila. Sự kiện này khiến Israel bị dư luận quốc tế lên án kịch liệt và buộc Liên Hiệp Quốc phải can thiệp.

Vào tháng 9/1982, một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do Mỹ dẫn đầu gồm 2.500 lính TQLC Mỹ, lính dù Pháp và Italia đã đến Beirut để thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, ngăn chặn các hành động thảm sát người Palestine của binh lính Israel, với sự tiếp tay của phiến quân Maronite Thiên Chúa giáo ở Lebanon.

Lực lượng của tiểu đoàn 1/8 TQLC Mỹ đóng quân ở tòa cao ốc cạnh sân bay quốc tế Beirut, còn gồm 99 người thuộc lực lượng lính dù của Đại đội 3, trung đoàn 1 đổ bộ đường không Pháp, đến đóng tại tòa nhà tám tầng, cách tòa đại sứ Iran chỉ 800m, vào hôm 23/9/1983.

Mỹ: TQLC vừa báo thức đã bị tấn công

Trong đêm ngày 22/10/1983, đã có những cảnh báo đối với lực lượng quân Mỹ về việc có những chiếc xe hơi khả nghi dùng để đánh bom khủng bố ở Beirut. Do đó, an ninh đã được thắt chặt hơn nhưng mức độ quan tâm của lính Mỹ đến sự kiện này cũng không được cao lắm.

Hơn nữa, do những chế ước trong việc thực hiện chức trách của lực lượng gìn giữ hòa bình, nên các chốt cảnh giới vòng ngoài của TQLC Mỹ đều không được mang đạn thật theo súng. Điều này đã khiến họ phản ứng không kịp với vụ đánh bom cảm tử bằng ô tô.

Ngày 23/10 là chủ nhật nên lính Mỹ báo thức muộn hơn vào lúc 06h30. Rạng sáng hôm đó, giao thông trên đường ra sân bay quốc tế Beirut (chạy song song với doanh trại của lực lượng TQLC Mỹ) rất thưa thớt, nên bất cứ động thái lạ nào cũng đều dễ dàng nhận thấy.

Vào khoảng 5 rưỡi sáng, hạ sĩ Eddie A Difranco, đóng tại chốt số 6, một trong hai chốt gác đặt giữa mặt tiền và phía nam tòa cao ốc dùng làm doanh trại của tiểu đoàn TQLC Mỹ nhìn thấy một chiếc xe bồn chở nước màu vàng hiệu Mercedes Benz chạy vào bãi đậu xe nằm ở phía nam chốt gác của mình.

Chiếc xe bồn chạy một vòng trong bãi đậu xe, rồi đi ra hướng sân bay nhưng không đầy một giờ sau, chiếc xe đó quay lại. Tưởng như nó sẽ di chuyển vào bãi đậu xe, nhưng chiếc xe bất ngờ quẹo phải, tăng tốc độ đâm vào hàng rào phòng thủ giữa chốt gác số 6 và số 7; vọt qua cổng chính, rồi đâm thẳng vào tầng trệt tòa nhà và phát nổ.

Cảnh giới ở chốt số 7 là hạ sĩ Henry P.Linkila. Anh này nghe tiếng xe bồn rồ ga vọt qua đám kẽm gai bùng nhùng nên vội vã nhét một băng đạn vào khẩu M-16, nhưng mới chỉ kịp lên đạn, chưa kịp bóp cò thì chiếc xe đã vượt qua chốc gác và phát nổ phía trong tòa nhà.

Hạ sĩ John W. Berthiaume gác ở chốt số 5 cũng nhìn thấy chiếc xe bồn, nhưng không kịp nghĩ ra là nó định làm gì, do đó, anh này không kịp phản ứng hoặc nổ súng hay tìm chỗ ẩn náu, thì chiếc xe đã nổ tung, sức ép của vụ nổ hất tung người lính này xuống đất.

Trưởng toán canh gác vòng trong ở cổng chính tòa nhà là Trung sĩ Stephen E. Russell đã nhìn thấy chiếc xe qua lỗ châu mai, khi nó chuẩn bị chồm vào tầng trệt. Nhận ra ngay nguy cơ, Russell lao ra khỏi vọng gác và la: “Bắn vào cabin xe! Bắn vào cabin xe”. Nhưng chỉ một hay hai giây sau, chiếc xe bồn phát nổ, hất tung anh này lên trời, văng ra khỏi tòa nhà. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm giữa đường, bên ngoài khuôn viên đơn vị của anh.

Vụ nổ với sức công phá kinh hoàng làm sập cả tòa nhà chỉ trong vài giây. Con số tử vong lên tới 241 quân nhân Mỹ, trong đó 220 người là lính TQLC, còn lại là số nhân viên y tế mới tăng cường cho đơn vị.

Đây là tổn thất lớn nhất trong một ngày đối với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, kể từ trận đổ bộ lên đảo Iwo Jima của Nhật Bản năm 1945 (trong cuộc chiến trên Thái Bình Dương).

Trong báo cáo điều tra “Report of the DOD Commission on Beirut International Airport Terrorist Act, October 23,1983” của Bộ Quốc Phòng Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đánh giá rằng, quả bom có đương lượng nổ khoảng 12.000 cân Anh (khoảng 5,4 tấn) chất nổ TNT.

Với lượng chất nổ này, cho dù chiếc xe tải khủng bố không lọt vào trong khuôn viên doanh trại mà nổ cách xa đến cả trăm mét, thì cũng gây thiệt hại lớn cho tòa nhà và gây ra thương vong đáng kể.

Ngoài ra, do chính kết cấu của tòa nhà mà sức công phá của quả bom càng tăng, khiến phần nền nhà và phần nóc bị vỡ, cả tòa nhà bị tung lên cao. Hậu quả là tòa nhà tự sụp đổ từ những vị trí yếu nhất. Vụ nổ đã loại bỏ toàn bộ cơ cấu chỉ huy của đơn vị, giết chết 241 người và làm bị thương 122 người khác.

Pháp: Lính dù chưa kịp ăn sáng…

Theo Tướng Cardinal, người vào thời điểm đó là chỉ huy trung đoàn 1 lính dù Pháp cho biết, vào tháng 9/1983 lực lượng lính dù Pháp được điều đến Beirut, thủ đô của Lebanon để đảm nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Khu doanh trại của họ khi đó là một tòa nhà tám tầng, cách tòa đại sứ Iran chỉ 800m.

Ngày 23/9, Đại đội 3, trung đoàn 1 lính dù Pháp với quân số 99 người, được điều động đến đóng tại đây. Khi đó, tòa nhà này còn không có điện, nước, cơ sở vật chất rất kém. Lính công binh Pháp đã tu sửa và lập hàng rào kẽm gai xung quanh, cùng với chướng ngại vật là hơn 5.000 bao cát.

6 giờ sáng ngày Chủ Nhật 23/10, thượng sĩ trực ban đại đội đánh thức đơn vị. Trung sĩ Hartung cùng vài lính dù khác ra phố mua bánh Croissant cho ngày chủ nhật yên bình. Thình lình một tiếng nổ chấn động cả khu vực vang lên từ phía sân bay quốc tế Beirut.

Tiểu đội canh gác vội lao về các vị trí chiến đấu, toàn bộ lính dù Pháp nhào ra lan can xem điều gì xảy ra ở phía sân bay. Lúc đó, họ vẫn chưa nghĩ đến việc doanh trại TQLC Mỹ bị đánh bom mà chỉ cho rằng, tiếng nổ có thể là xuất phát từ trong sân bay.

Trung sĩ nhất Blanchot và hạ sĩ Guillemette đang trực canh gác trên nóc tòa nhà có phương tiện quan sát tốt nhất đã xác định được chính xác địa điểm xảy ra vụ việc và vội vã gọi điện báo cáo với đại úy đại đội trưởng là doanh trại của TQLC Mỹ vừa bị bom đánh sập.

Ngay khi Guillemette gác điện thoại, chỉ huy đại đội lính dù Pháp chưa kịp ban hành các mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu khẩn cấp thì cả tòa nhà đột nhiên chấn động vì một tiếng nổ lớn. Các sàn nhà của mỗi tầng sụp xuống, rồi đến các bức tường.

Những người còn sống sót kêu cứu, gọi nhau í ới mà vẫn chưa hiểu điều gì đã xảy ra. Các binh sĩ đi lấy bánh croissant thấy tiếng nổ lớn vội vã chạy về và không tin nổi vào mắt mình, bởi cả tòa nhà tám tầng đã biến thành một núi xà bần cao 5m.

Vụ tấn công khiến 58 lính dù Pháp thiệt mạng, chỉ còn 41 người sống sót.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là thảm kịch duy nhất đối với lực lượng Pháp-Mỹ đóng quân ở Beirut trong năm 1983. Một vụ tấn công tự sát kinh hoàng với kịch bản tương tự đã diễn ra trước đó sáu tháng, nhằm vào tòa đại sứ Mỹ tại Beirut cũng đã khiến 63 người thiệt mạng.

Vào ngày 18/4/1983, một xe tải mang đến gần 1 tấn thuốc nổ đã phát nổ ngay tại cổng vào tòa đại sứ Mỹ, làm sập toàn bộ khu vực mặt tiền, khiến 63 người chết, trong đó có 17 lính thủy đánh bộ Mỹ.

Kết quả điều tra cho thấy chiếc xe tải này chính là của tòa đại sứ Mỹ, đã bị đánh cắp trước đó một năm, được cất trữ kỹ lưỡng để sử dụng cho vụ khủng bố này. Do nó khá giống với các xe khác của Đại sứ quán nên mới dễ dàng lọt qua các chốt gác vòng ngoài vào đến tận cổng tòa đại sứ.

Các lực lượng đa quốc gia phương Tây khi đó được khoác cho chiếc áo “lực lượng gìn giữ hòa bình” đã hứng chịu các cuộc tấn công kinh hoàng và sau đó bị đẩy ra khỏi Lebanon, chính là kết quả của các cuộc tấn công đẫm máu vào binh lính Pháp và Mỹ.

Vụ đánh bom kép năm xưa được Pháp và Mỹ cho là do các lực lượng thân Iran là tổ chức Hamas của Palestine và Phong trào Hezbollah của Lebanon, thực hiện theo chỉ đạo của chính quyền Tehran. Sau đó, các Tòa án Mỹ đã ra phán quyết xác định tội trạng của Iran và đòi nước này phải bồi thường.

Tính đến thắng 7/2012, Chánh án Tòa án liên bang Mỹ Royce C. Lamberth đã ra 8 phán quyết buộc Iran phải trả 8,8 tỷ USD cho gia đình của 241 lính Mỹ thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong vụ đánh bom doanh trại của TQLC Mỹ ở thủ đô Beirut (Libăng) năm 1983.

Tuy nhiên, chính quyền Iran đã thẳng thừng bác bỏ phán quyết đơn phương này. Trong khi đó, có những cuộc điều tra khác đã đưa ra kết luận: Chính Israel mới là chủ mưu của loạt khủng bố đánh bom kinh hoàng này, nhằm buộc các lực lượng Mỹ-châu Âu rút khỏi Lebanon, để Tel Avip rảnh tay diệt trừ người Palestine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem